Tốt nghiệp THPT, nên học đại học hay xuất khẩu lao động?
'Học đại học hay xuất khẩu lao động?' là câu hỏi được đặt ra và được tranh luận với nhiều quan điểm trái chiều, không chỉ với các sĩ tử mà với nhiều người.
“Tháng 6 mùa thi” luôn có nhiều cảm xúc với nhiều học sinh và phụ huynh. Nếu như trước đây, chỉ có các trường đại học và cao đẳng tham gia tuyển sinh thì giờ đây lại có thêm các doanh nghiệp “tuyển sinh” đi xuất khẩu lao động.
“Học đại học hay xuất khẩu lao động?” là câu hỏi được đặt ra và được tranh luận với nhiều quan điểm trái chiều, không chỉ với các sĩ tử mà còn cho cả rất nhiều người ở các thành phần trong xã hội.
Tất nhiên “mọi so sánh đều là khập khiễng”. Và vì “khập khiễng” nên khó mà bền vững, nếu như không được xã hội thấu hiểu và đồng trách nhiệm vì một tương lai tốt đẹp. Bởi vì “học đại học hay xuất khẩu lao động” ở phạm vi rộng có liên quan đến nguồn lực của đất nước và tương lai của dân tộc.
Nếu so sánh việc chuyển tiền học cho con hàng tháng với việc “mang tiền về cho mẹ” ngay ở thì hiện tại để gọi là “hiếu” và “hiệu quả đầu tư”, thì rõ ràng cho con xuất khẩu lao động là một ưu tiên của gia đình không có nhiều điều kiện về kinh tế.
Nếu nghĩ đến 4-6 năm học đại học chỉ để nhận tấm bằng trên tay với tấm hình áo mũ cử nhân mà cố vào cho được đại học, và trong những năm tháng đó, chỉ theo đuổi những giấc mơ hão huyền, chẳng lo đầu tư học hành, ra trường than khó tìm việc, rồi tìm được việc lại than lương thấp, thì lựa chọn này được xem là quá lãng phí.
Nếu chịu khó đọc, suy ngẫm thật kĩ, rồi chiêm nghiệm về những con người từng được giáo dục, được đào tạo bài bản từ trước đến nay, với cách họ sống, họ nghĩ, họ đóng góp, họ ứng xử với thời cuộc… thì không thể phủ nhận cái giá trị của sự học.
Học đại học đúng tuổi và đúng nghĩa trước và đi làm sau là con đường thuận chiều. Ngược lại, nghĩ đến việc lo đi làm kiếm tiền trước rồi quay về đi học đại học sau là điều không dễ, trừ một vài trường hợp rất đặc biệt.
Những cá biệt “bỏ học mà vẫn thành công” như Steve Jobs, Bill Gate… không nhiều và không phải là “mô hình kiểu mẫu” cho tất cả ở thế hệ hôm nay.
Ở một góc nhìn khác, một dân tộc có văn hóa và nếu xuất khẩu được lao động trí óc thì quả rất đáng tự hào. Điều đó không chỉ làm sang trọng cho quốc gia mà còn lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc ra thế giới.
Nhưng ngược lại, nếu chỉ tập trung vào xuất khẩu lao động phổ thông với mục tiêu “mang tiền về cho mẹ” thì mãi “nghèo bền vững” và sự phồn vinh, hùng cường mãi là viển vông.
Học đại học không giống học nghề. Mục tiêu của đại học là trang bị kiến thức, nguyên lí nền tảng để phát triển năng lực tư duy, sáng tạo; rèn luyện những kĩ năng nhất là kĩ năng nghiên cứu, tự học suốt đời, nhằm thích ứng với mọi sự biến chuyển của xã hội cũng như chủ động dẫn dắt xã hội tiến bộ hơn.
Một người được đào tạo bài bản, được học đúng với “tinh thần đại học” chắc chắn sẽ tự tin bước vào đời, với bất kì mọi công việc cũng như môi trường khác nhau.
Làm trái nghề hay trái ngành cũng không phải thách thức chính, bởi vì năng lực tự học, tự nghiên cứu đã được hình thành trong quá trình học đại học.
Nếu một người học đại học đúng nghĩa mà “kém may mắn”, không kiếm được việc làm ngay khi ra trường thì cũng có thể tự thân lập nghiệp và dẫn dắt người khác.
