Tổng Thư ký LHQ kêu gọi chấm dứt đối đầu chính trị, ngăn chặn nội chiến tại Nam Sudan
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo Nam Sudan chấm dứt đối đầu chính trị, phóng thích các quan chức bị bắt giữ và thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình năm 2018 nhằm ngăn chặn nguy cơ nội chiến tái diễn.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York ngày 28/3, ông Guterres cảnh báo tình trạng bạo lực leo thang đang đẩy quốc gia non trẻ này vào khủng hoảng nghiêm trọng, với hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và nguy cơ mất an ninh lương thực gia tăng. Tình hình hiện nay gợi nhớ lại thời kỳ nội chiến năm 2013 và 2016 tại quốc gia này, vốn làm hơn 400.000 người thiệt mạng.
Tổng Thư ký LHQ đồng thời kêu gọi cộng đồng khu vực và quốc tế, với tư cách là những người bảo lãnh cho thỏa thuận hòa bình năm 2018, lên tiếng ủng hộ tiến trình hòa bình và phản đối mọi nỗ lực phá hoại tiến trình này.
Căng thẳng gia tăng sau khi Phó Tổng thống thứ nhất Riek Machar bị quản thúc tại Juba vào ngày 26/3, làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa lực lượng ủng hộ ông và phe trung thành với Tổng thống Salva Kiir. Xung đột bùng phát tại bang Upper Nile, khiến chính phủ Nam Sudan đáp trả bằng các cuộc không kích, thậm chí là các cuộc tấn công nhằm vào dân thường.
LHQ cảnh báo tình trạng nhân đạo đáng báo động tại Nam Sudan với khoảng 7,7 triệu người mất an ninh lương thực nghiêm trọng, hàng trăm nghìn trẻ em suy dinh dưỡng và dịch tả tiếp tục lây lan. Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, đồng thời hoan nghênh sáng kiến của Liên minh châu Phi (AU) và Kenya trong việc thúc đẩy giải pháp ngoại giao.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, sáng 28/3, ông Guterres đã trao đổi với Chủ tịch AU và khẳng định sự ủng hộ của LHQ đối với việc triển khai một nhóm chuyên gia gồm 5 thành viên của AU, cùng đặc phái viên của Tổng thống Kenya William Ruto, tới thủ đô Juba của Nam Sudan để thúc đẩy giải pháp ngoại giao. Nhóm chuyên gia và đặc phái viên Kenya, cựu Thủ tướng Raila Odinga, đã có mặt tại Juba để tiến hành đàm phán với các bên nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ khả năng ông có thể gặp Phó Tổng thống Machar hay không.
Trong khi đó, Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan đối lập (SPLM-IO) - đảng đối lập Nam Sudan - khẳng định tiếp tục cam kết thực hiện thỏa thuận hòa bình năm 2018, bất chấp việc một số quan chức cấp cao bị bắt giữ. Ông Stephen Par Kuol, Bộ trưởng Xây dựng Hòa bình Nam Sudan, kêu gọi các bên tái cam kết thực hiện thỏa thuận và nhấn mạnh rằng đối thoại đang diễn ra để giải quyết khủng hoảng.