Top 5 phim Trung Quốc thuộc hàng kinh điển: Đạo diễn thân thiết với Triệu Lệ Dĩnh đóng góp tới 3 phim
Dưới đây là 5 bộ phim Trung Quốc hay nhất mọi thời đại, được xếp vào hàng phim kinh điển của Trung Quốc khi giành nhiều giải thưởng cũng như lọt các bảng xếp hạng danh giá.
Mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh - AMPAS đã bất ngờ công bố sẽ chiếu lại 5 phim Trung Quốc thuộc top kinh điển của nền điện ảnh Hoa ngữ. Theo danh sách này, 5 bộ phim được chính thức công nhận là các tác phẩm điện ảnh bất hủ trong nền sản xuất phim ảnh Trung Quốc đã chính thức lộ diện. Điểm đặc biệt trong danh sách này chính là sự đóng góp to lớn của vị đạo diễn nổi tiếng thân thiết với Triệu Lệ Dĩnh, dù nữ diễn viên thuộc lứa tiểu hoa 85 này chưa đủ xuất sắc để góp mặt trong danh sách này.
1. Đèn Lồng Đỏ Treo Cao

Phim Trung Quốc Đèn lồng đỏ treo cao tiếp tục chứng tỏ tài năng chín muồi của Củng Lợi ở tuổi đôi mươi khi hóa thân nhân vật có nội tâm phức tạp (Ảnh: AMPAS).
Đèn lồng đỏ treo cao (Raise the red lantern) do Trương Nghệ Mưu đạo diễn, ra đời cách nay đã gần 35 năm. Thế nhưng cho đến nay, hễ bàn về địa hạt điện ảnh, bộ phim Trung Quốc này vẫn luôn được nhiều người đề cập.
Bối cảnh phim diễn ra vào năm 1920 tại Trung Quốc, khi cô gái 19 tuổi Tùng Liên (Củng Lợi) bỏ học và làm vợ tư cho một người đàn ông giàu có. Thời khắc êm đềm sau đám cưới chóng trôi qua khi Tùng Liên biết mình phải cạnh tranh sự sủng ái với những người vợ khác. Mỗi đêm, cô vợ nào được chồng lựa chọn thì trước phòng sẽ thắp đèn lồng. Ai qua đêm cùng ông ta thì ngày hôm sau sẽ được hưởng một số đặc quyền trong gia đình. Trong ngôi biệt phủ cao sang và rộng lớn, những người đàn bà lao vào cuộc tranh đoạt chỉ để tạo ra những bi kịch xé lòng.
Với Đèn lồng đỏ treo cao, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã thật sự bật lên thành một tiếng nói đại diện cho phim ảnh Trung Quốc. Trương Nghệ Mưu đã khéo léo hòa quyện câu chuyện lớn của thời đại vào câu chuyện nhỏ của một cá nhân. Bên cạnh đó, Đèn lồng đỏ treo cao mê hoặc lòng người không chỉ nhờ câu chuyện mà còn ở nghệ thuật quay phim, sử dụng màu sắc và đặt ẩn ý vào hình ảnh. Từng sự lựa chọn của Trương Nghệ Mưu đều đắt giá và phục vụ cho ý tưởng tổng thể của bộ phim.
2. Cúc Đậu

Cúc Đậu mở đầu những bước thăng trầm trong sự nghiệp của đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Ảnh: AMPAS).
Không mấy suôn sẻ khi công chiếu ở Trung Quốc nhưng lại rất thành công ở thị trường nước ngoài, Cúc Đậu – đại diện đầu tiên của điện ảnh Trung Quốc trong đề cử Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất sau 40 năm nước này mở cửa với bên ngoài, đã mở đầu những bước thăng trầm trong sự nghiệp của đạo diễn Trương Nghệ Mưu…
Ban đầu bộ phim Trung Quốc này lấy tên là Tiếng Rên, sau đó được đổi thành Cúc Đậu. Chuyện phim kể về một bi kịch gia đình ở nông thôn Trung Quốc những năm 1920. Cúc Đậu là tên của một phụ nữ phải vật lộn với số phận thiên định trong một xã hội đầy những hủ tục phong kiến.
Bộ phim cực kỳ ít nhân vật với chỉ 3 nhân vật chính và 1 đứa trẻ lớn lên theo từng thời kỳ. Củng Lợi (vai Cúc Đậu), Lý Vỹ (vai Dương Kim Sán – chủ lò nhuộm). Do bộ phim rất ít lời thoại và nặng về diễn xuất nội tâm phức tạp, nên Trương Nghệ Mưu mời Dương Phượng Lương – một người bạn rất thân, đã tốt nghiệp Khoa Diễn xuất của Học viện Kịch nghệ Thượng Hải năm 1982 – làm đồng đạo diễn với mình. Công việc của Dương là giải thích cảnh quay và giao tiếp gần gũi với các diễn viên. Trương đứng sang một bên quan sát rồi sau đó hiệu chỉnh lại – điều chỉnh này giữ cho ông được bình tĩnh và sáng suốt.
3. Thập Diện Mai Phục

