Tonga và vụ thảm họa kép mang nhiều thiệt hại
Ngày 18/1, Chính phủ Tonga xác nhận 3 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị phá hủy sau vụ núi lửa phun trào gây ra sóng thần ở nước này ngày 15/1. Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ở dưới biển tạo ra lượng sét nhiều chưa từng thấy trong lịch sử.
Chỉ vài tuần trước, một ngọn núi lửa dưới biển có thể nhận biết thông qua hai quần đảo không người ở thuộc Vương quốc Tonga bắt đầu phun trào. Ban đầu, vụ phun trào dường như vô hại với những cột tro và chấn động nhỏ mà rất ít người sống ngoài quần đảo có thể nhận thấy.
Nhưng trong vòng 24 giờ, núi lửa có tên Hunga Tonga-Hunga Ha'apai thu hút sự chú ý của cả thế giới.
Sau khoảng thời gian tĩnh lặng vào đầu tháng 1/2021, hoạt động phun trào trở nên ngày càng dữ dội. Phần giữa hòn đảo biến mất trong ảnh vệ tinh.
Những cột tro cao sừng sững thu hút lượng sét kỷ lục. Theo Chris Vagasky, nhà khí tượng học và quản lý ứng dụng sét ở công ty đo lường thời tiết Vaisala ở Phần Lan, 5.000 - 6.000 tia sét giáng xuống núi lửa mỗi phút.
Vụ phun trào núi lửa dưới biển ở Tonga hôm 15/1. (Ảnh: Khoahoc.tv)
Vào sáng sớm ngày 15/1, núi lửa trải qua một vụ nổ cực mạnh. Sóng xung kích lan ra từ hòn đảo ở vận tốc âm thanh. Người dân ở một số nơi tại New Zealand cách đó hơn 2.090 km có thể nghe thấy tiếng nổ siêu thanh. Sóng xung kích di chuyển nửa vòng Trái Đất, truyền tới tận nước Anh ở khoảng cách 16.093km.
Sóng thần nhanh chóng ập đến khiến người dân kinh hoàng. Sóng thần tràn qua Tongatapu, hòn đảo chính của vương quốc, nơi có thủ đô Nuku'alofa, cách núi lửa chỉ vài chục kilomet về phía nam. Đường phố ngập lụt và người dân vội vã sơ tán, kéo theo mạng lưới liên lạc bị gián đoạn. Những cột sóng lướt ngang mặt biển phía tây bắc Thái Bình Dương, tạo ra sóng trào ở Alaska, Oregon, Washington và British Columbia. Các trạm ở California, Mexico, và một số nơi tại Nam Mỹ cũng ghi nhận những cơn sóng thần nhỏ.
Hậu quả của thảm họa kép núi lửa phun trào và sóng thần ở diện rộng. (Ảnh: nld.com.vn)
Trong báo cáo cập nhật chính thức đầu tiên về hậu quả của thảm họa kép núi lửa phun trào và sóng thần, văn phòng Thủ tướng Tonga xác nhận 3 người đã thiệt mạng, trong đó có 1 công dân Anh và một số người bị thương.
Trên đảo Mango, toàn bộ nhà cửa đã bị phá hủy hoàn toàn trong khi trên đảo Fonoifua chỉ còn lại 2 ngôi nhà còn đảo Namuka cũng chịu mức độ tàn phá trên quy mô lớn.
Chính phủ Tonga cho biết hoạt động sơ tán người dân trên các đảo Atata, Mango và Fonoifua đã được thực hiện sau khi núi lửa phun trào.
Hải quân nước này đã vận chuyển nước uống, lương thực và lều cùng đội ngũ y tế tới đảo Ha'apai và vận chuyển thêm đồ cứu trợ tới các đảo Mangao, Fonoifua và Namuka do mức độ thiệt hại nghiêm trọng trên các đảo này.
Bên cạnh đó, vụ phun trào mạnh nhất tại khu vực Thái Bình Dương sau nhiều thập kỷ không chỉ gây sóng thần ập vào các bờ biển Tonga mà còn lan rộng ra nhiều khu vực Nam Thái Bình Dương, kể cả quốc gia xa hơn 2.000km như New Zealand cũng chịu ảnh hưởng.
Các nhà khoa học cho biết tốc độ và lực của vụ nổ "kinh ngạc" đến bất thường so với việc dung nham gặp nước.
Theo nhà khí tượng học người Mỹ Chris Vagasky, miệng núi lửa sẽ tiếp tục nhả khí và các vật chất khác trong vài tuần hoặc vài tháng.
"Sẽ không có gì bất ngờ nếu có thêm những vụ phun trào, dù có thể sẽ không lớn như ngày thứ bảy (15/1)", ông Vagasky nói.
Nhiều nhà nghiên cứu núi lửa so sánh lần phun trào này với ngọn núi lửa Pinatubo ở Philippines năm 1991 - lần phun trào núi lửa lớn thứ hai trong thế kỷ 20 - đã giết chết khoảng 800 người.
"Mối quan tâm lúc này là chúng ta có quá ít thông tin và điều đó thật đáng sợ. Khi miệng núi lửa nằm dưới nước, chúng ta không biết chuyện gì có thể xảy ra", Janine Kripper, nhà nghiên cứu núi lửa người New Zealand, chia sẻ.
Cô cho biết thêm các thiết bị tại chỗ có thể đã bị phá hủy, và cộng đồng trong ngành đang tổng hợp những dữ liệu tốt nhất hiện có để đánh giá vụ nổ và dự đoán các hoạt động của núi lửa trong tương lai.