Tổng Thư ký LHQ phát thông điệp bất ngờ cho năm 2020
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới chung tay ứng phó biến đổi khí hậu và duy trì bình đẳng giới, xã hội công bằng trong thông điệp phát đi trước thềm năm mới 2020.
"Từ ứng phó biến đổi khí hậu tới bình đẳng giới, công bằng xã hội và nhân quyền, thế hệ của các bạn đang đứng ở tiền tuyến và đóng vai trò cốt yếu. Tôi mong chờ truyền cảm hứng từ niềm đam mê và sự quyết tâm của các bạn", Tổng Thư ký Antonio Guterres phát biểu trong đoạn video đăng trên Twitter trước thềm năm mới 2020, theo Reuters.
Theo Tổng Thư ký Guterres, thế giới sẽ bước vào năm mới với "sự không chắc chắn và không an toàn" bủa vây, đồng thời bày tỏ hy vọng vào sức mạnh của thế hệ trẻ trên toàn cầu.
"Khi chúng ta bước vào năm mới, thế giới cần những người trẻ tuổi tiếp tục lên tiếng, gây áp lực và nới rộng ranh giới để chúng ta có thể bảo vệ hành tinh này và cải thiện cuộc sống của người dân", ông Guterres nhấn mạnh thêm.
Từ 17h chiều nay (31-12), giờ Hà Nội, một số quốc đảo ở châu Đại Dương đã bước sang năm mới 2020. Sau đó một vài tiếng, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một phần nhỏ của Nga và Indonesia lần lượt chào đón thập niên mới.
Các nước châu Âu sẽ đón giao thừa muộn hơn Việt Nam vài giờ. Mỹ và các quốc gia trong khu vực châu Mỹ sẽ đón giao thừa vào trưa mai (1-1-2020), giờ Hà Nội, do lệch múi giờ.
Một phần nước Nga ở vùng Viễn Đông cũng đã bước qua nửa đêm. Trong thông điệp phát đi từ Moscow, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể người dân Nga.
Có thể nói, 2019 là năm mà ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến loài người. Một loạt quốc gia trên thế giới đau đầu vì nạn cháy rừng do biến đổi khí hậu, trong khi người dân nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh hay Việt Nam phải sống trong bầu không khí bị ô nhiễm.
Bước sang năm mới 2020, nhiều quốc gia đã thể hiện quyết tâm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếp tục xấu đi bằng việc đầu tư cho phát triển nguồn năng lượng xanh. Tuy nhiên, vấn nạn này được cho là sẽ cần nhiều hơn nữa nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.