Top điểm đến văn hóa, lịch sử hút khách dịp lễ 30/4 tại TP. Hồ Chí Minh

Dịp lễ 30/4 là thời điểm lý tưởng để nhìn lại và trải nghiệm các di tích lịch sử của dân tộc. Ngay giữa TP. Hồ Chí Minh sôi động vẫn còn nhiều điểm đến văn hóa – lịch sử giàu giá trị, nơi lưu giữ ký ức và dấu ấn của một thời đã qua.

Dinh Độc Lập

Nằm ngay trung tâm Quận 1, Dinh Độc Lập không chỉ là một công trình kiến trúc nổi bật mà còn là nơi gắn liền với khoảnh khắc chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Với người dân TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là thế hệ trẻ, việc ghé thăm Dinh Độc Lập vào dịp lễ 30/4 không chỉ để tham quan mà còn là một hành động tưởng nhớ, tri ân thế hệ đi trước.

Dinh được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ theo phong cách hiện đại kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống Việt Nam. Khi bước vào khuôn viên, du khách sẽ được khám phá nhiều không gian đặc biệt như phòng họp nội các, phòng làm việc của Tổng thống, tầng hầm thông tin, và đặc biệt là nơi trưng bày chiếc xe tăng số 390 – biểu tượng của ngày đại thắng.

Du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo mà còn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Mỗi căn phòng, mỗi hiện vật trong dinh đều mang những câu chuyện riêng, góp phần tái hiện một thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Cách Dinh Độc Lập không xa, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tọa lạc tại đường Võ Văn Tần (Quận 3) là một điểm đến đặc biệt với những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ và hậu quả chiến tranh. Bảo tàng được thành lập từ năm 1975, là nơi lưu giữ hàng ngàn hình ảnh, hiện vật, tài liệu phản ánh chân thực sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần quật cường của con người Việt Nam.

Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên.

Khuôn viên bảo tàng được chia thành nhiều không gian: khu trưng bày vũ khí, máy bay, xe tăng ngoài trời; khu tưởng niệm nạn nhân chất độc da cam; khu ảnh chiến trường miền Nam và các tội ác chiến tranh. Mỗi hiện vật ở đây không chỉ là minh chứng của quá khứ mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình hôm nay. Đặc biệt, bảo tàng luôn có sự kết hợp giữa trưng bày truyền thống và các hình thức tương tác mới như phim tư liệu, mô hình 3D, giúp du khách (đặc biệt là giới trẻ) dễ tiếp cận và hiểu rõ hơn.

Bưu điện TP. Hồ Chí Minh

Bưu điện thành phố nổi tiếng là điểm check-in thu hút hàng loạt du khách khi đến thăm thành phố mang tên Bác. Bưu điện đặc biệt này gây ấn tượng bởi lối kiến trúc cổ điển với những đường nét hoa văn tinh xảo với màu vàng đặc trưng.

Là một trong những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng bậc nhất TP. Hồ Chí Minh, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn tọa lạc ngay bên cạnh Nhà thờ Đức Bà, giữa lòng Quận 1 náo nhiệt. Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 bởi nhà kiến trúc sư người Pháp, công trình này là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc Gothic và Art Nouveau. Trần nhà vòm cao, hành lang dài, các khung cửa sổ hình vòm, hệ thống sắt thép chạm trổ cầu kỳ khiến Bưu điện không chỉ là nơi gửi thư mà còn là một địa danh mang tính biểu tượng của thành phố.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh, bưu điện thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc liên lạc giữa người dân và quân đội, cũng như trong việc truyền tải thông tin và tin tức giữa các địa điểm khác nhau ở miền Nam. Trong giai đoạn này, trung tâm bưu điện đã được cải tạo và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của quân đội và dân cư.

Đặc biệt, bên trong Bưu điện còn giữ lại hai bản đồ cổ mang Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge, 1936 (Đường dây điện tín Nam Việt Nam và Cam Bốt, 1936) và Saigon et ses environs, 1892 (Sài Gòn và những vùng phụ cận, 1892), như một lời kể không lời về thời kỳ phát triển viễn thông dưới chế độ thuộc địa.

Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh

Nằm trên đường Lý Tự Trọng, tòa nhà từng là Dinh Thống đốc Nam Kỳ, sau đó là Tòa đô chính dưới thời Pháp thuộc, nay là trụ sở của Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh. Công trình Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh do kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux đảm nhiệm, bắt đầu khởi công vào năm 1885 và chính thức hoàn thiện vào năm 1890. Tổng diện tích của bảo tàng lên đến 2ha và ngày xưa từng được dùng làm nơi trưng bày sản vật trong nước.

Bảo tàng lưu giữ nhiều hiện vật quý giá liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của TP. Hồ Chí Minh: từ giai đoạn thuộc địa, thời kỳ kháng chiến đến hiện đại. Các khu vực như “Sài Gòn xưa và nay”, “Văn hóa dân gian Nam Bộ”, hay “Giao thông đô thị qua các thời kỳ” đều mang đến cái nhìn gần gũi, chân thực về thành phố mà nhiều người đang sống nhưng có thể chưa từng hiểu rõ.

Vào những ngày lễ, đặc biệt là 30/4, bảo tàng thường tổ chức các hoạt động triển lãm ảnh, giao lưu văn hóa, tái hiện không gian Sài Gòn xưa, góp phần giúp người xem sống lại một thời đã qua.

Cẩm Vân

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/top-diem-den-van-hoa-lich-su-hut-khach-dip-le-304-tai-tp-ho-chi-minh-140615.html