Tổng Thư ký ASEAN: Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề Biển Đông
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng một trong những thách thức lớn nhất với khu vực ASEAN là vấn đề Biển Đông.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân tròn một năm kể từ ngày Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành, Phóng viên TTXVN tại Jakarta đã phỏng vấn Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh về những tiến triển hợp tác.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh năm 2016 là năm đầu tiên hình thành cộng đồng, ASEAN đã triển khai các biện pháp trong lộ trình tiếp tục xây dựng và củng cố cộng đồng trên cả ba trụ cột. Cộng đồng Chính trị-An ninh đã đưa vào thực hiện 165/290 dòng hành động; Cộng đồng Kinh tế đã xây dựng và thông qua các chương trình hành động cụ thể của hầu hết các ngành, cũng như có được các thỏa thuận thông qua các tuyên bố của các khuôn khổ về hội nhập và hợp tác.
Một loạt các lĩnh vực ưu tiên như thúc đẩy thương mại, an ninh lương thực, khởi động doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như trong các lĩnh vực quan trọng như là phát triển hợp tác giữa các khu kinh tế đặc biệt hay là trong các lĩnh vực về minh bạch hóa thông tin về các dòng thuế mà các nước thành viên còn áp dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp khi nghiên cứu, quyết định đầu tư, buôn bán với các nước ASEAN cũng như cơ chế giải quyết các khiếu nại của các doanh nghiệp trong ASEAN liên quan đến các vấn đề xuyên biên giới trong việc thực hiện các hiệp định kinh tế của ASEAN.
Cộng đồng Văn hóa-Xã hội đã xây dựng và thông qua được kế hoạch hoạt động cụ thể của hầu hết các ngành cũng như đạt được các kết quả cụ thể phục vụ hội nhập và hợp tác, một loạt các lĩnh vực ưu tiên như quản lý thiên tai, cứu trợ nhân đạo, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, trao đổi văn hóa, giáo dục, lao động.
Trong năm 2016, ASEAN đã thông qua 2 văn kiện rất quan trọng đó là Tuyên bố của ASEAN về ứng phó như một thực thể duy nhất trong và ngoài khu vực đối với các vấn đề về thiên tai; Tuyên bố của ASEAN về biến đổi khí hậu.
Đây là những văn kiện quan trọng sẽ chi phối hoạt động của ASEAN tại các diễn đàn quốc tế liên quan đến các vấn đề biến đổi khí hậu. Cũng trong năm ASEAN, theo kế hoạch thì ASEAN đã thông qua được kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025 cũng như các kế hoạch hành động giai đoạn 3 về sáng kiến hội nhập ASEAN.
Trong lĩnh vực đối ngoại, trong năm 2016, ASEAN đã có những thành tựu đáng kể. ASEAN và Nga, ASEAN và Mỹ đã có thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược và trong quan hệ kinh tế đối ngoại thì ASEAN cũng đã có thỏa thuận với Liên minh kinh tế Á-Âu, cũng như với Canada về khả năng tiến tới hiệp định khu vực về thương mại tự do. Một điểm sáng nữa trong năm 2016 là trong bối cảnh tình hình quốc tế, thậm chí là tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngay ở trong khu vực của chúng ta thì ASEAN vẫn giữ được vai trò trung tm của mình tại các thể chế khu vực cũng như trong việc điều tiết quan hệ đối ngoại với các đối tác.
Đánh giá về những thách thức lớn nhất của ASEAN cũng như các thành viên ASEAN cần làm gì để giải quyết những thách thức này, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết một trong những thách thức lớn nhất đối với khu vực, đối với ASEAN là tình hình phức tạp ở Biển Đông.
Những hoạt động như việc xây dựng các đảo nhân tạo, việc cơi nới mở rộng các đảo tranh chấp mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép cũng như các hành động quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông làm xói mòn lòng tin giữa ASEAN và một đối tác quan trọng bậc nhất, đối tác chiến lược hợp tác toàn diện của ASEAN.
Điểm mới là trong năm 2016 ASEAN và Trung Quốc đã thỏa thuận được là sẽ đẩy nhanh quá trình tham vấn và thương lượng để tiến tới sớm hoàn tất Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Trong năm 2017, ASEAN sẵn sàng cùng với Trung Quốc thúc đẩy quá trình tham vấn và thương lượng, thậm chí không chỉ để thỏa thuận bộ khung của Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà còn về nội dung thực chất của COC.
Vấn đề là COC phải là Bộ quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý, có khả năng không chỉ ngăn chặn mà còn xử lý các diễn biến phức tạp có thể xảy ra ở Biển Đông. Bộ quy tắc phải đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Thách thức lớn thứ hai đối với khu vực cũng như đối với ASEAN đó là sự gia tăng các hoạt động khủng bố và chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng cực đoan ở khu vực và trên thế giới. Một số nước ASEAN vốn là nơi đồn trú và là địa bàn tuyển mộ binh sỹ cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và trong hình hình IS đang bị gần như bị tiêu diệt ở Trung Đông thì không loại trừ khả năng sẽ có các hoạt động tăng cường tuyển mộ binh sỹ cho lực lượng này cũng như là các binh sĩ của tổ chức này trôi dạt về các nước ASEAN và ASEAN phải sẵn sàng đối phó với tình hình này.