Và nếu không may phải thay đổi công việc vì một lí do nào đó, họ vẫn có thể thích ứng với môi trường mới một cách dễ dàng…
Giáo dục đại học có tôn chỉ riêng, dù cho xã hội có phát triển kiểu gì thì đại học vẫn kiên trì với những tôn chỉ đó, giống như lấy cái “bất biến” để ứng “vạn biến” của xã hội.
Để đạt được mục tiêu “giáo dục đại học”, bản thân người học phải là người có trách nhiệm với sự học, với gia đình và xã hội.
Nhưng quan trọng hơn là các cơ sở giáo dục đại học phải kiên định sứ mệnh của mình vì mục tiêu “giáo dục đại học”.
Hiện nay, đâu đó có trường đã xa rời sứ mệnh, thay đổi những giá trị cốt lõi, để thích ứng với thị trường, thiên hướng dạy nghề hơn dạy đại học.
Bởi vì tâm lí của đám đông cũng mong mau làm giàu hơn và muốn “đốt cháy giai đoạn” khiến cho thực học ngày càng ít hơn.
Sản phẩm đào tạo và các giá trị liên quan của người học cũng đã biến đổi nhiều hơn.
Và từ đó, câu chuyện liên quan đến “học đại học hay xuất khẩu lao động” đã được đặt ra là tất yếu và có nhiều quan điểm trái chiều cũng là điều dễ hiểu.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nên mỗi cá nhân, mỗi gia đình luôn cân đo để lựa chọn cho mình một tương lai phù hợp với hoàn cảnh.
Chúng ta không nên áp đặt hay khuyên bảo từng người nên chọn con đường này hay hướng nọ.
Và những “tháng Sáu mùa thi” đi qua, luôn để lại trong mỗi người với những niềm riêng.
Có những giọt “nước mắt chảy ngược”. Có những người rất ham học và học được nhưng vì điều kiện gia đình, không thể vào đại học nên đành dừng lại để mưu sinh, với bao điều nuối tiếc…
Bên cạnh đó cũng có những gia đình chỉ mong con đồng ý đi học đại học hay cao đẳng thì con muốn được gì cũng chiều nấy, chẳng tiếc thứ gì…
Có những thí sinh có kết quả học lực tốt, nhưng phải giằng co với đam mê của mình và nguyện vọng của gia đình hay đắn đo việc chọn trường này hay trường nọ, chọn du học hay học gần nhà…
Và rồi cũng có em xách va-li ra nước ngoài để học đại học với niềm mơ ước “bay cao bay xa”, với các tiệc mừng linh đình và buổi chia tay đầy tự hào của gia đình và người thân.
Nhưng cũng có những em ngậm ngùi gác lại việc học, vác ba-lô lên đường đi xuất khẩu lao động và cũng mơ về một ngày “mang tiền về cho mẹ” và xây dựng tương lai tươi đẹp hơn.
Xã hội rất đa dạng và thời nào cũng vậy. Chỉ có điều, dù là du học, học đại học hay xuất khẩu lao động, mà thực tâm, nỗ lực thì “trời cũng không phụ lòng người”.
Dĩ nhiên là, dù du học, học đại học hay xuất khẩu lao động thì ở tuổi thanh niên vẫn cần ưu tiên nhiều hơn cho việc học.
Nếu theo học đại học thì nên dành phần lớn thời gian của những năm tháng tươi đẹp ở trường đại học cho việc học đúng nghĩa, và nếu phải làm thêm thì cũng phải cố gắng, nỗ lực hơn để việc chính của mình là việc học.
Đừng biến cái “làm thêm” thành “làm chính” và việc học là việc phụ, chỉ đặt mục tiêu “đủ điểm” để lấy tấm bằng.
Hay chỉ vì sau những tháng ngày bị gia đình “ép học” ở phổ thông để cố vào cho được đại học, và khi đạt được thì phải thư giãn, để hưởng thụ “lương” từ gia đình và để “ra trường rồi tính” tiếp!
Nếu lựa chọn cách học đại như vậy, thì quả là rất lãng phí nhiều thứ, trong đó có cả tương lai.
Nếu những năm tháng đi xuất khẩu lao động, mà ngoài mục tiêu kiếm tiền nuôi bản thân, gia đình còn tranh thủ để học cách họ làm, học cách quản lí, học cách sống, học cách tiêu tiền; rèn luyện các kĩ năng, tôi rèn ý chí… để làm nền tảng thì tương lai chắc chắn cũng tươi đẹp.
