Tổng thống Ukraine thúc giục Hạ viện Mỹ thông qua viện trợ
Ngày 28/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson rằng điều quan trọng hiện tại là Quốc hội nước này cần thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Kiev nhằm duy trì sự đoàn kết quốc tế trước xung đột với Nga.
Trong bài phát biểu video hàng đêm đăng tải trên mạng xã hội X, Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine cho biết: "Việc Quốc hội nhanh chóng thông qua viện trợ của Mỹ cho Ukraine là rất quan trọng. Chúng tôi nhận thấy rằng có nhiều quan điểm khác nhau tại Hạ viện về cách tiến hành, nhưng điều thiết yếu là coi vấn đề viện trợ cho Ukraine là yếu tố thống nhất".
Ông cũng cho biết đã nói chuyện với Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng hòa về việc các cuộc tấn công của quân đội Nga vào các thành phố của Ukraine đang "leo thang và chỉ có thể bị ngăn chặn bởi lực lượng phòng thủ của chúng tôi".
Theo ông, có 190 loại tên lửa và máy bay không người lái khác nhau của Nga đã nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự ở Ukraine trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến 24/3. Những phương tiện này tấn công hầu hết các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trong khi các mảnh vỡ từ tên lửa bị đánh chặn đã gây ra thiệt hại, tử vong và thương vong trong các khu dân cư.
Ông tuyên bố: "Quốc hội Mỹ cần phải duy trì vai trò lãnh đạo của mình để việc bảo vệ tự do vẫn là một ý tưởng thống nhất trong các quốc gia của chúng ta và ở đa số trên thế giới”. Ngoài ra, ông cũng thảo luận với ông Mike Johnson về “tầm quan trọng của việc cắt nguồn tài trợ của Nga cho chiến dịch quân sự đặc biệt càng sớm càng tốt và sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga vì lợi ích của Ukraine”.
Ngày 13/2, Thượng viện Mỹ thông qua gói viện trợ quốc tế trị giá 95 tỷ USD, trong đó có 60 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trong cuộc giao tranh với Nga, 14,1 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Israel, 9,2 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo và 4,8 tỷ USD để hỗ trợ các đối tác khu vực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo Ủy ban Thẩm định Thượng viện. Tuy nhiên kể từ đó, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson vẫn trì hoãn dự luật này, tạo nên một sự xung đột lớn giữa hai viện.
Trong bối cảnh tương lai của gói viện trợ chưa rõ ràng cùng với việc Liên minh châu Âu không cung cấp đạn dược đúng thời hạn như đã hứa trước đó, quân đội Ukraine đang phải chịu ngày càng nhiều áp lực trong cuộc giao tranh với Nga.
Ngày 22/3 vừa qua, Nga đã tiến hành cuộc không kích lớn nhất vào hệ thống năng lượng của Ukraine kể từ khi chính thức khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Cuộc tấn công này làm hư hại các thiết bị tại một con đập lớn và gây mất điện cho hơn một triệu người.
Tới ngày 24/3, Chính phủ Ukraine cho biết Nga tiếp tục tấn công nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực Lviv và cả thủ đô Kiev bằng tên lửa. Tuyên bố trên kênh Telegram chính thức của mình, Thống đốc khu vực Lviv Maksym Kozytskyi cho biết: “Có 2 cuộc tấn công sơ bộ vào cùng một cơ sở hạ tầng quan trọng mà Nga nhắm tới vào ban đêm”. Ông không xác định cụ thể cơ sở nào bị tấn công hay thiệt hại tới đâu, tuy nhiên cho biết các cuộc không kích sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal - loại tên lửa khó bắn hạ hơn.
Lực lượng phòng không Ukraine cho biết đã phá hủy 18 trong số 29 tên lửa phóng tới và 25 trong số 28 máy bay không người lái tấn công khu vực này. Trong khi đó tại thủ đô Kiev, ông Serhiy Popko, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự, cho biết, một số vụ nổ đã xảy ra vào sáng sớm ngày 24/3 khi lực lượng phòng không phá hủy khoảng chục tên lửa trên bầu trời thủ đô và vùng lân cận. Không có thiệt hại lớn nào được ghi nhận sau cuộc không kích của Nga.