Top 20 lần 'nhập nhằng' giữa bóng đá và chính trị

FIFA và UEFA vừa đưa ra án phạt cấm tham dự các giải đấu của bóng đá Nga. Trong lịch sử đã từng có nhiều lần bóng đá bị ảnh hưởng bởi chính trị.

1. Mussolini đưa Italia vô địch World Cup 1934?

Mussolini đã quyết định sử dụng World Cup năm 1934 trên quê nhà như một sự quảng bá cho đảng phát xít của mình. Ông trùm phát xít Ý cũng không quên làm một chiếc cúp để dành riêng cho sự kiện này, đó là chiếc cúp Coppa Del Duce, với kích thước gấp sáu lần chiếc cúp của của Jules Rimet. Và cho đến nay, vẫn có những cáo buộc cho rằng giải đấu đã được ấn định để đội tuyển Ý của Mussolini lên ngôi vô địch.

2. Matthias Sindelar & cái chết nhiều nghi vấn

Áo từng là một trong những đội bóng xuất sắc nhất trong thập niên 1930, nhưng sau khi bị Đức quốc xã sát nhập, “Wunderteam” đã buộc phải rút khỏi World Cup và hợp nhất với Đức. Tiền đạo ngôi sao của đội tuyển Áo, Matthias Sindelar đã phản đối sự mất độc lập của nước mình bằng cách viện cớ tuổi già và từ chối chơi cho đội tuyển Đức. Năm 1939, Sindelar và bạn gái đã thiệt mạng trong căn hộ của ông do bị rò rỉ khí gas. Cho đến nay, những bí mật xung quanh cái chết của Sindelar vẫn là điều gây tranh cãi.

3. Cuộc chiến vì độc lập của Algeria

Năm 1958, khi cuộc kháng chiến giành độc lập trước Pháp đang diễn ra tại Algeria, ĐT Pháp đã triệu tập một số cầu thủ Algeria đang chơi trong giải bóng đá Pháp để chuẩn bị cho World Cup tổ chức ở Thụy Điển. Tuy nhiên, thay vì tham dự một trận đấu giao hữu với Thụy Sĩ, họ quyết định chạy trốn khỏi nước Pháp, tập trung tại trụ sở của Mặt trận Giải phóng Quốc gia ở Tunisia và cho ra đời một đội tuyển quốc gia “bất hợp pháp”, cho dù có nguy cơ bị bắt giữ vì quá trình đào ngũ này.

4. Chiến tranh nổ ra vì... 1 trận bóng

Cuộc “Chiến tranh bóng đá” giữa Honduras và El Salvador năm 1969 có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất về tầm ảnh hưởng quá lớn của môn thể thao vua. Hai quốc gia Trung Mỹ này đã lao vào một cuộc chiến tranh kéo dài trong 4 ngày khiến hơn 3.000 người thiệt mạng sau trận đấu giữa hai đội tại vòng loại World Cup 1970.

5. Suýt không thể về nhà vì thua nhiều

ĐT Zaire là quốc gia Châu Phi vùng hạ Sahara đầu tiên được tham dự World Cup, đã bị hạ nhục tới 0-9 bởi Nam Tư cũ sau khi thua Scotland với tỉ số 0-2. Sau hai trận thua đó, họ được những người thân cận của tổng thống Mobutu cho biết rằng nếu họ thua Brazil cách biệt quá 3 bàn, họ sẽ không được phép trở về nhà. Ở trận đấu cuối, Zaire may mắn chỉ thua Brazil đúng 0-3 và họ có thể lên đường về nước an toàn.

6. Cuộc chiến Đông Đức - Tây Đức

Trận đấu giữa Đông Đức và Tây Đức tại World Cup 1974 có lẽ là trận đấu mang đậm màu sắc chính trị nhất mọi thời đại. Sau thế chiến thứ hai, nước Đức bị chia cắt đã trở thành sân khấu chính cho cuộc Chiến tranh lạnh, và trận đấu ở Hamburg năm 1974 chính là tượng trưng cho sự đối đầu giữa hai hệ tư tưởng. Mặc dù đây chỉ là trận đấu mang ý nghĩa thủ tục do cả hai đội đều đã vượt qua vòng đấu bảng, nhưng điều đó không làm giảm bớt sự căng thẳng xung quanh trận đấu.

