Tổng thống Ukraine đến châu Âu: Liên hợp quốc cảnh báo việc viện trợ vũ khí
Trong chuyến công du nước ngoài thứ hai kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chọn châu Âu làm điểm đến, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt đầu tiên năm 2023 của Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra ngày 9-10/2 với vấn đề Ukraine chắc chắn phủ bóng chương trình nghị sự.
Hội nghị Thượng đỉnh EU, diễn ra ngay sau Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine lần thứ 24, sẽ tập trung vào những diễn biến gần đây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và việc EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine, theo Reuters. Cho đến nay, EU và các quốc gia thành viên đã cung cấp viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine. Song, hội nghị thượng đỉnh lần này trở nên đặc biệt một phần bởi chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Ukraine theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, với Anh là điểm đến đầu tiên mà ông Zelensky lựa chọn. Anh là quốc gia hỗ trợ lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ.
Trong năm ngoái, Anh đã cung cấp viện trợ quân sự lên đến gần 2,8 tỷ USD và cam kết duy trì mức hỗ trợ này trong năm nay. Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Anh sẽ mở rộng chương trình huấn luyện dành cho phi công máy bay chiến đấu và lính thủy đánh bộ của Ukraine. Văn phòng Thủ tướng Anh cũng xác nhận nước này sẽ tiếp tục hợp tác với các lực lượng vũ trang Ukraine và các nước phương Tây để mở rộng quy mô chương trình vào năm 2023.
Trong những phát biểu đầu tiên trước các nghị sĩ Anh hôm 8/2 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh: “London đã hỗ trợ Kiev ngay từ ngày đầu tiên, từ những phút giây đầu tiên của cuộc chiến”. Ông Zelensky không quên đề nghị London cung cấp thêm cho Ukraine máy bay chiến đấu mà ông gọi là "đôi cánh cho tự do", đồng thời kêu gọi London tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển giao vũ khí của Anh, bao gồm cả vũ khí tầm xa và xe tăng. Đáp lại, Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định "không có gì có thể bàn cãi" trong việc cung cấp máy bay cho Ukraine. "Bước đầu tiên để có thể cung cấp máy bay tiên tiến, đó là có binh lính hoặc phi công có khả năng sử dụng chúng. Đó là một quá trình cần thời gian. Chúng tôi đã bắt đầu quá trình đó hôm nay", ông Sunak nói.
Phản ứng trước tuyên bố này, Đại sứ quán Nga tại London cảnh báo, việc giao máy bay chiến đấu của Anh cho chế độ Kiev sẽ dẫn đến một “hậu quả đẫm máu” của vòng leo thang tiếp theo, cũng như những hậu quả chính trị - quân sự đối với lục địa châu Âu và toàn bộ thế giới”. Cơ quan ngoại giao Nga lưu ý rằng, quân đội Ukraine sẽ sử dụng máy bay quân sự phương Tây trong các cuộc không kích vào các khu dân cư của các khu vực Donetsk, Lugansk, cũng như Kherson và Zaporozhye nằm dưới sự bảo vệ của Nga.
Bất chấp những cảnh báo từ Nga, tối cùng ngày, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đến Paris, Pháp, và có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với nỗ lực vận động châu Âu viện trợ quân sự - kinh tế và gây sức ép để châu Âu đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine làm thành viên của khối. “Pháp và Đức có tiềm năng trở thành những người thay đổi cuộc chơi. Đó là điều tôi thấy trong cuộc đàm phán của chúng ta ngày hôm nay. Điều hiển nhiên là, nếu chúng tôi sớm có được vũ khí hạng nặng và tầm xa, các phi công của chúng tôi có được các dòng máy bay chiến đấu hiện đại, chúng tôi sẽ kết thúc nhanh chóng cuộc xung đột này”, Tổng thống Zelensky nhận định.
Đáp lại đề nghị từ phía Ukraine, Tổng thống Pháp Macron đã đưa ra cam kết rằng nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ vũ khí, nhấn mạnh Ukraine có thể tin tưởng vào Pháp và các đối tác châu Âu cũng như các nước đồng minh. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Scholz tuyên bố nước này và các đối tác đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. “Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, châu Âu và các nước đồng minh không chỉ sát cánh bên Ukraine mà còn hỗ trợ dồn dập cho Ukraine về tài chính, viện trợ nhân đạo, vũ khí, pháo hạng nặng, phòng không và gần đây nhất là hỗ trợ việc cung cấp xe tăng chiến đấu. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy miễn là cần thiết”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.
Tuy nhiên, cùng ngày, Thủ tướng Scholz cũng cho rằng bất chấp những cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine, NATO không được trở thành một bên tham chiến trong cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu này. Theo đó, Thủ tướng Scholz cảnh báo việc các nước liên tiếp đưa ra những cam kết riêng rẽ cung cấp các thiết bị quân sự cho Ukraine có thể gây tổn hại đến sự thống nhất của phương Tây. Tuyên bố này phần nào trùng hợp với những thông điệp được Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra cùng thời điểm.
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an, bà Izumi Nakamitsu, Đại diện cấp cao của LHQ về các vấn đề giải trừ quân bị cho biết: “Việc vũ khí được đưa vào bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào theo quy mô lớn cũng sẽ làm gia tăng những lo ngại về sự leo thang chiến sự và nguy cơ chuyển hướng. Hiện tại, triển vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine dường như rất mong manh, khi các động thái quân sự chiếm ưu thế. Việc chuyển giao thiết bị quân sự để hỗ trợ Ukraine không được làm chệch hướng khát vọng hòa bình”. Chắc chắn, kết quả của hội nghị thượng đỉnh EU cũng như chuyến công du của ông Zelensky sẽ là điều được chờ đợi nhất lúc này.