Tổng thống Ukraine tuyên bố sắp lấy lại bán đảo Crimea; Mỹ cảnh báo 'lằn ranh đỏ' của Nga; ông Zelensky được gọi là 'nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại'

Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky ngày 24/2 tuyên bố nước này đang chuẩn bị cho các bước quân sự để lấy lại bán đảo Crimea.

Ông Zelensky nói: “Có những bước về quân sự, chúng ta đang chuẩn bị cho chúng. Chúng ta đã chuẩn bị tinh thần. Chúng ta đang chuẩn bị về kỹ thuật, với vũ khí, quân tiếp viện, thành lập các lữ đoàn tấn công với nhiều chủng loại và tính chất khác nhau. Chúng ta cử người đi huấn luyện tại các địa điểm ở các nước khác”.

Trước đó, trang mạng Politico dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ không muốn thúc đẩy Ukraine đánh chiếm bán đảo Crimea.

Từ trái sang: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis trong cuộc gặp tại Kiev, Ukraine, ngày 16/6/2022. (Nguồn: AP)

Từ trái sang: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis trong cuộc gặp tại Kiev, Ukraine, ngày 16/6/2022. (Nguồn: AP)

Theo Politico, điều này đã được Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói rõ trong cuộc hội đàm trực tuyến với một nhóm chuyên gia. Ông Blinken cho rằng, một cuộc tấn công tiềm tàng của Kiev vào bán đảo này sẽ đồng nghĩa với việc vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nói thêm nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Crimea có thể dẫn đến phản ứng mạnh hơn của Nga.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cũng nhấn mạnh, quyết định cuối cùng về việc bắt đầu một chiến dịch như vậy sẽ được đưa ra ở Kiev chứ không phải ở Washington.

* Trong khi đó, theo The Times, ngày 24/2, các quan chức phương Tây và Ukraine đã thừa nhận Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) có thể phải rút khỏi Bakhmut (Artemovsk).

Báo trên viết: “Các quan chức phương Tây và Ukraine nhận thức được rằng, những người bảo vệ thành phố (Bakhmut) có thể bị bao vây hoàn toàn và không còn đường tiếp tế, mới đây đã thừa nhận cuộc rút quân có thể xảy ra và hạ thấp giá trị chiến lược của Bakhmut”.

Tuy nhiên, theo giới quân sự Ukraine, việc rút quân có thể khiến họ phải trả giá đắt. Tờ báo dẫn lời một trong các chỉ huy Ukraine nói: “Rời khỏi đây nghĩa là mất vị trí... Họ (lực lượng Nga) sẽ tập hợp lại, huy động thêm nguồn lực và tiến tới tấn công chúng ta”.

Artemovsk thuộc tỉnh Donetsk nằm ở phía Bắc thành phố lớn Gorlovka, là một trung tâm giao thông quan trọng hỗ trợ cho nhóm quân Ukraine ở Donbass.

* Tờ The Wall Street Journal (WSJ), ngày 24/2, dẫn các nguồn thạo tin cho biết, trong cuộc gặp ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khuyến nghị nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky khởi động đàm phán hòa bình với Nga.

Theo nguồn tin trên, trong bữa tiệc tối tại Điện Elysee, Tổng thống Macron đã lưu ý rằng, ngay cả những "kẻ thù không đội trời chung" như Pháp và Đức cũng đã hòa giải sau Thế chiến II.

Ông Macron nói rằng, Tổng thống Zelensky là “nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại” song cuối cùng ông sẽ phải đưa ra những quyết định chính trị khó khăn.

Theo WSJ, Đức, Pháp và Anh đang đề xuất một hiệp ước giữa NATO và Ukraine như một cách để khuyến khích Kiev khởi động đàm phán hòa bình với Nga.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuần trước đã vạch ra một kế hoạch giúp Kiev tiếp cận nhiều hơn với thiết bị quân sự, vũ khí và đạn dược sau khi chiến sự kết thúc, các nguồn tin chính phủ ở ba nước cho biết. Theo Thủ tướng Anh, nó nên được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng Bảy tới.