Còn nếu chỉ vì mục tiêu kiếm tiền mà bất chấp tất cả mọi thứ ở xứ người thì thật khó nhận lấy những kết quả tốt đẹp ngay ở hiện tại, chứ đừng có mơ về giấc mơ đổi đời ở tương lai tại nước bạn hay tại quê nhà…
Thanh niên dù ở vùng miền nào, ở điều kiện nào cũng đều là nguồn lực lao động giá trị và là tài nguyên quý của đất nước.
Quốc gia nào khai thác tốt và sử dụng hợp lí tài nguyên con người thì quốc gia đó nhất định sẽ phát triển.
Tố chất của cá nhân cũng là tài sản của quốc gia. Nếu cứ để cạnh tranh tuyển sinh bằng điểm số và học phí như một thị trường giáo dục thực sự, không cần quan tâm đến “tố chất” của người học, chỉ phân luồng theo kiểu ai có điều kiện thì đi học đại học, còn không có điều kiện thì chọn xuất khẩu lao động… thì vô hình chung trong số những người chọn xuất khẩu lao động, có cả những con người rất cần cho đất nước ở những trình độ cao hơn.
Và điều đó cũng là thất thoát, lãng phí tài nguyên quốc gia. Do vậy, bên cạnh những cách làm mang tính đại trà như hiện nay, rất cần có những chính sách đặc biệt dành cho nhân tài, mang tính tinh hoa.
Ở đó, phẩm chất và tài năng của người học luôn được đề cao và khách quan tìm kiếm, phát hiện để đào tạo và trọng dụng. Khi nhân tài hội tụ thì đất nước sẽ vươn mình, vững mạnh và thịnh vượng bền lâu.
Ngày nay, hằng năm số lượng người tốt nghiệp đại học nhiều hơn trước đây và chất lượng cũng không đồng đều như trước.
Không phải tất cả tốt nghiệp đại học đều là tinh hoa. Nhưng chắc chắn, lực lượng tinh hoa vẫn nằm chủ yếu trong số những người tốt nghiệp đại học.
Nếu phát hiện được đúng nhân tài ngay từ phổ thông, đào tạo có chất lượng ngay ở các trường đại học và trọng dụng ngay từ lúc mới ra trường thì hiệu quả sử dụng tài nguyên quốc gia sẽ tối ưu và giấc mơ hùng cường và thịnh vượng sẽ hiện hữu.
Thành công của một quốc gia là chăm lo được cho từng cá nhân được cảm nhận hạnh phúc ngay từ những phút giây đang sống và khi đó sức mạnh của quốc gia sẽ là sức mạnh của sự cộng hưởng.
Quốc gia thành công không phải chỉ dựa vào các chỉ tiêu tăng trưởng mang tính đo đếm đạt hay vượt trong ngắn hạn. Thành công của cá nhân không phải ở các điểm số khi học, tấm bằng đã đạt được hay địa vị, quyền lực lúc đương chức hoặc tài sản, tiền bạc tích góp…
Khi thấu hiểu được điều đó chắc chắn xã hội sẽ thái bình. Nhưng để xã hội thấu hiểu thì sứ mệnh đó phải kể đến nền văn hóa và nền giáo dục.
Để hạnh phúc, mỗi người cần “sống vui, sống khỏe, sống có ích” ngay từ nhỏ, chứ không phải chờ đợi đến độ tuổi “thất thập cổ lai hy” mới “buông bỏ” để vui và khỏe...
Một quốc gia hạnh phúc không phải là một quốc gia giàu có về tài nguyên, vật chất, mà ở quốc gia đó mọi công dân đều hạnh phúc.
Mọi người dân đều được sống trong môi trường trong lành, được đối xử công bằng mà trước hết công bằng ngay trong y tế và giáo dục.
“Học đại học hay xuất khẩu lao động” ngày hôm nay là việc cân nhắc lựa chọn của mỗi người, mỗi gia đình, miễn sao phù hợp nhất với điều kiện cũng như năng lực cá nhân.
Rộng hơn, ở tầm vóc quốc gia, câu hỏi đó cần được phân tích kĩ để có những chính sách hợp lí ngay hôm nay nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và khát vọng vì một quốc gia hùng cường, thịnh vượng.