Tổng tuyển cử Thái Lan 2023: 8 điều cần biết

Cử tri Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 14.5 để bầu ra Quốc hội mới với khoảng 70 đảng phái chính trị tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử. Cuộc chạy đua đang diễn ra quyết liệt, giữa các đảng bảo thủ được quân đội hậu thuẫn và các nhóm tiến bộ hơn phản đối các cuộc đảo chính quân sự. Dưới đây là 8 điều cần biết về cuộc bầu cử.

Áp phích vận động cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới trên một con phố ở Bangkok. Ảnh: AFP

Áp phích vận động cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới trên một con phố ở Bangkok. Ảnh: AFP

1. Cuộc bầu cử thứ hai kể từ cuộc đảo chính năm 2014

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã giải tán Quốc hội vào ngày 20.3, mở đường cho cuộc bầu cử lần thứ hai được tổ chức sau cuộc đảo chính quân sự gần đây nhất của Thái Lan vào năm 2014. Cuộc bầu cử trước đó diễn ra vào năm 2019.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2023, hơn 6.000 ứng cử viên sẽ tranh 500 ghế trong Hạ viện của Quốc hội. Có hơn 52 triệu cử tri đủ điều kiện trên khắp 77 tỉnh của Thái Lan.

2. Những gương mặt sáng giá cho ghế thủ tướng

Ông Prayut, 69 tuổi, hy vọng sẽ trở lại vị trí thủ tướng với danh nghĩa là ứng cử viên của đảng Ruam Thai Sang Chart mới, có nghĩa là đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN). Trước đó vào năm 2023, ông đã từ bỏ đảng Palang Pracharath (PPRP) từng đề cử ông làm thủ tướng trong các cuộc thăm dò năm 2019.

Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, 77 tuổi, cũng nhắm đến ghế thủ tướng với tư cách là ứng cử viên của PPRP.

Nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cả hai cựu lãnh đạo quân đội đều tụt lại phía sau ứng cử viên 36 tuổi của đảng Pheu Thai (đảng Vì nước Thái), Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và lãnh đạo đảng Tiến lên Pita Limjaroenrat, 42 tuổi.

Theo kết quả cuộc thăm dò thứ ba và cũng là cuối cùng do Viện quản lý phát triển quốc gia (NIDA) của Thái Lan công bố ngày 3.5, ứng cử viên thủ tướng của đảng Tiến lên, ông Pita đã vượt qua ứng cử viên Paetongtarn Shinawatra của đảng Pheu Thai trở thành lựa chọn số một cho ngôi vị thủ tướng sắp tới, với tỷ lệ ủng hộ 35,44%.Trong khi đó, bà Paetongtarn tụt xuống vị trí thứ hai với tỷ lệ ủng hộ 29,20%. Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha đứng ở vị trí thứ ba với 14,84% số người ủng hộ.

3. Cuộc đua tam mã

Cuộc bầu cử dự kiến sẽ là cuộc đọ sức chủ yếu giữa hai đảng: UTN của Thủ tướng đương nhiệm Prayut và ứng cử viên đối lập hàng đầu Pheu Thai, một nhánh của Đảng Thai Rak Thai (người Thái yêu người Thái) đã không còn tồn tại của cựu Thủ tướng Thaksin.

Kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014, ông Prayut và các cơ quan thân quân đội khác đã tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Thaksin và các đảng phái chính trị liên quan đến ông. Mặc dù ông Prayut đã chia tay với PPRP do quân đội hậu thuẫn, nhưng ông vẫn nhận được sự ủng hộ của giới bảo thủ.

Các chính sách được cho là dân túy và ảnh hưởng ngày càng tăng của Thaksin vào đầu những năm 2000 được coi là một thách thức đối với các phe phái chính trị bảo hoàng ở Thái Lan. Các đảng liên kết với Thaksin đã giành được nhiều ghế nhất trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001, nhưng chính phủ của họ đã bị lật đổ bởi các cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006 và 2014.

Với việc bà Paetongtarn, con gái ông Thaksin, lãnh đạo chiến dịch bầu cử của Pheu Thai, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy đảng này đang dẫn đầu và có nhiều khả năng giành được nhiều ghế nhất. Tuy nhiên, đảng Tiến bước cũng là một ẩn số thú vị, cho thấy cuộc bầu cử sẽ là cuộc đua tam mã.

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, Pheu Thai là lựa chọn hàng đầu với 38,32% ủng hộ, giảm 8,88 điểm phần trăm. Trong khi đó, đảng Tiến bước đang thu hẹp khoảng cách với Pheu Thai, với tỷ lệ ủng hộ là 33,96%, tăng 12,76 điểm phần trăm. Đứng thứ ba là Đảng UTN của ông Prayut với 10,80%, tăng 1,28 điểm phần trăm so với khảo sát trước đó.

4. Hệ thống hai lá phiếu mới

Trong cuộc bỏ phiếu lần này, cử tri Thái Lan sẽ bầu tổng cộng 500 ghế trong Hạ viện; trong đó bao gồm 400 ghế bầu theo khu vực bầu cử và 100 ghế theo danh sách đảng.

Mỗi cử tri sẽ nhận được hai phiếu tại điểm bỏ phiếu. Một phiếu để bầu cho một ứng cử viên đang tranh cử ở khu vực bầu cử địa phương của họ và một phiếu khác để chọn đảng chính trị ưa thích của họ ở cấp quốc gia.

400 ghế bầu theo khu vực bầu cử sẽ được trao cho các ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu nhất ở mỗi quận. Và 100 ghế trong danh sách đảng sẽ được phân bổ tương ứng cho các đảng chính trị dựa trên tỷ lệ phiếu bầu của họ trên toàn quốc.

