Tổng tuyển cử Tây Ban Nha: Rạn nứt chưa thể hàn gắn
Vẫn không có đảng nào giành đa số sau bầu cử Tây Ban Nha
(HNM) - Ngày 10-11, người dân Tây Ban Nha đã thực hiện quyền công dân của mình trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, bầu ra Quốc hội mới cho xứ sở Bò tót. Đây là lần thứ hai trong năm nay và là lần thứ tư trong vòng bốn năm qua quốc gia châu Âu này tổ chức tổng tuyển cử, trong bối cảnh quan hệ giữa các đảng phái trên chính trường ngày càng rạn nứt.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này đã khẳng định uy tín của PSOE, nhưng chưa thể đưa chính đảng này lên nắm quyền.
Với kết quả kiểm 99,3% số phiếu, đảng Công nhân xã hội (PSOE) của quyền Thủ tướng Pedro Sanchez giữ vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, do dự kiến chỉ giành được 120/350 ghế tại hạ viện, PSOE chưa chiếm được thế đa số (176 ghế). Về phần mình, đảng Nhân dân (PP) dự kiến giành được 88 ghế, cao hơn so với mức thấp kỷ lục 66 ghế ở lần bầu cử hồi tháng 4. Thực tế này cho thấy, tình huống Quốc hội "treo" tại Tây Ban Nha sẽ tái diễn và PSOE tiếp tục phải tìm cách xây dựng liên minh với các đảng phái khác để thành lập chính phủ.
Quyền Thủ tướng P. Sanchez cho biết, ông sẽ liên hệ với lãnh đạo các đảng khác để giải quyết thế bế tắc chính trị, qua đó tiến tới thành lập một chính phủ ổn định và tiến bộ. Dẫu vậy, đến thời điểm hiện nay chưa có bất cứ nhóm đảng nào sẵn lòng ủng hộ PSOE. Nói cách khác, ông P.Sanchez và đảng của mình sẽ phải đối mặt với các "mặc cả" về chính trị. Đây là thách thức không dễ giải quyết bởi thực tế là suốt từ khi giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 4 vừa qua (với 123/350 ghế Hạ viện), PSOE vẫn không thể thành lập được chính phủ. Đây cũng là lý do khiến Hoàng gia Tây Ban Nha phải tổ chức tổng tuyển cử lại.
Ngoài hai chính đảng nói trên, sự trỗi dậy của đảng Vox (đảng Tiếng nói) trong lần bầu cử này tiếp tục khiến giới quan sát chú ý. Đảng này dự kiến đạt được 52 ghế tại Hạ viện, nhiều gấp đôi mức 24 ghế trong cuộc bầu cử trước đó. Những bước tiến đáng kể của đảng Vox được xem là hệ quả của việc Tây Ban Nha không thể xây dựng một chính phủ ổn định suốt từ năm 2015. Trong bối cảnh đó, những đảng phái thành lập sau khủng hoảng kinh tế đã tận dụng sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai chính đảng lớn để vươn lên trở thành thế lực mới nổi, mà đảng Vox với lập trường bảo thủ, bài ngoại cứng rắn là điển hình. Đây là thực tế đáng lo ngại tại châu Âu hiện nay khi các đảng cực hữu đang tận dụng tối đa cơ hội để tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của người dân.
Theo phân tích của giới chuyên môn, sự giằng co giữa hai chính đảng và sự trỗi dậy của phe cực hữu cho thấy cuộc tổng tuyển cử lần này vẫn chưa thể hàn gắn rạn nứt giữa các chính đảng tại Tây Ban Nha. Việc thiếu vắng một chính phủ ổn định và thống nhất đương nhiên khiến khả năng giải quyết những thách thức kinh tế và đối ngoại của xứ sở Bò tót bị suy giảm. Điều này là hết sức nghiêm trọng trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Tây Ban Nha trong năm 2020 sẽ tăng trưởng dưới mức 2%, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp dù đã giảm song vẫn ở mức cao của Liên minh châu Âu và chỉ đứng sau Hy Lạp. Ở góc độ chính trị, tình hình Catalonia hiện nay đã phần nào "hạ nhiệt", song vẫn là vấn đề nhức nhối chưa thể giải quyết triệt để.
Có thể thấy, chiến thắng lần này tái khẳng định uy tín của PSOE, tuy điều đó chưa đủ để đưa chính đảng này lên nắm quyền. Trong thời gian tới, Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục duy trì tình trạng chính phủ tạm thời, trong khi chờ các chính đảng đàm phán để đi đến một thỏa thuận. Dù được thành lập theo kịch bản nào, chính phủ mới của Tây Ban Nha sẽ phải ổn định, thống nhất, đủ khả năng thúc đẩy các chính sách quan trọng của đất nước vốn đang bị đình trệ. Đó chính là điều mong đợi của người dân.