7. Argentina đổi ngũ cốc lấy vinh quang

Theo một bài viết năm 1986 của nhà báo Maria Laura Avignolo, chính quyền quân sự Argentina đã sử dụng biện pháp hối lộ và hăm dọa để giành chiếc chức vô địch World Cup 1978. Tại lượt thi đấu cuối cùng của vòng đấu bảng, Argentina cần đánh bại Peru 4 bàn cách biệt để giành quyền đi tiếp. Sau đó, Argentina đã đánh bại Peru với tỉ số 6-0 để vào vòng sau rồi thẳng tiến tới chức vô địch. Avignolo cũng cho biết rằng chỉ vài tuần sau trận đấu với Peru, một lô hàng 35.000 tấn lúa mì đã rời Argentina để cập bến Lima và chế độ quân sự đã ban hành khoản vay không lãi suất trị giá 50 triệu USD cho chính phủ Peru.

8. Maradona và 'màn rửa hận' vì chiến tranh

Huyền thoại bóng đá Maradona từng nói mình “cướp của kẻ cướp”, khi ghi bàn thắng quan trọng giúp Argentina đánh bại Anh tại World Cup 1986, thời điểm sau khi hai nước căng thẳng vì vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Trước đó 4 năm, Anh và Argentina đã nổ ra cuộc chiến kéo dài hơn 2 tháng vào năm 1982 để tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Falkland (Argentina gọi là Las Malvinas).

9. Cuộc cách mạng bóng đá của Iran

Trận đấu giữa Mỹ và Iran tại World Cup 1998 đã thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới bởi sự hiềm khích trong mối quan hệ giữa hai quốc gia này sau cách mạng Hồi giáo năm 1979. Cả hai bên đã dành cho nhau sự tôn trọng bằng việc trao đổi hoa, quà tặng và chụp ảnh với nhau trước trận đấu. Trận đấu kết thúc với phần thắng 2-1 dành cho đội tuyển Iran, và ở quê nhà hàng trăm ngàn thanh thiếu niên, kể cả phụ nữ, đã tham gia vào lễ hội ăn mừng chiến thắng trên các đường phố bất chấp những lời cảnh báo từ chính phủ.

10. Dàn sao Nam Tư bị phạt vì ủng hộ quê nhà

Năm 1999, khi NATO và đồng minh oanh tạc Nam Tư cũ, đã có rất nhiều phản ứng của giới bóng đá với cuộc chiến này. Ở Madrid, trước cửa đại sứ quán Mỹ, tiền đạo Mijatovic khoác lá cờ Nam Tư trên mình và đứng đó thể hiện sự phản đối. Ở Nhật, Stojkovic kéo tấm áo đấu lên mỗi khi ghi bàn để bày tỏ thông điệp “NATO, hãy ngừng oanh tạc’. Ở Ý, hậu vệ Mihajlovic của Lazio cũng mặc chiếc áo tương tự, với dòng chữ “NATO, dừng ném bom”. Và Mihajlovic đã bị FIFA ra án phạt về hành vi của mình, với phán quyết gắn đến hai chữ “chính trị”.

11. World Cup 2006 để đoàn kết nước Đức

Tại World Cup 2006, khẩu hiệu của giải đấu là “A time to make friends” (Thời khắc kết giao bạn hữu). Các nhà tổ chức giải đấu của Đức đã đặt ra mục tiêu thu hút sự chú ý của toàn thế giới, và trong quá trình này, người Đức cũng đã học được cách tự yêu mình. Sự kết hợp của một mùa hè sôi động và phong cách chơi bóng đẹp mắt của huấn luyện viên Jurgen Klinsmann đã mang đến một tâm lý tích cực cho người dân Đức, và giúp họ đoàn kết lại trong tinh thần yêu nước - hay như các phương tiện truyền thông địa phương chơi chữ: “Chủ nghĩa tiệc tùng”.

12. Căng thẳng xung quanh trận đấu Hàn Quốc - Triều Tiên

Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều thành công trong việc giành vé tham dự World Cup 2010 tại Nam Phi, nhưng đã có rất nhiều tranh cãi gay gắt xung quanh trận đấu của 2 đội bóng này. FIFA cuối cùng buộc phải can thiệp sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ không cho phép bài quốc ca của Hàn Quốc được chơi hay lá cờ của Hàn Quốc được xuất hiện trên lãnh thổ của họ. Cuối cùng, trận đấu diễn ra tại Thượng Hải, nơi Triều Tiên lựa chọn là sân “nhà” của họ.

