TOS-1 Buratino của Nga: 'Sát thủ' chỉ đứng sau bom hạt nhân nguy hiểm cỡ nào?
Với biệt danh Buratino, pháo phản lực TOS-1 trở thành vũ khí nhiệt áp chiến lược có độ chính xác và uy lực chỉ sau vũ khí nguyên tử.
Vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, giới quân sự Liên Xô đã lên kế hoạch phát triển một loại pháo phản lực nhiều nòng hạng nặng mang tên TOS-1, có khả năng phóng đầu đạn nhiệt áp hay đầu đạn chứa chất nổ ở tầm ngắn.
Dùng chất nổ nhiệt áp (FAE)
Pháo phản lực TOS-1 là một trong những vũ khí gây nổ có sức công phá khủng khiếp nhất, gần bằng với vũ khí hạt nhân. Năm 2002, trong cuộc truy quét Osama bin Laden tại vùng núi hiểm trở của Tora Bora, Mỹ đã bắn tên lửa dẫn đường mang đầu đạn nhiệt áp này nhằm tiêu diệt các hang ổ ẩn náu của phiến quân Taliban.
Một vụ nổ bom, đạn nhiệt áp gồm hai quá trình: Đầu tiên, ngòi nổ bên trong đạn pháo chứa thuốc nổ nhiệt áp (FAE) phát tán một đám mây hoặc sương mù hóa học trong không khí thông qua hiệu ứng sol khí, đám mây này dễ dàng xâm nhập len lỏi vào mọi ngóc ngách xung quanh nó. Tiếp đó, một vụ nổ thứ cấp sẽ đốt cháy đám mây, gây ra một vụ nổ lớn và rộng xa khỏi tâm chấn.
Ngoài nhiệt lượng do bom FAE tạo ra đủ gây bỏng chết người, áp suất quá cao tạo ra bởi sự đốt cháy không khí đột ngột mới là thủ phạm gây sát thương nhiều hơn. Các vụ nổ rực lửa sẽ hút sạch không khí thành môi trường chân không, tiêu diệt mọi sinh vật trong phạm vi ảnh hưởng mà không có bất kì phương tiện thiết giáp nào có thể cản phá.
Dàn siêu pháo “cưỡi” xe tăng T-72
Hệ thống chiến đấu này bao gồm xe tăng T-72 “cõng” trên lưng một tổ hợp 30 ống tên lửa đường kính 230mm, cùng hai xe cơ giới vận chuyển đạn tiếp tế. Thay vì phóng bom xăng đông đặc, TOS-1 phóng một tên lửa có chứa FAE gây nên sức công phá kinh hoàng.
Tốc độ bắn tên lửa vào khoảng 30 viên/15 giây và có thể được bắn riêng lẻ hoặc bắn liên tục trong từ 6-12 giây. Tất cả được điều khiển bởi hệ thống máy tính chuẩn xác và một công cụ dò tìm tầm xa bằng laser. Hầu hết vũ khí pháo binh của Nga sử dụng xe tăng bọc thép hạng nhẹ. Tuy nhiên, do khối lượng TOS-1 nặng đến 46 tấn nên cần được vận chuyển bằng xe tăng hạng nặng T-72.
Một lí do khác là ban đầu TOS-1 chỉ có tầm bắn chỉ khoảng 3km và khả năng tự vệ còn nhiều hạn chế, nên người ta cần một xe tăng vũ trang có thể tự vệ trong các tình huống giao tranh. Hai loại tên lửa được trang bị: tên lửa mang đầu đạn cháy thông thường và tên lửa nhiệt áp. Bên cạnh luôn có hai xe tải TZM-T lắp cần cẩu và có thể chạy trên địa hình làm nhiệm vụ hộ tống và chở tên lửa nạp đạn cho TOS-1 thông qua ống xi-lanh khí nén.
Trong chiến thuật phối hợp tác chiến với bộ binh lẫn tăng thiết giáp, pháo phản lực TOS-1 đảm nhận vai trò tiêu diệt lực lượng bộ binh đối phương, các khu vực công sự, địa hình trống trải hoặc các phương tiện chiến đấu bọc thép của địch. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, pháo phản lực TOS-1 có thể dội bão lửa và đốt cháy cả một vùng rộng lớn.