Trương Tử Di gây sốt trong siêu phẩm phim Trung Quốc Thập Diện Mai Phục (Ảnh: AMPAS).
Thập Diện Mai Phục – (The house of flying daggers) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu khởi chiếu tại Cannes, Hồng Kông, Trung Quốc và Mỹ vào năm 2004 đã gây được tiếng vang lớn cho nền điện ảnh Trung Quốc và Hồng Kông tại phương Tây và khắp châu Á với sự kết hợp tuyệt vời của bộ ba ngôi sao Trung Quốc đại lục – Hong Kong – Đài Loan Trương Tử Di (Zhang Ziyi), Kim Thành Vũ (Takeshi Kaneshiro) và Lưu Đức Hoa (Andy Lau).
Ba ngôi sao điện ảnh trong Thập Diện Mai Phục hóa thân vào những nhân vật với biến hóa nội tâm trong khoảng thời gian ba ngày đã bày ra một bữa tiệc sắc màu với những gam màu rực rỡ của trang phục các cô gái ở Lầu Hồng, màu xanh mướt của rừng trúc và đồng phục Phi Đao Môn, màu trắng muốt của cánh đồng hoa, màu vàng tươi của rừng cây mùa Thu và trắng của tuyết rơi.
Ngoài những cảnh kiếm hiệp chuyên nghiệp trong rừng trúc, đạo diễn Trương Nghệ Mưu còn mang đến cho khán giả những thước phim tuyệt đẹp ngay từ những đoạn đầu phim nhờ màn múa trống chuyên nghiệp của diễn viên chính Chương Tử Di. Bộ phim còn là sự kết hợp đa văn hóa, đa quốc gia với nhiều yếu tố kỹ thuật như khung cảnh quay ở Ukraina, phục trang do người Nhật thiết kế và âm nhạc do người Mỹ hòa phối khiến bộ phim có khả năng thỏa mắt nhìn, suy tưởng và xúc cảm của khán giả ở nhiều nền văn hóa khác nhau.
Với kinh phí làm phim 12 triệu đô la và thời lượng chiếu là 119 phút, bộ phim đã mang về doanh thu phòng chiếu 93 triệu đô la và danh tiếng mở rộng cho ê kíp làm phim khi nhận về vô vàn giải thưởng quốc tế và những đánh giá tích cực của truyền thông: Phim nước ngoài hay nhất, đạo diễn hay nhất, quay phim đẹp nhất (Broadcast Film Critics Association Awards, Los Angeles Film Critics, Boston Film Critics), Hiệu ứng hình ảnh tốt nhất, diễn viên nữ chính tốt nhất, trang phục đẹp nhất, trang điểm đẹp nhất, âm thanh hay nhất (BAFTA Awards) Bộ phim của năm, Đạo diễn của năm (London Film Critics Circle) và nhiều giải thưởng khác.
4. Bá Vương Biệt Cơ

Vai diễn của Trương Quốc Vinh trong Bá Vương Biệt Cơ vẫn khiến khán giả thổn thức mỗi lần nhìn lại (Ảnh: AMPAS).
Bá vương biệt cơ là bộ phim Trung Quốc được nhiều khán giả xem lại mỗi dịp 1/4 - kỷ niệm ngày mất Trương Quốc Vinh. Trên các diễn đàn phim, nhiều khán giả nói mỗi lần xem lại, vẫn chìm đắm vào nội dung, cử chỉ của các nhân vật trong tác phẩm, nhói đau vì chuyện đời Trình Điệp Y (Trương Quốc Vinh đóng).
Mtime nhận xét phim mang sức sống lâu bền, là tác phẩm đỉnh cao trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ. Từ khi ra mắt đến nay, tác phẩm nhiều lần vào danh sách Phim hay nhất, Phim được yêu thích nhất do truyền thông Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... bình chọn.
Trên Ifeng, Lô Vy - một trong hai biên kịch phim (người còn lại là Lý Bích Hoa, tác giả truyện Bá vương biệt Cơ), kể hành trình thực hiện tác phẩm, tiết lộ bộ phim về đề tài tình yêu đồng giới suýt không được ra rạp Trung Quốc. Lô Vy cho rằng phim thành công nhờ đề cao tình yêu thương giữa con người. Phim không nêu cao một chủ nghĩa nào, không răn dạy, giáo huấn người xem điều gì.
5. Tâm Trạng Khi Yêu

Tâm Trạng Khi Yêu – Kiệt tác điện ảnh châu Á về mối tình đầy day dứt "sống để dạ, chết mang theo" (Ảnh: AMPAS).
Tâm trạng khi yêu là một tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Châu Á, khiến giới phê bình điện ảnh quốc tế phải ngưỡng mộ và đánh giá là phim hay hàng đầu của thế kỷ 21. Trong phim không có một cảnh nóng, không có một nụ hôn, nhưng cồn cào da diết đến ám ảnh.
Để nói về giải thưởng, Tâm trạng khi yêu không có duyên với các giải thưởng lớn, đáng kể, phim chỉ từng được đề cử ở hạng mục Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes (Pháp) và đoạt giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại giải thưởng điện ảnh César (Pháp).
Dù vậy, Tâm trạng khi yêu của Vương Gia Vệ - vị đạo diễn 58 tuổi người Hồng Kông - cho tới hôm nay vẫn không thôi quyến rũ người xem. Phim Trung Quốc này là một câu chuyện tình đẹp và buồn, khá xa lạ với văn hóa phương Tây, nhưng vẻ đẹp duy mỹ của mỗi khuôn hình, cùng vẻ đẹp ý vị của chuyện phim khiến ngay cả giới phê bình phương Tây cũng phải choáng ngợp.
Tâm trạng khi yêu lấy bối cảnh Hồng Kông thập niên 1960 với diễn xuất của hai ngôi sao - Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc. Chuyện phim kể về hai người hàng xóm, một người đàn ông - một người đàn bà. Họ cùng dọn nhà tới một khu chung cư trong cùng một ngày. Đó là hai cặp vợ chồng tưởng như không hề quen biết, cùng đến thuê hai căn buồng của hai gia đình sát vách. Dần dần, hai người họ cùng phát hiện ra rằng người vợ, người chồng của mình đều đang lừa dối mình…