Thách thức thứ ba là trong khi tầm nhìn 2015, tầm nhìn hướng về phía trước, một tầm nhìn theo đó ASEAN sẽ mở rộng quan hệ đối ngoại để đóng vai trò lớn hơn tại các diễn đàn khu vực.
Nhiều đối tác chính và quan trọng của ASEAN đang trở lại hoặc trỗi dậy tư tưởng dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng như là chủ nghĩa dân túy. Điều này cũng đòi hỏi ASEAN phải có những cái nỗ lực để đa dạng hóa quan hệ đối ngoại cũng như quan hệ kinh tế đối ngoại, thúc đẩy sớm hoàn tất quá trình thương lượng về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vưc (RCEP), cũng như hoàn tất cuộc thương lượng về thỏa thuận khu vực mậu dịch tự do với các đối tác tiềm năng như Hong Kong (Trung Quốc), nối lại đàm phán với EU và khả năng một thỏa thuận về Hiệp định của khu vực thương mại tự do với các đối tác mới như là Liên minh kinh tế Á-Âu hoặc Canada.
Về những chương trình kế hoạch chuẩn bị cho năm 2017, năm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng kỷ niệm 50 năm là dịp tốt để ASEAN nhìn lại, đánh giá thành công của ASEAN trong quá trình xây dựng cộng đồng, hội nhập 50 năm qua cũng như đề ra các đường hướng để tiếp tục quá trình hội nhập và xây dựng cộng đồng thời gian tới, đặc biệt là trong việc hiện thực hóa tầm nhìn 2025.
Xoay quanh chủ đề bao trùm là hợp tác để thay đổi, đổi mới chủ động hội nhập với thế giới, nước Chủ tịch ASEAN năm 2017 là Philippines đã đề ra 6 ưu tiên cho hoạt động của năm 2017 là: Tiếp tục xây dựng một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm; tăng cường an ninh, ổn định khu vực; Tăng cường an ninh và hợp tác trên biển; tăng cường khả năng tư lực tự cường của ASEAN; Xây dựng ASEAN thành một mô hình tiêu biểu về hợp tác khu vực; Tăng cường việc chủ động hội nhập với thế giới của ASEAN.
Đây là những ưu tiên, phản ánh đúng bản chất hướng về phía trước của tầm nhìn 2025, theo đó ASEAN tiếp tục củng cố cộng đồng ngày càng gắn kết về chính trị, ngày càng liên kết về kinh tế và có trách nhiệm với xã hội, một cộng đồng có tính cạnh tranh cao, một cộng đồng năng động và ngày càng chủ động hội nhập với thế giới.
Năm tới Philippines cũng có kế hoạch tiến hành một loạt hoạt động để kỷ niệm, xoay quanh chủ đề tiến hành xây dựng một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm sẽ có rất nhiều các hoạt động như đề cao vai trò đóng góp của các doanh nghiệp nữ giới, các doanh nghiệp của thanh niên, các chủ đề về kết nối ASEAN, chủ đề về những thành tựu của ASEAN trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy về nhân quyền, bên cạnh đó sẽ có các hoạt động như phát hành các video về ASEAN, các tem kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, các cuộc hội thảo…
Có hai loại hoạt động đó là hoạt động chung của ASEAN và hoạt động của các nước thành viên sẽ được tổ chức nhưng xoay quanh chỉ dẫn về xây dựng một cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trọng tâm.
Về việc một số quốc gia trong ASEAN gần đây lên tiếng cho rằng ASEAN nên thay đổi điều khoản trong Hiến chương về tính đồng thuận để phù hợp với tình hình mới, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng để đáp ứng yêu cầu hoạt động hiệu quả hơn trong tình hình mới thì ASEAN sẽ tiến hành một quá trình xem xét, cập nhật Hiến chương.
Ở đây là vấn đề cập nhật chứ không phải thay đổi, xem xét lại Hiến chương, tức là những nguyên tắc cơ bản, những điều khoản cơ bản của Hiến chương trong đó có điều khoản về nguyên tắc đồng thuận sẽ không có thay đổi. Việc cập nhật Hiến chương để làm sao việc áp dụng các điều khoản trong Hiến chương linh hoạt hơn, đảm bảo hoạt động của ASEAN hiệu quả hơn.
Ví dụ như là về quy tắc đồng thuận, thế nào là đồng thuận. Đồng thuận có nhất thiết phải có sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên đối với mỗi một quyết định vào một thời điểm hay không hay chỉ cần không có nước nào phản đối hoặc chỉ cần các nước chưa thể ủng hộ được thì có thể ủng hộ sau hoặc là việc tổ chức các cuộc họp của ASEAN, đặc biệt là về số lượng các cuộc họp cấp cao của ASEAN trong một năm là bao nhiêu.
Hiện nay, theo Hiến chương là phải có 2 cuộc họp cấp cao một năm. Tất cả những vấn đề này sẽ được xem xét trong khuôn khổ các biện pháp cập nhật Hiến chương ASEAN.