13. Ngoại giao bóng đá giữa những kẻ cựu thù

Cuộc chạm trán giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ tại vòng loại World Cup 2008 đã được sử dụng như một biện pháp nối lại hòa bình giữa hai quốc gia này. Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia đã cùng nhau dự khán trận đấu giữa hai đội tại vòng loại World Cup sau gần một thế kỷ thù địch kể từ vụ tàn sát hàng trăm ngàn người Armenia gây ra bởi người Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến thứ nhất. Và cuối cùng, dù cả hai đội đều không thể giành vé đến Nam Phi, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến mối quan hệ đang dần được cải thiện của cả đôi bên.

14. Scandal của Platini

Cựu chủ tịch UEFA Michel Platini từng bỏ phiếu trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar, vài tuần sau khi gặp Nicolas Sarkozy, người lúc đó là Tổng thống Pháp. Theo lời tố của cựu chủ tịch FIFA Blatter, Platini trước đó đã đồng ý và thống nhất sẽ trao quyền đăng cai cho nước Mỹ. Vị này đã thay đổi khi gặp Ngài Sarkozy tại Paris và một số quan chức chính phủ cao cấp của Qatar.

15. Indonesia bị phạt vì để chính trị ảnh hưởng bóng đá

Năm 2015, FIFA đã thông qua việc xử phạt bóng đá xứ Vạn đảo vì LĐBĐ Indonesia (PSSI) bị chính phủ nước này cấm hoạt động. Dù sau đó, PSSI đã được phép trở lại hoạt động bình thường, nhưng sau khi xem xét vụ việc thì cơ quan điều hành bóng đá thế giới vẫn quyết định sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc của mình. Cụ thể, đó là quy tắc cấm dùng ảnh hưởng chính trị can thiệp vào LĐBĐ quốc gia.

16. Nga cấm các CLB chiêu mộ cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ

Năm 2015, LĐBĐ Nga gây ra sự phẫn nộ với lệnh cấm các CLB nước này chiêu mộ cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ chiếc tiêm kích Su-24 của Nga bị chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ gần biên giới Syria khiến một phi công thiệt mạng.

17. Nga giành quyền đăng cai World Cup 2018 đầy tranh cãi

Giới truyền thông phương Tây nhiều lần khẳng định Tổng thống Nga, Vladimir Putin, muốn dùng World Cup 2018 như một nước bài chính trị. Ngay trước thềm giải đấu, nhiều quốc gia phương Tây bị Nga cáo buộc là cố ý phá hoại World Cup 2018. Đến ngày khai mạc, người ta bắt gặp hình ảnh Tổng thống Putin xuất hiện trên khán đài sân Luzhniki. Bên cạnh ông là Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, kế đó là Mohammad bin Salman - thái tử Saudi Arabia. Hình ảnh này mang đậm sắc thái chính trị, khi Chủ tịch Infantino là cầu nối cho đại diện hai quốc gia, hay nói cách khác là hai cực của thế giới bởi Saudi Arabia là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.

18. 2 sao Thụy Sỹ ăn mừng đậm màu sắc chính trị

Ngay ở World Cup 2018, những thông điệp chính trị đã được gửi đến từ trong hay sau các trận đấu. Trong trận đấu với Serbia, Granit Xhaka và Xherdan Shaqiri có màn ăn mừng đậm chất chính trị với biểu tượng "đại bàng hai đầu" của Albania, như một cách để phản đối Serbia.

19. Hy hữu kết quả đăng cai World Cup 2026

Trong quá trình giành quyền đăng cai World Cup 2026, Liên minh Mỹ, Canada và Mexico phải cạnh tranh với Morocco. Trước đợt bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết lên Twitter cá nhân với đại ý: 'Tại sao chúng ta phải giúp đỡ những kẻ không giúp đỡ chúng ta?" Đó là lời cảnh báo của Tổng thống Trump với các đồng minh liên quan đến việc bỏ phiếu giành quyền đăng cai World Cup 2026. Rốt cuộc, liên minh Bắc Mỹ đã giành chiến thắng với số phiếu áp đảo.

20. FIFA và UEFA cấm Nga tham dự các giải đấu vì cuộc chiến với Ukraine

Ngày 3/1/2022, FIFA thông báo cấm Nga tham dự toàn bộ các giải đấu do mình tổ chức, trong đó bao gồm World Cup 2022. Không chỉ FIFA, UEFA cũng có động thái của riêng mình. UEFA xác nhận đã hủy bỏ hợp đồng với công ty năng lượng Nga Gazprom. CLB Spartak Moscow đang dự Europa League cũng sẽ bị loại khỏi giải đấu ngay lập tức.

Đăng Nguyên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/top-20-lan-nhap-nhang-giua-bong-da-va-chinh-tri-a544707.html