Topwar: Vũ khí phòng không hiệu quả nhất của Ukraine vẫn tan nát dưới tên lửa Nga, vì sao?

Tờ Topwar.ru lưu ý rằng trong báo cáo hoạt động những ngày gần đây của Quân đội Ukraine, Buk được nhắc tới thường xuyên hơn các loại vũ khí phòng không khác.

Ra đời từ cách đây đúng 50 năm, tổ hợp tên lửa phòng không Buk vẫn đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nói không ngoa, nó là một trong những khí tài phòng không hữu hiệu nhất của Quân đội Nga - và cả người Ukraine.

Nên không có gì ngạc nhiên khi cuộc săn lùng Buk đang được cả hai phía tiến hành dồn dập.

Nga không "dậm chân tại chỗ" - biến thể Buk-M3 (được đưa vào trang bị vào năm 2016) hiện rất khác so với các tổ hợp những năm 1980.

Ukraine thì không có được điều này - trên thực tế tất cả các thành phần của tổ hợp đều do Nga thiết kế và sản xuất tại Nga - Kiev đã bị tước đi cơ hội cải tiến hệ thống phòng không của mình, do không tiếp cận được tài liệu kỹ thuật, chuyên gia và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Tổ hợp Buk-M3 với 12 ống phóng tên lửa phòng không.

Tổ hợp Buk-M3 với 12 ống phóng tên lửa phòng không.

Kết quả là, một tình huống rất đáng buồn hiện đang diễn ra. Buk-1M cũ của Ukraine đã buộc phải cố gắng đối kháng với những chiếc Su-30 và Su-34 của Nga, trong khi những chiếc MiG-29 và Su-27 của Ukraine thì bị uy hiếp bởi Buk-M2 và M3.

Để so sánh, chắc chắn tổ hợp Buk-M3 có nhiều điểm vượt trội hơn Buk-M1.

Đầu tiên là nó đã được tăng khả năng bám bắt mục tiêu từ 18 lên 36. Radar mới khiến phạm vi phát hiện các mục tiêu trên không có diện tích tương đương 1 mét vuông tăng từ 120 km lên 160 km, góc quan sát mở rộng từ 30-40 độ lên 90 theo phương vị và 70 theo độ cao.

Số tên lửa mà một xe phóng Buk-M3 mang theo có thể lên tới 12 nếu so với 4 tên lửa của Buk-M1. Ngoài ra, tên lửa mới không yêu cầu radar theo dõi trên toàn bộ hành trình, đầu dò tên lửa giúp nó có thể bắt mục tiêu ở khoảng cách 35 km và tự điều chỉnh đường bay.

Ở cự ly từ 70 đến 35 km, đến thời điểm tự tin bắt mục tiêu, tên lửa sẽ đi theo hiệu lệnh phát ra từ đài chỉ huy và radar.

Một tổ hợp Buk-1M của Quân đội Ukraine.

Một tổ hợp Buk-1M của Quân đội Ukraine.

Tốc độ đạn tên lửa của Buk-M3 là Mach 4 (gấp 4 lần vận tốc âm thanh) nếu so với Buk-M1 là Mach 3 - tầm bắn và trần bắn tối đa là 50 và 25 km tương ứng với 35 và 22 km.

Buk và S-300PS cũ của Ukraine cũng không thể đánh chặn các tên lửa hành trình và chiến thuật Kalibr và Iskander tiên tiến hơn và điều này đã được chứng minh bằng việc chúng bị phá hủy.

Sau khi vô hiệu hóa các tổ hợp phòng không này, lực lượng không quân của Nga đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình - hoàn toàn không bị kiểm soát bởi phòng không đối phương, ngoại trừ các MANPADS (tên lửa phòng không vác vai) ở độ cao thấp.

Đồng thời, các hệ thống phòng không hiện đại hơn của Nga (và không chỉ Buk) khá bình tĩnh đối phó với mọi cuộc tấn công từ trên không mà phía Ukraine đang cố gắng thực hiện.

Ít giờ trước Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một video được quay bởi UAV Orlan-10 cho thấy khoảnh khắc tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga phá hủy một tổ hợp Buk-M1 của Ukraine.

Theo Hoài Giang/Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/topwar-vu-khi-phong-khong-hieu-qua-nhat-cua-ukraine-van-tan-nat-duoi-ten-lua-nga-vi-sao/20220328100855986