Mặc dù Ukraine quyết định thời điểm và điều kiện khởi động các cuộc hòa đàm, song các chính trị gia ở Anh, Pháp và Đức ngày càng nghi ngờ khả năng Kiev chiếm lại Donbass và bán đảo Crimea, cũng như về việc phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine lâu dài, đặc biệt nếu xung đột đi vào bế tắc.

Hiệp ước được đề xuất không bao gồm bất kỳ nghĩa vụ triển khai quân đội NATO nào ở Ukraine. Kiev cũng sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 5 Hiệp ước phòng thủ tập thể Washington (nghĩa là cuộc tấn công vào một trong các thành viên NATO được coi là tấn công tất cả các thành viên khối này). Tuy nhiên, Đức, Pháp và Anh đã cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine để ngăn chặn Nga trong tương lai.

* Trong một tin liên quan cùng ngày, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này hy vọng tất cả các thành viên NATO sẽ tiếp tục tuân thủ quan điểm rằng, liên minh này không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo nhà ngoại giao Hungary, "một cuộc đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Hungary nói: "Mặc dù các nước châu Âu tin rằng câu chuyện của họ được chia sẻ trên khắp thế giới, nhưng ở đây khá rõ ràng là đại đa số các quốc gia bên ngoài châu Âu không hiểu người châu Âu muốn gì, rằng họ đang biến một cuộc xung đột khu vực thành một cuộc xung đột toàn cầu?”.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hungary nhắc lại quan điểm của Budapest về sự cần thiết của hòa đàm, bởi "hòa bình không đi kèm với cấm vận và cung cấp vũ khí".

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine, Hungary đã liên tục phản đối các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga và phản đối gửi vũ khí tới Ukraine. Tháng 3/2022, Quốc hội Hungary đã ban hành sắc lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine từ lãnh thổ nước này.

* Trong khi đó, tại Italy, ngày càng có nhiều người phản đối việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Kết quả cuộc thăm dò do Viện Ipsos thực hiện, được báo Corriere della Sera công bố ngày 24/2 cho thấy, tỷ lệ người dân Italy phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đã tăng từ 42% trong tháng 12/2022 lên 45% vào tháng 2/2023, trong khi số người ủng hộ việc hỗ trợ vũ khí cho Kiev lại giảm xuống 34%, so với 36%.

Khoảng một nửa số người được hỏi ý kiến (49%) bày tỏ lo ngại về hậu quả kinh tế của cuộc xung đột ở Ukraine, với tỷ lệ những người lo lắng về tác động quân sự của cuộc xung đột tăng từ 19% vào tháng 12 lên 26% trong 2 tháng sau đó.

Những người ủng hộ các đảng chính trị có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Đặc biệt, 55% cử tri của đảng Liên đoàn của Phó Thủ tướng Matteo Salvini phản đối hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong khi 52% cử tri của đảng Dân chủ đối lập và 51% cử tri của đảng Forza Italia cầm quyền của ông Silvio Berlusconi lại ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev.

Hôm 21/2 vừa qua, Thủ tướng Giorgia Meloni tuyên bố Italy sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, bác bỏ thông tin trước đó cho rằng, Rome đang chuẩn bị gửi một số chiến đấu cơ cũ để hỗ trợ lực lượng Kiev trong bối cảnh xung đột với Nga đang gia tăng.

Thay vào đó, bà Meloni cho biết, Italy đang thảo luận về gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine - bao gồm một số hệ thống phòng không, chẳng hạn bệ phóng tên lửa đất đối không SAMP/T, có khả năng được cung cấp với sự phối hợp của Pháp.

(theo WSJ, AFP, TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-ukraine-tuyen-bo-sap-lay-lai-ban-dao-crimea-my-canh-bao-lan-ranh-do-cua-nga-ong-zelensky-duoc-goi-la-nha-lanh-dao-quan-su-vi-dai-217859.html