Tổng tư lệnh Myanmar 'bình thản' trước sức ép của Mỹ và đồng minh
Cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền của bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar là không thể tránh khỏi, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing tuyên bố hôm 2-2.
Quân đội Myanmar khiến đất nước tê liệt hôm 1-2, khi họ bắt giữ bà Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao khác của đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền.
Sau khi lên nắm quyền, chính quyền quân sự Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm, đồng thời trao quyền lãnh đạo cho Tổng tư lệnh Aung Hlaing.
Trong tuyên bố đầu tiên kể từ cuộc đảo chính, ông Aung Hlaing khẳng định động thái này là "phù hợp với luật pháp" sau khi chính quyền bà Suu Kyi không hành động về cáo buộc gian lận bầu cử.
"Sau nhiều lần đề nghị, đây là giải pháp không thể tránh khỏi cho đất nước và đó là lí do chúng tôi chọn giải pháp này" – Tổng tư lệnh Aung Hlaing khẳng định trong cuộc họp nội các đầu tiên.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức kết luận vụ bắt giữ bà Suu Kyi, lãnh đạo NLD và ông Win Myint, tổng thống hợp lệ của Myanmar, là một cuộc đảo chính quân sự.
Kết luận này đồng nghĩa Mỹ không được phép hỗ trợ chính quyền Myanmar. Dù vậy, nước đi này dường như chỉ mang tính "biểu tượng", bởi gần như toàn bộ viện trợ Mỹ đều dành cho những thực thể phi chính phủ. Quân đội Myanmar vốn đã bị Mỹ trừng phạt vì điều họ khẳng định là "chiến dịch tàn bạo chống lại dân tộc thiểu số Rohingya".
Trong khi đó, theo trang tin AAP, Úc có thể sớm hoãn các mối quan hệ quân sự với Myanmar vì cuộc đảo chính nêu trên.
Giới lãnh đạo đảng Xanh và đảng Lao động Úc đang kêu gọi chính quyền Thủ tướng Scott Morrison xem xét lại quan hệ hợp tác quốc phòng 2 nước.
"Úc nên hoãn quan hệ quân sự với Myanmar ngay lập tức và xem xét trừng phạt những tướng lĩnh liên quan đến cuộc đảo chính" – lãnh đạo đảng Xanh Adam Bandt khẳng định với ABC hôm 3-2.
Cùng ngày, người phát ngôn của đảng Lao động, bà Penny Wong, nhấn mạnh Úc và các nước đồng minh cần gửi một thông điệp rõ ràng đến giới lãnh đạo quân sự Myanmar rằng hành động của họ là một cuộc tấn công nhằm vào tiến trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar.