Top 5 công việc phù hợp với sinh viên kinh tế

Lựa chọn khối ngành kinh tế luôn được đa số các bạn trẻ hiện nay ưu tiên bởi tính đa dạng của ngành nghề. Vậy khi ra trường, sinh viên kinh tế có thể làm những công việc gì?

Dưới đây là một số công việc phù hợp mà bạn có thể tham khảo.

Nhân viên kinh doanh (Sales)

Nhân viên bán hàng hay còn gọi là nhân viên kinh doanh là vị trí đang được hầu hết các doanh nghiệp săn đón, cả hình thức việc làm tại nhà và trực tiếp ở công ty. Đây chính là công việc mang lại doanh thu, lợi nhuận trực tiếp cho công ty và được hưởng những quyền lợi đặc biệt khi hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Đối với sinh viên kinh tế mới ra trường, nếu chưa định hướng được ngành nghề công việc mình theo đuổi thì đa số các bạn đều sẽ lựa chọn làm nhân viên kinh doanh. Không thể phủ nhận rằng, sau một thời gian đảm nhận vị trí này, các kỹ năng mềm của bạn sẽ phát triển một cách nhanh chóng và dần định hướng được hướng đi của mình.

Công việc chủ yếu của bạn là giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của mình tới các khách hàng tiềm năng, từ đó thúc đẩy doanh số cho doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa khách hàng và công ty. Nếu muốn trở thành một nhân viên kinh doanh giỏi, bạn cần phải liên tục vượt ra khỏi vùng an toàn, học thêm các kỹ năng mềm, trau dồi hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ mà công ty cung cấp. Đồng thời rèn luyện thái độ, tính kiên nhẫn và khả năng xử lý tình huống trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Khả năng thăng tiến của công việc này cũng rất rộng mở cho các bạn yêu thích bán hàng, bạn có thể sẽ đảm nhận các vị trí cao hơn trong công ty nếu làm tốt, ví dụ như Trưởng phòng kinh doanh, Giám đốc kinh doanh…

Kế toán/Kiểm toán

Kế toán là công việc đòi hỏi kỹ năng phân tích, tư duy logic cao. Người đảm nhận công việc này thường sẽ giám sát và theo dõi các hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Bạn cần phải ghi chép, phân loại và truyền đạt các dữ liệu tài chính.

Trong khi đó, kiểm toán là công tác liên quan đến thu thập, đánh giá, xác thực các bằng chứng liên quan đến thông tin tài chính của các công ty, từ đó sẽ đưa ra đánh giá các thông tin đó dựa trên các quy định của nhà nước, doanh nghiệp nói chung.

Nhân viên Marketing

Marketing là ngành nghề mà các bạn trẻ gen Z hiện nay đang lựa chọn rất nhiều bởi tính đa dạng và sáng tạo. Marketing bao gồm các công việc liên quan đến tiếp thị, truyền thông và quảng cáo. Marketing hiện đại có rất nhiều cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau.

Marketing rất rộng và gồm nhiều mảng lớn khác nhau. Ở mỗi mảng, bạn có thể đi lên từ vị trí thấp nhất là thực tập sinh (intern), fresher (người chưa có kinh nghiệm), junior (có ít kinh nghiệm) hoặc senior (người có nhiều năm kinh nghiệm).

Marketing được chia làm các mảng chính:

Marketing Research (Nghiên cứu)
Branding (Xây dựng thương hiệu)
Advertising (Quảng cáo)
PR (Quan hệ công chúng)
Trade Marketing (Marketing tại điểm bán)
Digital Marketing (Marketing trên nền tảng số)
Growth Marketing (Tiếp thị tăng trưởng)

Nếu bạn là người yêu thích sự năng động, sáng tạo thì Marketing luôn là một lựa chọn hàng đầu với mức lương khởi điểm khá cao.

Nhân viên Nhân sự

Bộ phận nhân sự là phòng ban quan trọng hàng đầu trong công ty đảm nhận những đầu việc lớn như tuyển dụng, đào tạo nhân sự, đưa ra chính sách đãi ngộ và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Ở các doanh nghiệp lớn, bạn sẽ phụ trách một trong 4 lĩnh vực này, tuy nhiên, ở các công ty vừa và nhỏ, bạn thường có cơ hội đảm trách nhiều mảng cùng lúc, bao gồm cả công việc hành chính. Đây là một ngành nghề luôn cần nhiều nhân sự lành nghề. Trong thời đại AI phát triển nhưng một số ngành nghề sẽ khó thay thế, trong đó có ngành Nhân sự.

Cố vấn kinh tế – tài chính

Với vị trí này, bạn có thể làm việc tự do với các đối tác hoặc là chuyên viên cố vấn tài chính cho công ty. Việc làm này đòi hỏi bạn cần nhiều kinh nghiệm và kiến thức tài chính để có thể đảm nhiệm vì bạn phải đưa ra lời khuyên giúp các doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng tài chính.

Ngoài ra còn một số các công việc khác mà sinh viên kinh tế có thể tìm hiểu khi đã có kiến thức nền tảng và kinh nghiệm, kiến thức tốt hơn như nhà kinh tế học, nhà đầu tư, nhân viên đối ngoại…

Cho dù chọn bất kỳ nghề nghiệp nào, bạn cũng sẽ cần một hồ sơ xin việc xuất sắc. CareerLink luôn có các mẫu CV chuyên nghiệp và hướng dẫn tạo CV hiệu quả sẽ giúp con đường tìm được việc làm ưng ý của bạn trở nên suôn sẻ hơn.

Hà Phương

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/top-5-cong-viec-phu-hop-voi-sinh-vien-kinh-te-1600105.html