TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023
Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo.
Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương thảo luận về tình hình KTXH tháng 9 và 9 tháng năm 2023 cùng một số nội dung quan trọng khác, với chủ đề "Thúc đẩy mạnh mẽ các động lựctăng trưởng; tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023".
Thông tin với báo chí về phiên họp Chính phủ và Hội nghị với các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, phiên họp diễn ra trong bối cảnh nước ta đã đi hết 3/4 quãng đường của năm 2023 với tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi như: hậu quả dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn gia tăng gay gắt; xung đột tại Ukraina kéo dài; lạm phát ở các nước tuy đã hạ nhiệt những vẫn neo ở mức cao; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ; hàng rào bảo hộ gia tăng; nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực hiện hữu; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống như già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng… ngày càng gay gắt, gây hậu quả nặng nề. Ở trong nước, chúng ta chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xử lý kịp thời, hiệu quả một khối lượng lớn các nhiệm vụ, công việc thường xuyên, từng bước giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề mới phát sinh; triển khai thiết thực, hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế quan trọng, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nâng cấp quan hệ 2 nước lên đối tác chiến lược toàn diện; các chương trình hoạt động đối ngoại dày đặc, rất thành công của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định: trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của toàn dân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Nhờ đó, KTXH tháng 9 và 9 tháng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đạt kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là:
- Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi NSNN được kiểm soát tốt.
Lạm phát nhìn chung có xu hướng giảm dần trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao. CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước. GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,08%, quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao của khu vực, thế giới.
Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay mới bình quân đã giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.
Thu NSNN 9 tháng đạt 75,5% kế hoạch, trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất 152,5 nghìn tỷ đồng.
Xuất nhập khẩu tiếp tục xu hướng tích cực. Xuất khẩu tháng 9 tăng 4,6%, nhập khẩu tăng 2,6% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng xuất siêu 21,68 tỷ USD.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (trong 9 tháng xuất khẩu trên 6,6 triệu tấn gạo, kim ngạch 3,66 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng và 40,4% về giá trị so với cùng kỳ).
- Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi, phát triển ổn định. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế; lúa gạo được mùa được giá, tăng cả sản lượng, năng suất và giá bán. Sản xuất công nghiệp tăng trở lại; giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý III tăng 4,57%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61%. Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 2,4% so với tháng trước; tính chung 9 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt 8,9 triệu người, gấp 4,6 lần cùng kỳ và vượt kế hoạch năm 2023.
- Đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý III tăng 7,6%; tính chung 9 tháng tăng 5,9%. Vốn đầu tư của khu vực nhà nước tính chung 9 tháng tăng 15,1% . Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt trên 363 nghìn tỷ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (46,7%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Đã đưa vào sử dụng 8/11 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, 3 cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến đường Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 HN, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất… Dự kiến đến cuối năm đưa vào khai thác 1.832 km đường cao tốc.
- Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tính chung 9 tháng có 165.200 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 1,2% so với cùng kỳ và cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường (135.100 doanh nghiệp).
- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế được chú trọng; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công và trợ giúp xã hội... Tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa kỷ niệm các ngày lễ lớn...
- Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường.
- Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế; uy tín và vị thế quốc tế của ta tiếp tục được củng cố, nâng lên.
- Thông tin truyền thông được chú trọng, đặc biệt là truyền thông chính sách; tích cực đưa thông tin nhanh chóng, chính xác, đầy đủ về tình hình KTXH của đất nước; kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc, phản cảm, chống phá Đảng và Nhà nước.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về Việt Nam. HSBC đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với DN nước ngoài; ADB dự báo Việt Nam sẽ hồi phục trong thời gian ngắn... Đặc biệt, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc;...
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, sau khi phân tích tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ yêu cầu: Tiếp tục giữ vững mục tiêu tổng quát đề ra. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, bội chi; chú trọng an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại;...
Quan điểm chỉ đạo điều hành là: Phải bám sát thực tiễn, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Không trông chờ, ỉ lại, né tránh trách nhiệm; dứt khoát không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.
Tiếp tục cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội XIII, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của TTgCP; trong đó tập trung đẩy mạnh: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Thực hiện các đột phá chiến lược; Thúc đẩy mạnh mẽ các ngành mới nổi; Đẩy nhanh đô thị hóa, xây dựng đô thị thông minh gắn với phát triển 6 vùng KTXH...
Chính phủ thống nhất lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao nhất cho năm 2023 để làm mục tiêu phấn đấu. Theo đó, trọng tâm trong giai đoạn tới là ưu tiên cho tăng trưởng, nhất là tập trung phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, hạ tầng về biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, hạ tầng về y tế, văn hóa, giáo dục. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương:
- Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa các chính sách, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, trong đó tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
- Thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 CTMTQG.
- Chú trọng tận dụng thời cơ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng (như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…).
- Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ; tập trung xử lý kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, đề xuất của địa phương, người dân, DN với tinh thần cầu thị, lắng nghe.
- Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, nhất là các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.Tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu, chủ động các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả.
- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để hình thành "điểm nóng"...
- Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tập trung trấn áp các loại tội phạm và xử lý vi phạm pháp luật. Tập trung tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở, thuê trọ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao để có ngay các giải pháp phù hợp; xử lý nghiêm các vi phạm.
- Triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực (dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ, điện tử…).
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần củng cố niềm tin và tạo đồng thuận xã hội; đấu tranh, phản bác kịp thời, hiệu quả các thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch; xử lý nghiêm các vi phạm.
Từ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.