Tổng thư ký NATO: 'Đã đến lúc chào đón Phần Lan, Thụy Điển là thành viên'
Tổng thư ký NATO cho biết ông thấy có 'tiến bộ' trong quá trình kết nạp thành viên là Phần Lan và Thụy Điển vào khối, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa hai nước này với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được khởi động lại trong tuần này.
"Chúng tôi đang đạt tiến bộ", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong chuyến thăm Thụy Điển ngày 7/3. Ông nhấn mạnh thêm rằng việc hoàn thiện tư cách thành viên của hai nước Bắc Âu là "ưu tiên hàng đầu", theo thông cáo trên trang chủ NATO.
Ông Stoltenberg cho biết Thụy Điển "đã thực hiện" một thỏa thuận ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái nhằm mở đường cho việc gia nhập NATO. "Đã đến lúc hoàn tất quá trình phê chuẩn", ông nói.
Người đứng đầu NATO cũng cho biết sẽ có một vòng đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển tại trụ sở liên minh ở Brussels vào ngày 9/3. Ông cũng bày tỏ sự hoan nghênh về việc Quốc hội Hungary bắt đầu thảo luận về việc phê chuẩn, đồng thời hy vọng quá trình này sẽ sớm hoàn tất.
“Tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển sẽ làm cho liên minh của chúng ta mạnh hơn. Họ sở hữu lực lượng có năng lực cao, một ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến và nhiều năm kinh nghiệm về huấn luyện và hoạt động cùng các đồng minh”, Tổng thư ký NATO nhận xét.
Phần Lan và Thụy Điển cùng nhau nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 quốc gia thành viên của NATO. Hiện nay đã có 28 nước chấp thuận việc này. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa phê chuẩn tư cách thành viên của hai nước Bắc Âu.
Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết phản đối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển với lý do nước này từ chối dẫn độ các thành viên đảng công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức mà Ankara coi là khủng bố.
Hồi tháng 1, nước này thậm chí tuyên bố không ủng hộ tư cách thành viên của Thụy Điển sau vụ đốt kinh Koran trong cuộc biểu tình ở Stockholm. Ankara sau đó đã đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập NATO với hai nước Bắc Âu.
Hai vòng đàm phán ba bên trước đây tập trung vào danh sách cụ thể các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó bao gồm việc trục xuất hàng chục nghi phạm chủ yếu là người Kurd.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg từ chối dự đoán về kết quả của các cuộc đàm phán mới sắp diễn ra. Trong khi đó, Ankara đã đưa ra các triển vọng về việc chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan, nhưng không thông qua đối với Thụy Điển. Các quan chức NATO ban đầu bác bỏ việc tách rời nỗ lực cùng gia nhập NATO của hai nước, nhưng ngày càng chấp nhận khả năng Helsinki có thể gia nhập trước.