Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV
Sáng 29.6, tại Trung tâm báo chí, Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.
Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, kịp thời
Thông báo về kết quả Kỳ họp thứ Bảy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nêu rõ, sau 27,5 ngày làm việc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Bảy đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: Xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về KT - XH, ngân sách nhà nước; thông qua 11 luật, 21 Nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Về công tác nhân sự, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội đã xem xét, quyết định bầu Chủ tịch Quốc hội Khóa XV đối với đồng chí Trần Thanh Mẫn; bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Tô Lâm; bầu Phó Chủ tịch Quốc hội Khóa XV đối với đồng chí Nguyễn Thị Thanh; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đối với đồng chí Nguyễn Thanh Hải; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Lê Thành Long; phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Tô Lâm; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Lương Tam Quang; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh đối với đồng chí Trần Thanh Mẫn và đồng chí Lương Tam Quang; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội Khóa XV đối với đồng chí Đinh Tiến Dũng thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, “công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các ĐBQH”.
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó đã quyết nghị, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1.7.2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1.1.2025).
Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương. Trong đó, giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1.7.2024…
Không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa
Trả lời họp báo về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, bản chất sửa đổi nhằm đưa 3 luật và một điều, khoản của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn so với thời hạn có hiệu lực đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường đầu năm. "Đây là chủ trương rất đúng đắn để sớm đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống”.
Về băn khoăn của một số ĐBQH là khi luật có hiệu lực sớm hơn thì có bảo đảm tính khả thi và việc ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu nêu rõ “Chính phủ đã có báo cáo chi tiết về mặt tiến độ và thể hiện cam kết, quyết tâm bằng những giải pháp rất cụ thể. Chính phủ đã và đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan có liên quan trong việc hoàn thiện các dự thảo, nghị định ở cấp Trung ương, văn bản của địa phương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 1.8.2024”.
“Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy cũng nhấn mạnh, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nói.
Trả lời báo chí liên quan đến việc chưa đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, trong Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV cũng đưa ra nhiệm vụ yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung các luật về thuế. Đây cũng là một nhiệm vụ trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Tại phiên thảo luận về KT - XH của Quốc hội ngày 29.5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng có nêu vấn đề liên quan đến việc xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, liên quan đến vấn đề mức giảm trừ gia cảnh cũng như các mức khởi điểm số thuế. Vấn đề này dư luận, cử tri và ý kiến của ĐBQH cũng thấy cần phải được triển khai thực hiện ngay.
Tuy nhiên, để một dự án luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thì phải tuân theo những yêu cầu, trình tự, thủ tục hết sức nghiêm ngặt để bảo đảm tính thận trọng theo quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật.
Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, “khi nào Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp phụ trách lĩnh vực này chuẩn bị và tham mưu giúp cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị đưa dự án này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và báo cáo Quốc hội về việc bổ sung việc sửa đổi luật này vào kỳ họp gần nhất có thể”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, “việc này tuy là yêu cầu cấp thiết thật nhưng vẫn phải tuân theo các quy định về trình tự, thủ tục”.