Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh sự cần thiết của lệnh ngừng bắn nhân đạo tại Gaza
Ngày 15/1, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã lên án hành động 'trừng phạt tập thể' nhằm vào người Palestine, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn nhân đạo tại vùng lãnh thổ này.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu nhân 100 ngày nổ ra vòng xoáy xung đột mới nhất giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, Tổng Thư ký António Guterres nêu rõ cần phải thiết lập "các điều kiện cơ bản" để tạo điều kiện cho việc cung cấp một cách an toàn và toàn diện hàng viện trợ tới người dân ở Dải Gaza, nhấn mạnh chỉ có một lệnh ngừng bắn nhân đạo mới ngăn chặn được cuộc khủng hoảng leo thang.
Người đứng đầu LHQ cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước mức độ thương vong chưa từng có đối với thường dân và các điều kiện nhân đạo thảm khốc tại dải đất này.
Ông yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các con tin bị bắt giữ trong vụ tấn công của lực lượng Hamas nằm vào Israel ngày 7/10/2023 và kêu gọi mở một cuộc điều tra toàn diện.
Bình luận về chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza, Tổng Thư ký António Guterres lưu ý rằng các cuộc tấn công dữ dội đã dẫn tới "sự hủy diệt hàng loạt" và tỉ lệ dân thường thiệt mạng cao chưa từng thấy trong nhiệm kỳ của ông.
Tổng Thư ký Guterres khẳng định không gì có thể biện minh cho hành động trừng phạt tập thể đối với người dân Palestine và tình hình nhân đạo ở Gaza là "không thể diễn tả bằng lời".
Theo Cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA), kể từ khi chiến sự bùng phát hơn 3 tháng trước, khoảng 1,9 triệu người dân Gaza (chiếm 85% dân số) đã phải đi sơ tán, trên 23.700 người Palestine thiệt mạng và hơn 60.000 người khác bị thương.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 300 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế tại Dải Gaza đã xảy ra, khiến hầu hết các bệnh viện phải ngừng hoạt động và hiện nay chỉ còn 15 cơ sở cung cấp các dịch vụ y tế hạn chế.
Chiến sự đã cướp đi sinh mạng của 152 nhân viên LHQ và đây là tổn thất nghiêm trọng nhất bởi một cuộc xung đột mà tổ chức đa phương này phải hứng chịu trong suốt lịch sử tồn tại của mình.
Tổng Thư ký Guterres tuyên bố LHQ sẽ tăng cường hơn nữa các nỗ lực viện trợ, đồng thời các bên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, cũng như tôn trọng, bảo vệ dân thường và đảm bảo họ có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và nhu yếu phẩm.
Tổng Thư ký LHQ cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang hàng ngày ở Biển Đỏ và tình hình có thể sẽ sớm nằm ngoài vòng kiểm soát. Ông Guterres cũng lo ngại về các vụ đấu súng qua lại giữa hai bên Đường Xanh, ranh giới giữa quân đội Israel và Libăng.
Cùng ngày 15/1, một số cơ quan của LHQ kêu gọi chính quyền Israel cho phép tiếp cận cảng Ashdod, miền Bắc Gaza, để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Trong một tuyên bố chung, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc chuyển thực phẩm và hàng hóa đến khu vực Gaza bị phong tỏa phụ thuộc vào việc mở cửa những tuyến nhập cảnh mới vào vùng lãnh thổ này.
Các cơ quan này nhấn mạnh việc sử dụng cảng Ashdod, nằm cách biên giới Gaza khoảng 40km về phía Bắc, là "cực kỳ cần thiết” đối với các cơ quan viện trợ, đồng thời kêu gọi sự thay đổi cơ bản trong vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Theo tuyên bố trên, nếu được phép sử dụng cảng Ashdod, các cơ quan viện trợ sẽ vận chuyển được lượng hàng viện trợ lớn hơn, sau đó chuyển trực tiếp đến các khu vực phía Bắc của Gaza, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột và rất ít đoàn xe hiện có thể tiếp cận được.
Cũng trong ngày 15/1, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian và thảo luận về tình hình leo thang ở Trung Đông, cũng như việc Mỹ và Anh tấn công lực lượng Houthi ở Yemen.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ cuộc điện đàm đặc biệt tập trung vào tình hình leo thang tại Trung Đông. Hai bộ trưởng kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo đến khu vực này để hỗ trợ khẩn cấp cho dân thường bị ảnh hưởng.
Các ngoại trưởng cũng lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công trên lãnh thổ Yemen do nhóm quốc gia mà Mỹ và Anh dẫn đầu thực hiện. Hai ngoại trưởng cũng thảo luận việc tăng cường liên lạc và phối hợp ở tất cả các cấp, nhấn mạnh cam kết chung đối với các nguyên tắc cơ bản của quan hệ Nga-Iran, bao gồm cả tôn trọng vô điều kiện chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các nguyên tắc khác của Hiến chương LHQ.
Cùng ngày 15/1, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết Anh không loại trừ khả năng tiến hành thêm hành động quân sự chống lại lực lượng Houthi tại Yemen, dù nước này chưa có kế hoạch gia tăng các cuộc tấn công nhóm này.
Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán của phong trào Houthi ở Yemen Mohammed Abdulsalam cảnh báo lực lượng này sẽ tiếp tục tấn công vào những con tàu đang có đích đến là Israel. Theo ông Abdulsalam, lập trường của Houthi không thay đổi dù liên quân do Mỹ đứng đầu không kích vào các mục tiêu của nhóm này.
Ông Abdulsalam cũng khẳng định những yêu cầu của Houthi vẫn là Israel chấm dứt chiến dịch tại Dải Gaza và cho phép đưa hàng viện trợ nhân đạo vào miền Bắc vùng lãnh thổ này.