Tổng thư ký NATO: Ưu tiên đối thoại với Nga nhưng đã chuẩn bị kịch bản tồi tệ nhất
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm qua (26/1) tiếp tục bác bỏ yêu cầu của Nga về việc không kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên, đồng thời cho biết đã chuẩn bị kịch bản tồi tệ nhất nhưng khẳng định vẫn ưu tiên các biện pháp đối thoại và ngoại giao.
Phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hôm qua (26/1), Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết, NATO đã gửi đến Nga các đề xuất bằng văn bản với rất nhiều nội dung đã được 30 nước thành viên thông qua. Một trong các nội dung đáng chú ý là NATO từ chối từ bỏ quyền kết nạp các thành viên mới hay rút các lực lượng quân sự và vũ khí ra khỏi lãnh thổ các thành viên NATO ở phía Đông, hai yêu cầu mà Nga coi là “lằn ranh đỏ”.
Ông Jens Stoltenberg khẳng định giải pháp chính trị vẫn rộng mở với điều kiện Nga cam kết giảm căng thẳng và trở lại bàn đàm phán. NATO sẵn sàng nối lại các cuộc họp trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO và mở lại các văn phòng đại diện của Nga ở NATO cũng như của NATO tại Nga.
Người đứng đầu NATO nhấn mạnh một thỏa thuận chung giữa hai bên cần mang tính cân bằng, có đi có lại và trên hết là phải kiểm chứng được.
Tổng thư ký NATO cho biết đã liên minh quân sự này đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất nhưng ưu tiên trên hết là nối lại đối thoại với Nga.
“NATO tin tưởng chắc chắn rằng căng thẳng và bất đồng cần được giải quyết thông qua đối thoại và ngoại giao chứ không phải vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. NATO hôm qua đã chuyển các đề nghị bằng văn bản đến phía Nga. Các đề nghị này được thực hiện song song với phía Mỹ”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexandre Grouchko khẳng định đã nhận được các đề xuất từ phía NATO và đang xem xét, nghiên cứu.
Trong một diễn biến liên quan, cuộc đàm phán theo định dạng Normandy đầu tiên kể từ cuối năm 2019 giữa 4 bên là Pháp, Đức, Ukraine và Nga tại thủ đô Paris hôm qua (26/1) đã đạt những tín hiệu tích cực. Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, Nga và Ukraine đã cam kết tuân thủ lệnh ngừng bắn vô điều kiện tại miền Đông Ukraine và sẽ tiến hành vòng đàm phán tiếp theo trong 2 tuần nữa tại Đức trên cơ sở Thỏa thuận Minsk ký kết năm 2015./.