TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 12/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, 10h30 sáng 12/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày tờ trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo thẩm tra về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Cổng thông tin Điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung thông tin...

11h44: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã tích cực, trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hồ sơ đã đảm bảo đầy đủ thành phần, tiêu chuẩn trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để thực hiện quy định tại Điều 37 trong Bộ luật Dân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong dự án luật vẫn còn những nội dung có ý kiến khác nhau, nếu được Quốc hội đồng thuận đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì cần nhiều phân tích, thảo luận để đảm bảo nội dung quy định được hợp lý, khả thi. Thông qua hình thức biểu quyết bằng phiếu bầu, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nếu được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án luật này dự kiến sẽ đươc trình tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Về những vấn đề còn băn khoăn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong quá trình soạn thảo luận, đồng thời, các cơ quan có liên quan, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phải có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời để hoàn thiên dự án luật này.

11h42: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu.

Giải trình nội dung thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, quan điểm chuyển đổi giới tính cần phải can thiệp phẫu thuật, đây là kỹ thuật đã lạc hậu, không còn phù hợp trong thời điểm hiện nay. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, chuyển đổi giới tính thuộc về cảm nhận tự thân vì giới tính liên quan đến gen và sự can thiệp lớn từ hooc môn. Đại biểu cũng tiếp thu ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho biết, quá trình xây dựng luật, đại biểu đã tiếp thu tối đa hồ sơ của Bộ Y tế đã được nghiên cứu về vấn đề này trong 8 năm qua.

11h34: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần làm rõ thế nào là chuyển đổi giới tính, có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, nên GS.TS Nguyễn Anh Trí cần giải thích, làm rõ, để có câu trả lời thỏa đáng. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động các chính sách của luật một cách thấu đáo ngay cả khi đã trình luật với Quốc hội.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng cần nghiên cứu cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự để có các quy định phù hợp. Ngay cả với các nước thừa nhận chuyển đổi giới tính, việc thực hiện quy định pháp luật về lĩnh vực này cũng vẫn có vướng mắc, vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí cần nghiên cứu kỹ để lường trước các trường hợp thực tế, đảm bảo luật hợp lý, khả thi trong áp dụng.

11h31: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tiếp thu, làm rõ các ý kiến tại phiên thảo luận

Làm rõ các ý kiến đã nêu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã xin ý kiến, tiếp thu các nội dung gần 100 trang và cho rằng, văn bản này còn nguyên giá trị.
Cho rằng băn khoăn của các đại biểu rất đúng, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận thấy, không được dễ dãi về vấn đề này, đồng thời đại biểu sẽ tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện các nội dung, hồ sơ xây dựng Luật. Đại biểu mong muốn đưa dự án Luật này trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của UBTVQH nên điều chỉnh thời gian trình Quốc hội xem xét, lùi lại một kỳ so với ý kiến của ĐBQH.

11h18: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Chuyển đổi giới tính tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh bày tỏ nhất trí, ủng hộ đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình đề nghị xây dựng Luật; cho rằng dự án Luật này sẽ góp phần thể chế hóa quy định của Hiến pháp, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của công dân.
Nhận định đến thời điểm hiện tại, hồ sơ dự án Luật này đến nay đã được tiếp thu tối đa các nội dung mà Bộ Y tế chuẩn bị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, việc đại biểu Quốc hội thực hiện sáng kiến lập pháp là phù hợp với quy định tại Điều 33 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rất đáng được trân trọng, ủng hộ và khuyến khích.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, đối với việc chuẩn bị cho dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã bắt đầu từ rất sớm từ năm 2013, thể hiện quyết tâm rất lớn. Nếu được đồng thuận, dự án Luật này được trình và thông qua thành công, sẽ tạo được dấu ấn tốt cho Quốc hội khóa XV, khi lần đầu thiên thông qua được sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội.

Riêng về thời gian trình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề xuất lùi lại 1 kỳ so với đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình để đảm bảo chất lượng. Đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ tối đa, phối hợp chặt chẽ với đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trong quá trình hoàn thiện, xây dựng dự án Luật này.

11h14: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Chính phủ nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng luật Chuyển đổi giới tính. Về việc lấy ý kiến lại hồ sơ, Ủy ban Pháp luật đã có ý kiến là không cần tiến hành lấy ý kiến lại, nội hàm của luật cũng đã được xác định rõ.