Áp suất do vụ nổ TOS-1 tạo ra lên tới 300.000 kgp/m2, gấp nhiều lần uy lực so với các loại bom đạn thông thường. Các nạn nhân ở gần tâm bán kính vụ nổ TOS-1 ngoài nguyên nhân tử vong do sức nóng và áp lực của bom đạn, áp suất quá cao còn gây những chấn thương đặc biệt nghiêm trọng như gãy xương, vỡ màng nhĩ và phá hủy nội tạng. Nó cũng rút hết không khí ra khỏi phổi của nạn nhân, dẫn đến tử vong do ngạt thở.
Từ năm 2001, phiên bản cải tiến TOS-1A Solntsepek (Burning Sun) bắt đầu được đưa vào hoạt động, nâng tầm bắn lên đến 6 km. Đây là tầm bắn đủ xa để TOS-1A có thể tránh được hầu hết đạn pháo từ các hệ thống chống tăng của địch. Bản nâng cấp này cũng trang bị máy tính điều khiển tên lửa đạn đạo cải tiến, có khả năng phóng tên lửa nặng hơn 90 kg và số lượng ống phóng giảm xuống còn 24 ống.
Pháo TOS-1 và TOS-1A được trang bị cho các tiểu đoàn binh chủng Hóa-Sinh và Hạt nhân của Nga. Các đơn vị này cũng kết hợp sử dụng với súng phóng tên lửa RPO-A Shmel (Bumblebee) chuyên bắn mục tiêu ở phạm vi 1.000-1.700m, đặc biệt hiệu nghiệm trong các chiến dịch xuyên phá mục tiêu boongke kiên cố.
Ngoài ra, còn có một biến thể khác là TOS-1 "Kaunas" Saratov, giảm xuống còn 24 ống phóng tên lửa thay vì 30 ống như nguyên bản. Khối lượng của biến thể này là 46 tấn với thời gian loạt bắn là 7,5 giây.
Lịch sử tham chiến
TOS-1 Buratino là hệ thống phóng tên lửa tự hành độc đáo của Nga đã được chứng minh hoạt động hiệu quả ở các điểm nóng trên toàn cầu như Afghanistan, Chechnya, Iraq và Syria. Tại Thung lũng Panjshir hiểm trở, hệ thống TOS-1 Buratino nã phát súng đầu tiên trong chiến tranh Afghanistan-Liên Xô 1988-1989. Tuy nhiên, một năm sau đó, thế giới mới thật sự biết đến sức mạnh của TOS-1 tại chiến trường Chechnya.
Trong cuộc xung đột Nga-Checnya lần hai, TOS-1 đóng một vai trò quan trọng trong việc loạt bỏ các phần tử li khai, cũng như tạo vụ nổ “mồi” kích nổ mìn và bẫy bom do các máy bay chiến đấu Chechnya bỏ lại.
Năm 2014, tại chiến trường Iraq, được biết ít nhất 4 khẩu TOS-1s đã được bán cho nước này và tham gia vào cuộc chiến chống lại Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong trận đánh giành lại thị trấn Jurf al-Sakhar.
Ngoài ra, những chiếc TOS-1A cũng được gửi đến quân đội Syria để triển khai chống lại lực lượng phiến quân tại khu vực nông thôn và vùng núi xung quanh Latakia - thành phố cảng chính của Syria.
Bên cạnh đó, pháo phản lực TOS-1 cũng có mặt trong là cuộc xung đột kéo dài giữa Azerbaijan và Armenia. Nhiều nguồn tin cho biết, Nga đã bán TOS-1A cho cả hai bên, Azerbaijan có 18 chiếc và số lượng vũ khí này trong quân đội Armenia hiện vẫn còn là ẩn số. Theo truyền thông Armenia, một chiếc TOS-1A của Azerbaijan đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh với Armenia hồi tháng 4 năm nay.