Tổng thống Ukraine xác nhận thời điểm tiếp tục đàm phán với Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo các cuộc đàm phán với Nga dự kiến tiếp tục diễn ra trong ngày 15/3.

Phát biểu trong một đoạn băng video đăng tải ngày 14/3, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã thảo luận với Thủ tướng Israel Naftali Bennett như một phần trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng hiện nay. Theo ông, phái đoàn Ukraine cũng đã đề cập tới vấn đề này trong các cuộc đàm phán với Nga.

Trước đó, cùng ngày, cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cho biết các phái đoàn Ukraine và Nga đã tạm ngừng vòng đàm phán thứ 4 giữa hai bên, đồng thời quyết định tiếp tục đàm phán trong ngày 15/3.

Thông báo trên Twitter, ông Podolyak cho biết vòng đàm phán thứ 4 đã tạm dừng kỹ thuật để “các phân nhóm công tác làm việc thêm và để làm rõ các định nghĩa nhất định”.

Trước đó, ông Podolyak cho hay Nga và Ukraine sẽ tổng hợp kết quả sơ bộ. Ông nêu rõ: “Các cuộc đàm phán được duy trì liên tục dưới hình thức trực tuyến. Các phân nhóm công tác liên tục hoạt động. Một lượng lớn các vấn đề đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên”.

Theo ông Podolyak, hai bên tích cực bày tỏ quan điểm của mình, trong khi cuộc đàm phán đề cập đến hòa bình, ngừng bắn và đảm bảo an ninh. Ông cho biết Nga và Ukraine đã tiến gần tới một thỏa hiệp trong quá trình đàm phán.

Ba vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine đã diễn ra trong các ngày 28/2, 3/3, và 7/3. Kết quả là Nga và Ukraine đã đồng ý thiết lập hành lang nhân đạo cho việc sơ tán dân thường.

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Washington, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/3 cho rằng chính phủ Ukraine sẽ tiếp tục hoạt động, hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và việc trả nợ công của nước này sẽ vẫn khả thi trong ngắn hạn, tuy nhiên, cuộc xung đột với Nga có thể khiến Ukraine rơi vào suy thoái trầm trọng.

IMF cảnh báo rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể gây ra những hệ lụy rộng lớn hơn, bao gồm cả an ninh lương thực toàn cầu do giá tăng và mùa vụ bất ổn, đặc biệt là đối với lúa mì. Theo đó, nếu cuộc xung đột sớm được giải quyết, Ukraine vẫn bị sụt giảm 10% sản lượng trong năm nay.

IMF cũng cho rằng có “sự không chắc chắn đáng kể” xung quanh những dự báo này, và nếu cuộc xung đột kéo dài, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. IMF trích dẫn dữ liệu trong thời chiến về các cuộc xung đột tại Iraq, Libăng, Syria và Yemen, và nhấn mạnh “sự sụt giảm sản lượng hàng năm thậm chí có thể cao hơn nhiều, ở mức từ 25-30%”.

IMF lưu ý rằng nền kinh tế của Ukraine tăng trưởng 3.2% trong năm 2021 trong bối cảnh thu hoạch ngũ cốc cao kỷ lục và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, tuy nhiên, sau khi xảy ra xung đột với Nga, nền kinh tế của Ukraine đã thay đổi đáng kể.

Trước đó, IMF đã phê duyệt khoản viện trợ giải ngân nhanh trị giá 1,4 tỉ USD cho Ukraine. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã chuyển gần 500 triệu USD cho Ukraine trong khuôn khổ gói tài trợ dự kiến lên tới 3 tỉ USD. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ hôm 9/3 đã phê duyệt khoản viện trợ 14 tỉ USD cho Ukraine.

Trong khi đó, ngày 13/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại chiến dịch quân sự tại Ukraine có nguy cơ khiến đại dịch COVID-19 trầm trọng hơn, đồng thời cho biết đang nỗ lực để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Báo cáo tình hình dịch COVID-19 được WHO công bố cùng ngày cho thấy từ ngày 3-9/3 ghi nhận tổng cộng 791.021 ca mắc mới và 8.012 ca tử vong tại Ukraine và các nước lân cận.

Theo WHO, số ca mắc COVID-19 trong khu vực giảm so với tuần trước. Tuy nhiên, Ukraine đối mặt với nguy cơ sẽ có thêm nhiều ca tử vong và ca bệnh nặng do tỉ lệ tiêm vắc xin thấp, nhất là có hơn 2 triệu người rời Ukraine chạy sang các khu vực lân cận cũng có tỉ lệ tiêm vắc xin thấp.

Theo trang Our World In Data, tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Ukraine là khoảng 34% trong khi tại nước láng giềng Moldova là khoảng 29%. Báo cáo cho biết để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, WHO đã mua thuốc điều trị COVID-19 đồng thời khuyến khích chiến dịch tiêm chủng và tăng cường giám sát COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. WHO cũng đề xuất hỗ trợ phòng thí nghiệm, bao gồm cả xét nghiệm COVID-19.

Dự kiến, Hungary sẽ cung cấp miễn phí vắc xin cho người tị nạn Ukraine. Bộ Y tế Romania triển khai đội ngũ y tế để xét nghiệm và tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Ukraine chạy sang nước này lánh nạn.

Slovakia miễn phí điều trị cho người Ukraine mắc COVID-19 trong khi Moldova tiêm miễn phí vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Ukraine.

Trong tuyên bố chung với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), WHO nhấn mạnh các đối tác viện trợ nhân đạo và nhân viên y tế cần duy trì và tăng cường dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó có tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và bệnh bại liệt, đồng thời cung cấp thuốc điều trị cho dân thường trên khắp Ukraine cũng như những người tị nạn sang các nước láng giềng.

Tuyên bố cũng cho rằng các dịch vụ y tế cần được bố trí một cách hệ thống tại các cửa khẩu biên giới, bao gồm cả các quy trình chăm sóc và chuyển tuyến nhanh cho trẻ em và phụ nữ mang thai.

Trước đó, ông Mike Ryan - Giám đốc các tình trạng khẩn cấp của WHO, cũng cảnh báo dịch bệnh COVID-19 sẽ gia tăng tại Ukraine do xét nghiệm ít đi, chương trình tiêm vắc xin tạm dừng và tâm lý người dân lo sợ và căng thẳng vì khủng hoảng cùng với tỉ lệ tiêm vắc xin vốn đã thấp.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/272007/tong-thong-ukraine-xac-nhan-thoi-diem-tiep-tuc-dam-phan-voi-nga.html