Đối với việc Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng dự án luật này từ lâu, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã tiến hành làm việc với các cơ quan, hồ sơ cũng chuẩn bị tương đối đầy đủ để chuẩn bị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tuy nhiên, do phải tập trung nguồn lực cho nhiều luật trọng tâm, nên Chính phủ dự định trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Tuy nhiên, khi đại biểu Nguyễn Anh Trí đề ra sáng kiến lập pháp, Bộ Y tế, Chính phủ đã rất ủng hộ và hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí trong việc hoàn thiện hồ sơ và xây dựng dự án Luật này.

11h07: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 22. Sau khi có ý kiến của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã tích cực bổ sung, chỉnh lý hồ sơ tài liệu.

Nếu Tờ trình xây dựng luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, cần làm rõ thêm cơ sở thực tế xây dựng luật, bởi vẫn chưa có nghiên cứu, khảo sát đầy đủ về việc chuyển đổi giới tính hiện nay.

Tờ trình đề nghị xây dựng luật hiện mới chỉ dựa vào kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế - xã hội, môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội băn khoăn liệu số liệu này có đảm bảo chính thức, khách quan, chính xác để làm cơ sở xây dựng luật. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu 7 hệ quả của việc chưa có luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính, đề nghị đại biểu làm rõ dự thảo luật có giải quyết được những bất cập này.

Tờ trình cũng nêu sau gần 8 năm Bộ luật Dân sự được Quốc hội thông qua, chưa có luật nào được ban hành để triển khai thực hiện Điều 37 của Bộ luật dân sự về chuyển đổi giới tính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan của Chính phủ là Bộ Tư pháp và Bộ Y tế làm rõ việc triển khai thi hành Điều 37 của Bộ luật dân sự như thế nào?...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị lưu ý đánh giá, khảo sát, nhận định liên quan đến truyền thống của dân tộc, văn hóa, xã hội, tâm lý, tôn giáo, ảnh hưởng như thế nào đối với việc chuyển đổi giới tính; nếu làm rõ được các vấn đề này, có thể trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.

11h02: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Bùi Văn Cường: Trân trọng và hỗ trợ tối đa đại biểu Quốc hội thực hiện sáng kiến pháp luật

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Bùi Văn Cường đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, tích cực, khẩn trương của đại biểu Quốc hội cũng như công tác phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Xã hội với đại biểu Quốc hội để trong thời gian ngắn hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Bùi Văn Cường cho biết đây là dự án luật đầu tiên quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính, là vấn đề khá nhạy cảm trên thế giới và trong xã hội và còn có quan điểm ý kiến khác nhau. Tuy nhiên với quyết tâm, cố gắng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã hoàn thiện hồ sơ, tài liệu được chuẩn bị khá công phu, bài bản, có sự đầu tư kỹ lưỡng, nghiên cứu chuyên sâu.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Bùi Văn Cường việc đại biểu Quốc hội phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc sáng kiến lập pháp là điều đáng trân trọng. Trong thời gian tới , Văn phòng Quốc hội sẽ cùng với cơ quan hữu quan cố gắng hỗ trợ tối đa để đại biểu Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự án Luật.

Góp ý về một số nội dung liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Bùi Văn Cường nhất trí về căn cứ pháp lý và sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, đảm bảo thực hiện quy định về chuyển đổi giới tính tại Bộ luật Dân sự 2015. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được đại biểu chuẩn bị khá công phu, đầy đủ, cơ bản đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đây là dự án Luật có nội dung mới, khó và khá nhạy cảm, còn nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tại Phiên họp thứ 22 (tháng 5/2023) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có điều chỉnh một số chính sách. Do đó, đề nghị là khẩn trương tiến hành đánh giá tác động và gửi xin ý kiến các cơ quan về các nội dung được điều chỉnh mới. Đồng thời, nghiên cứu kỹ lưỡng tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tài liệu đảm bảo chất lượng dự án tốt nhất, có tính thuyết phục.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nhất trí với việc điều chỉnh tên gọi từ Luật Bản dạng giới sang dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị cần phân biệt rõ về việc chuyển đổi giới tính theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự là vấn đề mới được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 so với việc xác định lại giới tính theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Dân sự là vấn đề đã có Nghị định của Chính phủ hướng dân thực hiện và thực hiện ổn định trong thực tế.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu, tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế, chuyên gia pháp luật đánh giá tác động kỹ lưỡng các nội dung như về mức độ can thiệp y học và điều kiện để được can thiệp y học; rà soát hệ thống pháp luật, dự kiến các văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung để triển khai khi thành Luật.

