Top 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2019

Năm 2019 ghi nhận thêm nhiều 'điểm nóng' mới về chính trị, cuộc chiến thương mại - công nghệ - quân sự tạo hiệu ứng domino toàn cầu và nhiều thảm họa thiên tai.

Sau đây 10 sự kiện gây biến động thế giới năm qua do VTV24 bình chọn:

Cuộc chiến giành vị thế giữa Mỹ và Trung Quốc

Năm 2019, thế giới chứng kiến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung leo thang chóng mặt. 550 tỷ USD là giá trị hàng hóa của Trung Quốc đã bị Mỹ áp thuế. Nhằm trả đũa, Trung Quốc cũng áp thuế với 185 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Cuộc chiến thuế giữa hai người khổng lồ đã tạo ra "hiệu ứng domino" toàn cầu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng trong cuộc cạnh tranh ngôi vị trong lĩnh vực thương mại, năm nay, Washington cũng đã phát động làn sóng cấm các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei, mua linh kiện từ Mỹ. Dẫn những lo ngại về an ninh, Washington đã kêu gọi các đồng minh tẩy chay Huawei. Dù thế, vẫn còn khá ít quốc gia hưởng ứng ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ nhằm đẩy Huawei ra khỏi kế hoạch phát triển hệ thống mạng 5G.

Brexit vẫn chưa có lối thoát

2019 đánh dấu năm thứ ba nước Anh vẫn vật lộn trong tiến trình "dứt áo ra đi" khỏi EU. Hạn chót ngày 30/3 trôi qua mà "con tàu" Brexit vẫn chưa đến đích do những bất đồng về thỏa thuận đạt được với EU, hay những tranh cãi nội bộ giữa "đi hay ở". Điều duy nhất thay đổi là "con tàu" nước Anh đã có một thuyền trưởng mới.

Với thế thắng sau bầu cử, Thủ tướng Boris Johnson đang quyết tâm thực hiện lời hứa chèo lái con tàu Brexit đến đích vào đúng ngày 31/1/2020.

Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang suýt biến thành xung đột

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã suýt leo thang thành xung đột quân sự trong năm nay sau khi khu vực eo biển Hormuz án ngữ Vịnh Oman "nóng lên" trên bản đồ thế giới với các vụ tấn công và bắt giữ tàu chở dầu.

Việc Washington cáo buộc Tehran tấn công các tàu chở dầu trên Vịnh Oman tấn công 2 nhà máy lọc dầu tại Arab Saudi đã khiến cục diện trở nên khó lường, phản ánh cuộc đối đầu địa chiến lược tại Vùng Vịnh, sau khi Mỹ chuyển hướng chính sách nhằm vào Iran.

Khủng bố mang yếu tố thù hận tôn giáo gia tăng

Năm 2019, các vụ khủng bố mang tư tưởng thù hận tôn giáo, phân biệt chủng tộc gióng lên hồi chuông cảnh báo. Tháng 3/2019, New Zealand xáo động vì vụ xả súng tấn công người Hồi giáo đang cầu nguyện tại hai nhà thờ ở thành phố Christchurch, khiến 51 người thiệt mạng. Vụ xả súng này đã trở thành "nguồn cơn" của hàng loạt những vụ khủng bố khác trên thế giới.

Loạt vụ tấn công các nhà thờ tại Sri Lanka sau đó khiến gần 300 người thiệt mạng, lý do được cho là nhằm trả đũa cho vụ việc ở Christchurch. Vụ xả súng kinh hoàng tại thành phố El Paso, bang Texas, Mỹ khiến 22 người thiệt mạng, khi thủ phạm tuyên bố đã lấy "cảm hứng" từ vụ tấn công tại Christchurch. Năm 2019 cũng là năm chứng kiến số vụ bạo lực liên quan đến súng đạn tại Mỹ còn nhiều hơn cả số ngày trong năm.

"Trái tim" của Paris rỉ máu

Nước Pháp và thế giới đã cùng chung tâm trạng đau lòng sau khi chứng kiến biển lửa nuốt trọn Nhà thờ Đức Bà Paris - biểu tượng văn hóa lâu đời của nước Pháp. Đã 8 tháng trôi qua kể từ khi ngọn lửa tàn phá, nhà thờ vẫn ngập trong giàn giáo và đổ nát.

Ảnh: Reuters.

Ảnh: Reuters.

Sau 2 thế kỷ tồn tại, Pháp đã lần đầu tiên không tổ chức thánh lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Đức Bà Paris, khi nỗ lực hồi sinh biểu tượng này vẫn còn gian truân.

Năm "giặc lửa" hoành hành

Đó là những đám cháy rừng khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử tại Brazil, Indonesia, Mỹ, Australia. Lá phổi xanh của trái đất rừng Amazon đã oằn mình trước ngọn lửa và không có cách gì kiểm soát.

Thông điệp cảnh báo về nguy cơ Trái đất nóng lên trở nên rõ ràng hơn trong năm nay với nhiều "kỷ lục" đáng buồn như: mùa hè nóng nhất, cháy rừng bùng phát tại Bắc Cực và lượng khí CO2 thải ra nhiều nhất trong lịch sử.

Châu Á "ngạt thở" vì khói bụi ô nhiễm

Ô nhiễm không khí là câu chuyện chung của nhiều quốc gia châu Á năm nay. Đốt nương rẫy, thói quen đốt than đá, sử dụng phương tiện giao thông phát thải cao, khí thải từ nhà máy…đã khiến bầu không khí tại nhiều nước trở nên ngạt thở. Bụi mịn PM 2.5 bao vây, chất lượng không khí luôn ở ngưỡng độc hại dù là trong nhà hay ngoài trời, khiến vật bất ly thân của nhiều người giờ đây là... khẩu trang.

Giới trẻ đứng dậy chống biến đổi khí hậu

Bất chấp những động thái được coi là bước lùi trong cuộc chiến biến đổi khí hậu như Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris hay Hội nghị COP25 không nhất trí được lộ trình thực hiện thỏa thuận này, năm 2019 chứng kiến làn sóng giới trẻ lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng khẩn cấp của khí hậu.

Từ châu Âu, Mỹ đến châu Á, giới trẻ đã xuống đường để thể hiện quyết tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Đông Nam Á quyết không là bãi rác của thế giới

Năm 2019, các nước Đông Nam Á đã gửi trả rác cho các nước phát triển. Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines… đều siết chặt dòng chảy rác thải, đồng loạt trả lại hàng trăm container chứa rác cho các nước phát triển.

Các hãng công nghệ ngập trong bê bối về nội dung xấu, độc

Năm 2019, ranh giới giữa thật và giả, hữu ích và độc hại trong các nội dung trực tuyến ngày càng mong manh. Facebook đã trở thành "gương mặt vàng trong làng bê bối" của giới công nghệ khi để cho nạn tin giả, tin sai lệch cũng như những video độc hại hoành hành.

Dưới sức ép của chính phủ và dư luận các nước, các hãng công nghệ lớn như Facebook, Google đã phải chịu sự ràng buộc về trách nhiệm kiểm soát và kiểm chứng các nội dung lan truyền trực tuyến.

Theo vtv.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/top-10-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2019/20191230052825410