Tổng thống Ukraine: 'Không thể đàm phán nếu Nga không rút quân'

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/6 bác bỏ sáng kiến hòa bình của Liên minh châu Phi (AU), tuyên bố Kiev không thể đàm phán với Nga và đóng băng cuộc xung đột.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo châu Phi, ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo châu Phi, ngày 16/6. Ảnh: Reuters

“Tôi đã nói rõ ràng và nhiều lần tại cuộc họp của chúng ta rằng, việc cho phép bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga trong khi họ vẫn chiếm giữ lãnh thổ của chúng tôi có nghĩa là đóng băng cuộc chiến, đóng băng nỗi đau”, Tổng thống Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Kiev sau khi tiếp phái đoàn các lãnh đạo châu Phi, theo RT,

Ông tuyên bố: “Tôi nhấn mạnh một lần nữa, chúng tôi cần hòa bình thực sự. Do vậy, cần một cuộc rút quân thực sự của quân đội Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ đất độc lập của chúng tôi”.

Theo CNN, bình luận của Tổng thống Zelensky dường như có mâu thuẫn với đề xuất mà các lãnh đạo châu Phi đưa ra trong chuyến công du.

Phái đoàn gồm 4 tổng thống Nam Phi, Zambia, Comoros, Senegal cùng đại diện lãnh đạo của 3 nước Congo, Ai Cập và Uganda ngày 16/6 đã đến thủ đô Kiev để bắt đầu sứ mệnh hòa bình nhằm nỗ lực hòa giải cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Từ trái qua phải: Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Comoros kiêm Chủ tịch luân phiên AU Azali Assoumani, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Tổng thống Zambian Hakainde Hichilema tại Kiev, ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Từ trái qua phải: Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Comoros kiêm Chủ tịch luân phiên AU Azali Assoumani, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Tổng thống Zambian Hakainde Hichilema tại Kiev, ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi Ukraine và Nga cần xoa dịu căng thẳng và tập trung vào việc đạt được một nền hòa bình lâu dài thông qua đàm phán.

“Cả hai bên đã có những hành vi xúc phạm. Chúng tôi kêu gọi cả hai phải xuống thang căng thẳng để có thể tiến tới con đường giải quyết xung đột một cách hòa bình”, ông Ramaphosa phát biểu, đề cập đến sáng kiến hòa bình 10 điểm mà một số quốc gia châu Phi đã đồng ý tham gia.

Tổng thống Nam Phi cũng nhận định rằng “ngay cả khi xung đột trở nên căng thẳng nhất, thì đó cũng là lúc hòa bình nên được thiết lập”.

“Cuộc chiến này nên đạt được hòa bình thông qua đàm phán và các biện pháp ngoại giao. Chúng ta nên tiến tới hòa bình đó bởi vì cuối cùng thì tất cả các cuộc chiến tranh đều kết thúc. Tôi thực sự tin rằng cuộc chiến nên được kết thúc càng sớm càng tốt”, ông nói.

Cũng trong cuộc gặp, lãnh đạo châu Phi và ông Zelensky đã thảo luận về sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và những ảnh hưởng khi nguồn cung lương thực bị gián đoạn bởi cuộc chiến. Tổng thống Nam Phi Ramaphosa cho biết các nước châu Phi đã sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào hiệp ước hòa bình ở Ukraine và kêu gọi tự do lưu chuyển ngũ cốc.

Theo kế hoạch, phái đoàn châu Phi ngày 17/6 sẽ tới St.Peterburg để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết, bản đề xuất sáng kiến hòa bình sẽ chưa được tiết lộ cho đến khi phái đoàn hoàn tất chuyến đi đến cả Nga và Ukraine.

Reuters tiết lộ rằng, các nhà lãnh đạo châu Phi có thể đề xuất một loạt “các biện pháp xây dựng lòng tin” giữa các bên, trong những nỗ lực “dẫn dắt ngoại giao” để giải quyết cuộc xung đột.

Trong khi đó, Điện Kremlin ngày 16/6 cho biết Tổng thống Nga vẫn sẵn sàng tham gia bất kỳ cuộc tiếp xúc nào để tìm biện pháp giải quyết xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cũng từng nhấn mạnh rằng sẽ không có kế hoạch hòa bình nào có thể tồn tại nếu không bao gồm việc công nhận 4 khu vực mới gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sáp nhập vào lãnh thổ nước này.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tong-thong-ukraine-khong-the-dam-phan-neu-nga-khong-rut-quan-post23059.html