10h52: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gợi ý một số nội dung trọng tâm thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh về dự án Luật Bản dạng giới. Đến nay, đại biểu trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dự án luật này, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị bổ sung, tuy nhiên kiến nghị lùi một kỳ họp so với đề nghị, để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong kế hoạch thi hành Bộ luật Dân sự, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu thực hiện xây dựng dự án luật về chuyển đổi giới tính, Bộ Y tế cũng đã tiến hành nghiên cứu nhưng đến nay chưa thực hiện được, chưa có hồ sơ trình chính thức, mà thời gian qua mới đang tập trung nguồn lực vào các luật mang tính trọng tâm như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã có đề xuất xây dựng luật và có các bước chuẩn bị, với đề cương có nhiều điểm tương đồng. Chính phủ đã xin chuyển toàn bộ hồ sơ đã chuẩn bị cho đại biểu Quốc hội, hỗ trợ đại biểu trong quá trình xây dựng luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật Chuyển đổi giới tính trình hôm nay đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh so với Luật Bản dạng giới, đồng thời đề nghị, các đại biểu cho ý kiến xem hồ sơ dự án luật có đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét hay không, xem xét kỹ sự cần thiết ban hành luật, sự phù hợp của các chính sách.

10h42: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính

Trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, ngày 10/5/2023, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp thẩm tra về nội dung này theo Tờ trình số 35/TTr-ĐBQH của ĐBQH với sự tham dự của đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm xác lập cơ chế thực hiện quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của một nhóm đối tượng trong xã hội về thực hiện chuyển đổi giới tính để được công nhận và sống với đúng giới của mình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nêu rõ, việc ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính là sự chia sẻ trách nhiệm với ngành Y tế vì công việc chung và thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của ĐBQH theo quy định của pháp luật.

Về hồ sơ, quy trình lập đề nghị xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao ĐBQH đã tích cực, tâm huyết, với tinh thần cầu thị và ý thức trách nhiệm cao, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Về cơ bản, hồ sơ bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Ban hành VBQPPL.

Về phạm vi điều chỉnh và các chính sách được đề xuất, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thay đổi tên gọi của dự án Luật thành Luật Chuyển đổi giới tính cũng như thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật để tập trung điều chỉnh vấn đề chuyển đổi giới tính phù hợp với yêu cầu quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với 04 nhóm chính sách lớn trong đề nghị xây dựng Luật và thấy rằng, các chính sách do ĐBQH đề nghị đã có sự kế thừa, sắp xếp một cách hợp lý trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu, đề xuất của Bộ Y tế và bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh, tên gọi của Luật đã được thay đổi.
Để hoàn thiện hơn hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau:

+ Nhóm Chính sách 1 (điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính): Đề nghị nghiên cứu bổ sung cả trường hợp “xác định lại giới tính của cá nhân” theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Dân sự cũng thuộc phạm vi của thực hiện chuyển đổi giới tính.

+ Nhóm Chính sách 2 (thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân): Đề nghị thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính; đồng thời, cần nghiên cứu về một số quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.

+ Nhóm Chính sách 3 (xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực): đề nghị nghiên cứu bổ sung giải pháp phù hợp với hình thức, mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 nhưng điều chỉnh thời gian trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật lùi 01 kỳ họp so với đề nghị của ĐBQH, tức là trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

10h29: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày Tờ trình

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới đã được điều chỉnh cơ bản thành Luật Chuyển đổi giới tính. Theo đó, thu hẹp phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật; đổi tên Luật Bản dạng giới thành Luật Chuyển đổi giới tính; làm rõ hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; điều chỉnh tương đối nhiều về điều kiện, quy trình, thủ tục chuyển đổi giới tính.

Trên cơ sở đó, ĐBQH đã chỉnh lý lại toàn bộ hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, trong đó kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế chuyển đến ĐBQH. Vì vậy, bố cục, nội dung trong hồ sơ Đề nghị đã được thay đổi cơ bản; các nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý chiếm khoảng 60% dung lượng Đề nghị xây dựng Luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, Chính sách của dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 02 lần xuống 01 lần trong cuộc đời; bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.

Đồng thời, bổ sung Chính sách quy định công nhận các trường hợp đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực. Nội dung này ĐBQH kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế; Chỉnh lý chính sách 3 thành chính sách 4 với tên gọi “Thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính”…

ĐBQH đã rà soát sơ bộ và xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính theo hướng triển khai thực hiện Điều 37 của Bộ luật Dân sự; kế thừa, áp dụng tương tự các quy định hiện hành (pháp luật về hộ tịch, về xác định lại giới tính). Trong quá trình soạn thảo, ĐBQH sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn các quy định được áp dụng ngay và quy định cần phải hướng dẫn thực hiện để áp dụng cho người chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Do phạm vi điều chỉnh đã thu hẹp lại chỉ chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ nên ĐBQH đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

10h28: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Dự phiên họp có đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75746