Tổng thư ký Liên hợp quốc 'sốc' trước lá thư nhận từ Sudan
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bị sốc trước lá thư mà ông nhận được ngày 26-5 từ Tướng Abdel Fattah al-Burhan - nhà lãnh đạo quân sự của Sudan.
Hãng tin Reuters trích dẫn các nguồn tin trong Phủ Tổng thống Sudan cho biết, Tướng Burhan đã viết thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc yêu cầu cách chức ông Volker Perthes - Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc tại Sudan. Trong một bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào đầu tuần này, ông Perthes đã chỉ trích cả 2 nhà lãnh đạo của các bên tham chiến ở Sudan và cảnh báo về “sự gia tăng dân tộc hóa trong cuộc xung đột”. “Cuộc xung đột không có dấu hiệu chậm lại. Không bên nào cho thấy khả năng tuyên bố một chiến thắng quân sự một cách dứt khoát” - ông Perthes cho biết hôm 22-5.
Nhiều tuần giao tranh ác liệt ở Sudan giữa 2 nhóm đối địch gồm Lực lượng vũ trang Sudan (của Tướng Burhan) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (của Tướng Mohamed Hamdan Dagalo) đã khiến đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, hy vọng chuyển đổi hòa bình sang chế độ dân sự dần biến mất. Bất chấp lệnh ngừng bắn 7 ngày hiện đang được áp dụng (theo lịch trình sẽ hết hạn vào cuối tuần này), giao tranh vẫn tiếp diễn giữa 2 bên. Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum thông tin, pháo binh, máy bay quân sự và máy bay không người lái tiếp tục giao tranh kéo dài ở Khartoum, Zalingei, Darfur.
Theo ông Stephane Dujarric - Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres đã bị sốc khi nhận được thư từ người đứng đầu quân đội Chính phủ Sudan. Dù không nói chi tiết về nội dung bức thư của Tướng Burhan, nhưng ông Stephane Dujarric chuyển một tuyên bố ngắn gọn bằng văn bản ủng hộ đặc phái viên Perthes: “Tổng thư ký tự hào về công việc của ông Volker Perthes và khẳng định tin tưởng hoàn toàn đối với người đại diện đặc biệt của mình”.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an hôm đầu tuần, ông Perthes cũng nói rằng, trách nhiệm đối với cuộc chiến “thuộc về những người đang tiến hành nó - những người lựa chọn giải quyết xung đột trên chiến trường thay vì tại bàn đàm phán”.
Cuộc xung đột mới nhất ở Sudan nổ ra ngày 15-4, cả 2 bên đều tranh thủ sự ủng hộ của nước ngoài. Ảnh hưởng của bên ngoài đã xuất hiện ở Sudan kể từ khi cựu lãnh đạo Omar al-Bashir bị lật đổ cách đây 4 năm và khi Tướng Burhan đứng đầu một cuộc tiếp quản quân sự vào năm 2021. Người ủng hộ quan trọng nhất của Tướng Burhan là Ai Cập - quốc gia có chung đường biên giới với Sudan mà hơn 40.000 người đã vượt qua kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Ở cả 2 quốc gia, quân đội đã đảm nhận vai trò cầm quyền trong nhiều thập kỷ kể từ khi độc lập và đã can thiệp vào các cuộc nổi dậy của quần chúng. Trong khi đó, đồng minh khu vực quan trọng nhất của đội quân đối lập là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Lực lượng này đã thể hiện mình là một bức tường thành chống lại các phe phái theo chủ nghĩa Hồi giáo đã thiết lập nguồn gốc sâu xa trong quân đội và các tổ chức khác dưới thời ông Omar al-Bashir Bashir. UAE đã tích cực tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của Hồi giáo trên toàn khu vực. Đáng nói, Ả Rập Xê Út có quan hệ chặt chẽ với cả 2 bên. Trước đó, cả 2 phe đối lập ở Sudan đều gửi quân đến liên minh do Ả Rập Xê Út lãnh đạo ở Yemen. Đến lượt mình, Riyadh đã khẳng định bản thân trong vai trò trung gian hòa giải về Sudan, đồng thời tìm cách bảo vệ tham vọng kinh tế ở khu vực Biển Đỏ.
Vì những lý do và quan hệ phức tạp đó, xung đột ở Sudan khó có dấu hiệu hạ nhiệt. Cũng theo đặc phái viên Liên hợp quốc Volker Perthes, cuộc xung đột ở Sudan đã gây thiệt hại nặng nề cho dân thường, hơn 700 người đã thiệt mạng (trong đó có 190 trẻ em) và 6.000 người khác bị thương. Hơn 1 triệu người đã phải di dời, tìm kiếm nơi trú ẩn ở các vùng nông thôn hoặc băng qua biên giới Sudan.
Theo CNN/Reuters