Tổng thư ký NATO thừa nhận tiêm kích F-16 khó có thể thay đổi cục diện chiến trường Ukraine
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thừa nhận việc Ukraine tiếp nhận máy bay chiến đấu F-16 sẽ mở rộng khả năng tác chiến của không quân nước này, tuy nhiên chúng không tác động nhiều đến tình hình chiến trường trong khu vực.
Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild, cho biết: "Đây không phải là viên đạn bạc có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột. Tuy nhiên, F-16 rất quan trọng. Chúng sẽ tăng cường khả năng của Ukraine trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công trên không của Nga".
Ông Stoltenberg tin rằng, việc NATO đang cung cấp F-16, đào tạo phi công và cung cấp vũ khí cho máy bay chiến đấu là những nỗ lực rất đáng kể của các đồng minh trong việc hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Trước đó, ông Oleksiy Goncharenko, một thành viên Quốc hội Ukraine chia sẻ rằng, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của phương Tây sẽ mang lại lợi ích cho Ukraine.
"Máy bay sẽ hỗ trợ lực lượng phòng không của chúng tôi. Với việc Nga triển khai rộng rãi các loại bom dẫn đường mạnh mẽ trên khắp chiến tuyến, F-16 có thể giúp chúng tôi đẩy máy bay Nga ra xa tiền tuyến hơn", ông Oleksiy Goncharenko nhấn mạnh.
Kiev từ lâu đã mong chờ F-16 từ các nước phương Tây. Mốc thời gian cụ thể đầu tiên cho sự xuất hiện của tiêm kích F-16 là tháng 6/2024.
F-16 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ tư do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Máy bay được thiết kế để có thể thực hiện các nhiệm vụ ném bom mục tiêu mặt đất lẫn đánh chặn trên không.
F-16 được trang bị một động cơ phản lực Pratt&Whitney F100-PW-200, lực đẩy tối đa 106 kN có đốt sau. Động cơ này giúp F-16 đạt tốc độ tối đa Mach 2 (tương đương 2.400 km/h), tầm bay khoảng 4.200 km.
Chiến đấu cơ này được trang bị 11 giá treo để mang vũ khí các loại như tên lửa không đối không, không đối đất, cùng nhiều loại bom dẫn đường thông minh.