Tống tiền dựa trên tình dục, chuyện không phải mới ở Tây Ban Nha
Lực lượng an ninh Tây Ban Nha từng triệt phá một đường dây tống tiền dựa trên tình dục với số nạn nhân lên tới gần 4.000 người; khoảng 30 đối tượng đã bị cáo buộc có liên quan đến mạng lưới này.
Giăng bẫy tình dục rồi tống tiền nạn nhân là chiêu trò khá quen thuộc ở Tây Ban Nha. Lực lượng an ninh của đất nước này từng triệt phá một đường dây quy mô lớn chuyên tống tiền bằng phương thức này, với số nạn nhân được cho là gần 4.000 người.
Cầu thủ bóng đá cũng tham gia đường dây phạm tội
Số nạn nhân của một mạng lưới dùng tình dục để tống tiền mà lực lượng an ninh Civil Guard của Tây Ban Nha triệt hạ trong tháng 2/2019 là gần 4.000. Đây là thông tin nằm trong một tài liệu tòa án do Thẩm phán Jerónimo Cano gửi tới Tòa án Tối cao và đã lọt vào tay tờ El Pais của Tây Ban Nha.
Trong tài liệu này, Thẩm phán Cano đề nghị Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha (Audiencia Nacional), giám sát vụ án do số lượng nạn nhân tăng cao và phạm vi của vụ án được cho là mở rộng ra toàn quốc.
Khoảng 30 đối tượng đã bị cáo buộc có liên quan đến mạng lưới tội phạm này, bao gồm Tonõ García, một cầu thủ của đội bóng đá Levante UD ở Valencia.
Hai kẻ bị tình nghi cầm đầu đường dây là Ismael Bousnina, biệt danh Salva và Massinissa Ferrah, biệt danh Erik. Chúng đang bị giam tại tỉnh miền đông Teruel kể từ khi bị bắt vào tháng 2/2018. Cả hai bị điều tra vì các tội danh tống tiền, đe dọa, xâm phạm quyền riêng tư, giả mạo tài liệu, biển thủ, rửa tiền và phạm tội có tổ chức.
Tống tiền dựa vào tình dục là một thủ đoạn trong đó thông tin hoặc hình ảnh hoạt động tình dục được sử dụng để ép nạn nhân phải chi tiền, trái với ý muốn của họ.
Trong những bản kết luận điều tra ban đầu, Civil Guard mô tả băng đảng mới bị triệt phá là một “nhóm tội phạm có tổ chức” nhằm mục đích tống tiền những người đã sử dụng hoặc tìm cách sử dụng dịch vụ cung cấp gái bán dâm qua trang web pasion.com. Băng đảng này có thể đã hoạt động “trong nhiều năm” và qua đó khiến hàng trăm hoặc hàng ngàn nạn nhân sập bẫy.
Civil Guard đánh giá các nghi phạm “tống tiền nạn nhân một cách cưỡng bức và có chủ đích.” Về phần mình các nạn nhân, những người sợ rằng gia đình hoặc bạn đời phát hiện ra việc họ sử dụng thường xuyên hoặc không thường xuyên dịch vụ mua bán dâm, đã phải chuyển các khoản tiền khác nhau cho băng tội phạm nêu trên.
Với những người “cứng đầu” không chịu chi tiền, bọn tội phạm có nhiều cách để cưỡng ép họ. Ví dụ, chúng dọa rằng sẽ cử một nhóm mafia Đông Âu đến đánh đập hoặc giết nạn nhân nếu họ không trả tiền. “Tôi muốn có tiền trong nửa giờ đồng hồ. Nếu không có tiền, tôi sẽ bắn anh hai phát vào chân,” đây là nội dung tin nhắn mà những kẻ phạm tội gửi cho một nạn nhân nếu anh ta không nộp số tiền 450 euro.
Nạn nhân “ngậm đắng nuốt cay” trả tiền
Theo nhiều báo cáo điều tra khác nhau của Civil Guard, nỗi sợ hãi từ việc bị dọa giết hoặc đánh đập đã khiến “các nạn nhân tê liệt và phải trả số tiền được yêu cầu nộp.” Vài trường hợp nạn nhân đã phải chi ra các số tiền rất lớn. Ví dụ, một nạn nhân đã giao nộp tới 25.000 euro. Vào thời điểm vụ bắt giữ đầu tiên liên quan tới băng đảng này được thực hiện, an ninh Tây Ban Nha cho biết chúng đã kiếm được “hàng trăm nghìn euro.”
Để rửa sạch số tiền bẩn kiếm từ đường dây này, bọn tội phạm đã thiết lập một mạng lưới nhiều tài khoản ngân hàng và thuê người nhận tiền thay, để việc truy tìm chúng trở nên khó khăn.
Cụ thể, chúng làm việc với một gia đình đến từ La Coma - một điểm nóng về tội phạm ở Valencia - để điều phối một nhóm “la chở tiền.” Những “con la” này cho phép tội phạm sử dụng tài khoản ngân hàng của họ để đổi lấy một khoản hoa hồng nhỏ.
Đối với mỗi 1.000 euro chuyển qua tài khoản, bên trung gian tham gia điều phối việc rửa tiền được chi 50 euro và “con la” được trả 50 euro. Tiền chuyển vào ngay lập tức được rút ra khỏi tài khoản. Phần lớn thời gian hoạt động giao dịch đều dùng mã chuyển tiền nhằm tránh để lại dấu vết.
Một đối tượng liên quan tới đường dây bị cáo buộc đã chuyển hơn 250.000 euro “chỉ trong vài tháng” và 233.000 euro trong số đó lập tức được chuyển thẳng vào tài khoản của những người có hộ chiếu từ Cộng hòa Malawi, một quốc gia không giáp biển ở Đông Nam Phi. Cảnh sát nghi ngờ những hộ chiếu này có thể là giả.
Civil Guard biết tới đường dây tống tiền này từ tháng 4/2018, khi một nạn nhân trình báo cảnh sát thành phố Sarríon ở tỉnh Teruel về việc bị ép trả thêm tiền, dù trước đó anh đã chi cho bọn tội phạm một khoản. “Sẽ có hậu quả. Gia đình mày sẽ phát hiện ra,” nạn nhân kể về lời đe dọa mà bọn tội phạm gửi tới anh.
Trong những tháng tiếp theo, sáu cư dân khác ở tỉnh Teruel tiếp tục báo cáo về việc họ bị tống tiền giống như vậy. Cuộc điều tra nhanh chóng mở rộng sang các tỉnh Navarre, Castellón và Gipuzkoa, nơi 9 nạn nhân khác được tìm thấy.
Cơ quan điều tra cũng thấy rằng tỉnh Valencia là đầu mối hoạt động, do các tài khoản thu tiền bẩn của đường dây này đều nằm ở đây. 10 tháng sau, lực lượng an ninh bắt giữ Bousnina và Ferrah, cả hai đều có quê ở Valencia./.