Một đảng hoặc một nhóm đảng cần phải giành được ít nhất 251 trong số 500 ghế Hạ viện để thành lập chính phủ.

Trước cuộc bầu cử, mỗi đảng có thể đề cử tối đa ba ứng cử viên cho ghế thủ tướng và phải giành được ít nhất 25 ghế nghị sĩ để có thể bảo đảm được danh sách ứng cử viên của mình được bỏ phiếu tại Quốc hội.

5. Ghế thủ tướng được bầu như thế nào?

Quốc hội, bao gồm Hạ viện (500 thành viên) và 250 thành viên do chính quyền quân sự bổ nhiệm (Thượng viện), sau đó sẽ bỏ phiếu bầu thủ tướng. Ứng cử viên thủ tướng phải giành được tối thiểu 376 phiếu tại Quốc hội.

Giả sử rằng một ứng cử viên nhận được sự ủng hộ của toàn bộ Thượng viện (250 phiếu), ứng cử viên đó sẽ chỉ cần 126 phiếu bầu của các nghị sĩ để giành chức thủ tướng.

Thượng viện, trong cuộc bầu cử năm 2019 từng bỏ phiếu áp đảo để ủng hộ ông Prayut làm thủ tướng, có thể đặt ra thách thức đối với các ứng cử viên của các đảng khác trong cuộc đua giành ngôi vị cao nhất này.

6. Kinh tế là mối quan tâm hàng đầu

Các vấn đề liên quan đến điều kiện sống cơ bản trở thành mối quan tâm lớn nhất của cử tri, đồng thời cũng là chủ đề nổi bật trong các lời hứa tranh cử. Thời gian qua, lạm phát và nợ hộ gia đình cao đã đè nặng lên quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Thái Lan.

Hầu hết các đảng và các ứng cử viên đều hứa hẹn các chương trình phúc lợi như tăng lương tối thiểu và lương hưu, hoãn nợ và bảo đảm giá cho hàng hóa nông nghiệp. Hiện tại, lời hứa gây chú ý trong cuộc bầu cử của đảng Pheu Thai là sẽ trả 10.000 baht thông qua ví tiền số cho mỗi công dân từ 16 tuổi trở lên.

Chủ đề Nhà nước dân chủ đã trở thành tâm điểm của những người phản đối sự can thiệp của quân đội. Việc viết lại Hiến pháp hiện hành năm 2017 do chính quyền quân sự hậu thuẫn cũng là một trong những lời hứa bầu cử quan trọng mà các đảng chống đảo chính như đảng Tiến lên và đảng Thai Sang Thai, do chính trị gia kỳ cựu Sudarat Keyuraphan lãnh đạo, đang thúc đẩy.

7. Cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc biểu tình của giới trẻ

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào cách thế hệ trẻ của Thái Lan quan tâm đến cuộc bầu cử, vì đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc biểu tình do thanh niên lãnh đạo năm 2020 kêu gọi sửa đổi Hiến pháp gây tranh cãi.

Phong trào biểu tình ôn hòa của thanh niên đã gây ra sự thay đổi đáng kể trong diễn ngôn chính trị của Thái Lan, làm nảy sinh các cuộc thảo luận về cải cách đối với các đạo luật bảo hoàng.

Tuy nhiên, chỉ có đảng Tiến lên, được lòng cử tri trẻ tuổi, là có cam kết rõ ràng trong việc thúc đẩy các sửa đổi trong lĩnh vực này, còn các đảng khác đều coi đây là một “điều cấm kị”.

Tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất sẽ thuộc về những người dưới 42 tuổi. Nhóm này chiếm hơn 40% một chút trong số 52 triệu người, với thế hệ Gen Z (từ 18 đến 26 tuổi) chiếm khoảng 13% và Gen Y (từ 27 đến 26 tuổi) chiếm khoảng 29%. Nhóm Gen X (từ 43 đến 58 tuổi) chiếm 1/3 số cử tri.

Thế hệ Baby Boomer (từ 55 đến 77 tuổi) và nhóm cử tri lớn tuổi nhất, còn được gọi là “thế hệ im lặng” (78 đến 98 tuổi), chiếm khoảng 26%.

Một cuộc khảo sát gần đây của Đại học Rangsit thăm dò ý kiến của những người từ 18 đến 26 tuổi cho thấy, ứng cử viên thủ tướng của đảng Tiến lên, ông Pita, đứng đầu sự lựa chọn của cử tri trẻ cho vị trí thủ tướng tiếp theo với 29,2% số người được hỏi ủng hộ. Bà Paetongtarn của Pheu Thai đứng thứ hai với 23% và ông Prayut của UTN chỉ đạt 3,3%.

8. Giới hạn nhiệm kỳ của Thủ tướng Prayut

Hiến pháp hiện hành áp đặt giới hạn 8 năm đối với bất kỳ cá nhân nào làm thủ tướng. Theo các quy định này, ông Prayut chỉ có thể giữ chức Thủ tướng trong hai năm nữa.

Ông Prayut lên nắm quyền với tư cách là người đứng đầu chính phủ quân sự sau khi lật đổ chính phủ Pheu Thai năm 2014. Vì vậy. một số người thuộc phe đối lập cho rằng, ông đáng lẽ phải kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022 sau khi kết thúc 8 năm cầm quyền. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp đã phán quyết rằng nhiệm kỳ của ông chỉ bắt đầu vào năm 2017, khi Hiến pháp hiện hành được ban hành.

Nếu trở lại làm thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2023, ông Prayut nói rằng lãnh đạo đảng UTN Pirapan Salirathavibhaga sẽ kế nhiệm ông trong hai năm còn lại.

Quốc Đạt (Theo Straits Times, Bangkok Post)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/tong-tuyen-cu-thai-lan-2023-8-dieu-can-biet-i326645/