Tổng tuyển cử ở Anh: Thời khắc lịch sử
Ngày 12-12, các cử tri Anh đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại quốc gia này. Đây là cuộc bầu cử nhằm quyết định tương lai của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Phá thế bế tắc
Hơn 4.000 điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland đã mở cửa để cử tri đến bỏ phiếu đến 22 giờ GMT (tức 5 giờ sáng 13-12, giờ Việt Nam). Trong cuộc bầu cử này, cử tri Anh sẽ bầu chọn 650 nghị sĩ tại quốc hội trong số 3.321 ứng viên đại diện cho các đảng phái. Kết quả chính thức đầu tiên sẽ được công bố vào sáng 13-12.
Thủ tướng Anh Boris Johnson mong muốn qua cuộc bầu cử này, đảng Bảo thủ của ông sẽ có được thế đa số vững chắc để thúc đẩy thông qua thỏa thuận Brexit mà chính phủ của ông và Liên minh châu Âu (EU) đạt được hồi tháng 10 vừa qua, đưa Anh ra khỏi EU đúng thời hạn vào ngày 31-1-2020. Để làm được điều này, đảng Bảo thủ phải giành được ít nhất 326/650 ghế tại Hạ viện Anh. Thủ tướng Johnson khẳng định, đây là cơ hội để kết thúc hơn 3 năm bế tắc chính trị tại Anh xoay quanh Brexit.
Đối thủ chính của đảng bảo thủ vẫn là Công đảng đối lập. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đề ra mục tiêu đưa Công đảng trở lại nắm quyền sau 9 năm với cam kết đàm phán lại thỏa thuận Brexit và đưa ra trưng cầu ý dân cùng với lựa chọn hủy toàn bộ tiến trình này để Anh ở lại EU. Ông Corbyn cho rằng, người Anh đang đứng trước ngã tư đường và cuộc bầu cử lần này chính là thời khắc lịch sử.
Trước thềm bầu cử, kết quả thăm dò dư luận do công ty nghiên cứu thị trường Savanta ComRes thực hiện cho tờ The Telegraph công bố ngày 11-12 cho thấy đảng Bảo thủ vẫn duy trì tỷ lệ ủng hộ ở mức 41%, trong khi tỷ lệ ủng hộ Công đảng là 36%. Đây là tỷ lệ cách biệt giữa 2 đảng ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10-2019.
3 kịch bản
Theo Savanta ComRes, việc dự đoán kết quả cuộc tổng tuyển cử này không đơn giản bởi 20% người tham gia khảo sát cho biết họ vẫn có thể thay đổi quyết định trước ngày bầu cử. Do vậy, nhiều khả năng đảng Bảo thủ chỉ có thể giành chiến thắng với đa số tối thiểu và vẫn dẫn tới một quốc hội “treo”. Giới phân tích nhận định một quốc hội “treo” sẽ là kết quả tiêu cực nhất đối với nền kinh tế Anh, ít nhất là trong ngắn hạn khi không đảng nào có khả năng giải quyết bế tắc Brexit hiện nay.
Trong khi đó, tờ Guardian dẫn lời chuyên gia John Curtice cho rằng không có gì đảm bảo chắc chắn Thủ tướng Boris Johnson sẽ thành công như mong đợi, nếu Công đảng có thêm sự ủng hộ trong nhóm cử tri thuộc phe chọn ở lại EU trong ngày bỏ phiếu thì điều này cũng không có gì là ngạc nhiên. Nhìn chung, John Curtice và nhiều nhà phân tích chính trị khác đều nhận định rằng cuộc tổng tuyển cử ngày 12-12 sẽ có 1 trong 3 kết quả sau: đảng Bảo thủ giành chiến thắng, nắm đại đa số ghế tại Hạ viện; Quốc hội treo hoặc Công đảng giành chiến thắng áp đảo (điều này rất ít khả năng xảy ra, nhất là tại thời điểm này).
Còn tạp chí The Economist nhận định, Anh đang bị chia rẽ, nhưng cuộc bầu cử còn làm cho quốc gia này càng bị chia rẽ hơn. Theo tạp chí này, cử tri Anh đã liên tục bị yêu cầu đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và các lựa chọn mà họ có thể có lại càng tồi tệ hơn trong mỗi lần bầu cử. Công đảng và đảng Bảo thủ ngày càng tách xa nhau trong 3 cuộc bầu cử trong 4 năm qua.
Ngày 12-12, các cử tri phải đối mặt với sự lựa chọn khắc nghiệt nhất, giữa Boris Johnson của đảng Bảo thủ hứa hẹn một Brexit cứng và Jeremy Corbyn của Công đảng có kế hoạch “viết lại các quy tắc của nền kinh tế”.
Ông Johnson đang điều hành một chính phủ mới thành lập và ít được lòng dân nhất trong lịch sử; ông Corbyn là nhà lãnh đạo đối lập ít được lòng dân nhất. Điều không may đối với người dân Anh là ngày 13-12, họ sẽ phải chứng kiến một trong hai nhân vật “kinh hoàng” này đảm nhận trách nhiệm điều hành đất nước.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tong-tuyen-cu-o-anh-thoi-khac-lich-su-634669.html