Top 10 chiến đấu cơ sản xuất nhiều nhất trong CTTG 2

Tất nhiên không phải mẫu máy bay chiến đấu nào được sản xuất nhiều cũng tốt, nhưng nó lại lợi thế lớn trên chiến trường khi số lượng áp đảo chất lượng.

Với nhu cầu cực lớn từ chiến trường các nhà máy chế tạo máy bay trên khắp thế giới đều hoạt động hết công suất trong suốt giai đoạn đầu cho đến khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2, với hàng trăm ngàn chiếc máy bay được chế tạo chỉ trong vòng 5 năm. Đáng lưu ý, có những dòng máy bay chiến đấu được sản xuất lên tới hàng chục ngàn chiếc ngay cả khi nó bị đánh giá chiến đấu kém hiệu quả. Dù vậy điều này không quan trọng lắm khi phi đội chiến đấu cơ của bạn có quân số gấp 10 lần đối phương. Sau đây là 10 dòng chiến đấu cơ được sản xuất nhiều nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Đứng cuối trong danh sách này là mẫu chiến đấu cơ Hawker Hurricane của Không quân Hoàng gia Anh với số lượng được chế tạo là 14.533 chiếc trong giai đoạn 1937-1944. Hawker Hurricane cũng là dòng tiêm kích thành công nhất của Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 khi 60% chiến thắng của Không quân Anh trước Không quân Đức đều dựa vào nó.

Xếp sau Hawker Hurricane lại là kẻ thù của nó - dòng máy bay ném bom Junkers Ju 88 với 15.000 chiếc được chế tạo từ năm 1939-1945 phục vụ chủ yếu trong Không quân Đức cũng có thể xem nó như một máy bay chiến đấu đa năng bởi khả năng mang bom khá hạn chế của nó.

Ju 88 được phát triển thành khá nhiều biến thể khác nhau với Ju 88 A-4 và Ju 88 G-1, trong đó Ju 88G-1 được trang bị hệ thống vũ khí khá mạnh với 4 pháo tự động 20mm hoặc một pháo tự 20mm nòng đôi. Khả năng mang bom của Ju 88 chỉ tầm 3.6 tấn với biến thể Ju 88 A-4.

Ở vị trí thứ 8 là cái tên khá quen thuộc P-51 Mustang - một trong những dòng tiêm kích thành công nhất của Mỹ trong CTTG 2 với số lượng được chế tạo lên tới 15.875 chiếc. Nó được thiết kế và chế tạo chỉ trong vòng 117 ngày trước khi cho ra nguyên mẫu đầu tiên và được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1940.

P-51 cũng là một trong những dòng chiến đấu cơ có tốc độ bay nhanh nhất lúc đó có thể đạt hơn 700km/h với tầm bay chiến đấu 2.700km. Vũ khí chính của P-51 là sáu súng máy M2 12.7mm được lắp ở hai bên cánh đi kèm với đó là cả bom và rocket.

Tiếp theo cũng là một dòng tiêm kích khác của Mỹ là Republic P-47 Thunderbolt - nó cũng khá nổi tiếng trong thời đại của mình với 16.231 chiếc được chế tạo trong giai đoạn 1941-1945. P-47 thường bay nhiệm vụ hộ tống hơn là hoạt động như một máy bay tiêm kích riêng biệt do khả năng tác chiến tầm xa của nó, bên cạnh đó nó có khả năng tấn công mặt đất khá đáng sợ với hơn 1.1 tấn bom có thể mang theo.

Vị trí thứ 6 thuộc về mẫu máy bay ném bom hạng nặng B-24 Liberator cũng của Mỹ với 18.482 chiếc được chế tạo từ năm 1940-1945, nó cũng là dòng máy bay nem bom thành công nhất của Mỹ trong CTTG 2. Một chiếc B-24 trong nhiệm vụ tác chiến tầm xa có thể mang theo 1.2 tấn bom với chặng bay dài 1.900km.

Đứng ở vị trí số 5 là mẫu tiêm kích Supermarine Spitfire của Anh với 20.351 chiếc được chế tạo từ năm 1938-1948. Đây là mẫu chiến đấu cơ thành công nhất trong lịch sử hàng không Anh. Trang bị vũ khí của Spitfire trong chiến đấu cũng khá đa dạng từ súng máy 7.7×56mm cho đến 20mm tuy nhiên nó lại không có khả năng mang bom hay rocket như các dòng chiến đấu cơ của Mỹ.

Nếu Supermarine Spitfire là dòng chiến đấu cơ thành công nhất của Anh thì Focke-Wulf Fw 190 lại là dòng chiến đấu cơ thành công nhất của Đức với 29.001 chiếc được chế tạo từ năm 1941-1945. Trong không chiến Fw 190 còn được đánh giá cao hơn Spitfire, bên cạnh đó nó còn có thể tấn công mặt đất hoặc hộ tống máy bay ném bom tầm xa hay tác chiến ban đêm.

Về vũ khí, Fw 190 được trang bị 2 súng máy 13mm và hai pháo tự động 20mm cùng với đó là một quả bom 500kg treo dưới thân. Không chỉ Đức mà nhiều quốc gia Đồng Minh cũng sử dụng Fw 190 trong Chiến tranh Thế giới thứ trong đó có cả Anh và Mỹ.

Tiếp theo cũng là một dòng chiến đấu cơ khác của Đức là Messerschmitt Bf 109 - lực lượng xương sống của Không quân Đức trong giai đoạn đầu của CTTG 2 với 30.480 chiếc được chế tạo từ cuối những năm 1930. Tuy nhiên đến cuối năm 1941 chúng lại dần bị thay thế bởi Fw 190 và vẫn hoạt động cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Ở vị trí thứ 2 thuộc về dòng chiến đấu cơ Yakovlev Yak-3 của Liên Xô với 31.000 chiếc được chế tạo. Nó là một trong những dòng chiến đấu cơ thành công nhất của Liên Xô trong CTTG 2 được sự tín nhiệm của cả phi công điều khiển lẫn lực lượng hỗ trợ mặt đất. Dù có thiết kế nhỏ gọn và có trọng lượng khá nhẹ nhưng Yak-3 lại không hề thua kém bất cứ mẫu máy bay nào trong không chiến.

Yak-3 cũng có tốc độ bay khá đáng nể lên tới 655km/h và có tầm chiến đấu hiệu quả chỉ 650km, vũ khí chính của nó một pháo tự động 20mm và 2 súng máy 12.7mm. Sau CTTG 2 Yak-3 còn hoạt động trong không quân một số nước Đông Âu trước khi ngưng hoạt động hoàn toàn.

Vị trí đầu bảng thuộc về dòng máy bay tấn công mặt đất Ilyushin Il-2 của Liên Xô với 36.183 chiếc được chế tạo chỉ trong bốn năm từ 1941-1945 và là một trong những dòng chiến đấu cơ được chế tạo nhiều nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Il-2 có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Liên Xô ở Mặt trận phía Đông khi giúp Moscow đánh bại các đợt tấn công của quân Đức trong những trận đánh quyết định nhất.

Il-2 có thiết kế hai chỗ ngồi với một phi công và một xạ thủ súng máy ở sau, nó được trang bị hệ thống vũ khí khá đa dạng từ súng máy 7.62mm cho đến pháo tự động 23mm, ngoài ra Il-2 còn có thể mang theo cả bom hoặc rocket tùy thuộc vào từng nhiệm vụ với tải trọng tối đa là 600kg.

Trà Khánh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/top-10-chien-dau-co-san-xuat-nhieu-nhat-trong-cttg-2-763715.html