Totto-chan tái ngộ bạn đọc, tái bản sau 5 ngày phát hành
'Totto-chan bên cửa sổ - những chuyện tiếp theo' vẫn là nhãn quan ngây thơ, trong trẻo của cô bé Tetsuko, nhưng hiện thực trước mắt đã thêm phần khắc nghiệt.

Tác giả Kuroyanagi Tetsuko và cuốn Totto Chan bên cửa sổ - những chuyện tiếp theo. Ảnh: Nhã Nam.
Totto-chan bên cửa sổ xuất bản lần đầu năm 1981, là tự truyện của Kuroyanagi Tetsuko kể về khoảng thời gian theo học tại trường Tomoe. Lớp học trong toa tàu cũ, bữa trưa kết hợp “món từ đất liền và món từ biển”, tiết học tự chọn, dã ngoại gần gũi với thiên nhiên,... tất cả tạo nên môi trường giáo dục lý tưởng nơi mỗi đứa trẻ đều được tôn trọng, thấu hiểu và khuyến khích phát triển phù hợp với khả năng và cá tính của mình.
Tetsuko, từ một đứa trẻ "khác biệt" bị đuổi học, đã có những ngày đến trường vui vẻ, hạnh phúc - trải nghiệm góp phần quan trọng hình thành con người trưởng thành của bà về sau này.
Cuốn tự truyện đầu tiên đó được Tetsuko viết nhằm lưu lại những ký ức đẹp đẽ cũng như phương pháp, triết lý giáo dục cấp tiến, đặc biệt của thầy Sosaku Kobayashi - người đã thành lập trường Tomoe vào năm 1937. Câu chuyện khép lại khi ngôi trường bị đánh bom vào năm 1944, Totto cùng mẹ và các em phải đến Aomori sơ tán.
Nhiều độc giả từng bày tỏ mong muốn được nghe về hành trình tiếp theo của cô bé bên cửa sổ, nhưng Tetsuko chưa từng dám bắt đầu, lo lắng mình không thể viết hay hơn, "bởi lẽ trong đời tôi, chưa có khi nào mà mỗi ngày trôi qua đều vui như hồi còn học ở trường Tomoe".
Phải đến 42 năm sau ngày hiện tượng xuất bản Totto-chan bên cửa sổ ra mắt, Tetsuko mới lên được tinh thần "Nào viết thôi!".
Dưới cái bóng chiến tranh
Nếu như cuốn sách đầu tiên là những lát cắt tuổi thơ để lại dư vị ngọt ngào, trong trẻo xen lẫn cảm giác hoài nhớ thì Totto-chan bên cửa sổ - những chuyện tiếp theo đối diện với thực tế khắc nghiệt hơn: thế chiến thứ hai phủ bóng cuộc sống gia đình Totto trong bối cảnh nước Nhật bên phe phát xít, con đường dẫn đến bất hạnh cho bao dân thường.
"Khi bắt đầu viết tôi đã không thể ngừng cười, ngừng khóc, và sau đó ký ức về chiến tranh lần lượt hiện ra", Tetsuko viết.

Theo thông tin từ Nhã Nam, sách Totto-chan bên cửa sổ - những chuyện tiếp theo tái bản chỉ sau 5 ngày phát hành. Ảnh: T.A.
Dẫu chiến tranh đang dần làm nước Nhật khánh kiệt, gia đình Tetsuko vẫn có một cuộc sống tương đối đủ đầy trong những năm đầu đời của em. Nhưng rồi những bữa cơm không thiếu thịt cá, những buổi dạo chơi ở phố Ginza dần thay thế bằng phần ăn ngày một ít ỏi, có lúc chỉ còn lại 15 hạt đậu cho cả ngày, bằng những buổi nghỉ học vì không kích bom dội.
Bố Tetsuko là nghệ sĩ vĩ cầm tiếng tăm. Đủ tuổi ra trận, song phần vì sức khỏe chỉ được xếp loại 3, phần vì được giới âm nhạc bảo bọc, ông tránh được nghĩa vụ quân sự trong những năm đầu thế chiến, cho đến những ngày cuối cùng phải bước vào quân ngũ. Ngày tiễn chồng, tiễn bố, mẹ con Tetsuko vẫy tay giữa sân ga tấp nập: người ra trận như hòa làm một khối, kẻ hậu phương cũng chẳng biết cách nào tách mình khỏi đám đông. Gia đình Tetsuko đang chịu chung số phận với hàng vạn gia đình khác của nước Nhật.
Nhận thấy mối nguy hiểm ở Tokyo chìm trong biển lửa, mẹ đưa Tetsuko 12 tuổi và hai em về Aomori nơi có người quen để nương nhờ, gầy dựng một cuộc sống khác. Từng theo học thanh nhạc trước khi kết hôn và làm nội trợ, quen với lối sống thanh tao, mà giờ bà không ngần ngại bươn chải đủ thứ nghề: làm ở hợp tác xã, bán cơm, buôn hàng... để nuôi các con. Trong túng thiếu, người có phẩm hạnh và tự trọng cao cũng phải thỏa hiệp: Bà cho phép em trai Tetsuko lân la nhà bạn "ăn chực" để bổ sung dinh dưỡng, đi ngược lại với lời dạy về phép tắc lễ nghi trước nay.
Nhà Totto may mắn sống sót vẹn toàn qua chiến tranh, nhưng vẫn chịu cảnh chia ly: Bố em trở thành tù binh ở xứ lạnh Serbia. Ở nhà, gia đình có thêm bà ngoại đồng hành, đỡ đần mẹ con Totto. Năm tháng trôi qua, Totto dần trở thành nữ sinh trung học mà trong lòng trông ngóng ngày gia đình đoàn viên.
Một tâm thế lạc quan, một con đường trải rộng
Tuổi niên thiếu trôi qua trong đói ăn, thiếu mặc, quả thật chẳng dễ dàng gì với một cô bé cả tuổi thơ đã quen sống trong sung túc. Nhưng thiếu thốn vật chất không thể hoàn toàn làm mờ khuất tinh thần lạc quan nơi Totto. Không còn trường Tomoe, ở môi trường giáo dục phổ thông, Totto tiếp tục là cô bé học hành chẳng mấy khấm khá.
Theo học thanh nhạc nhưng rồi cũng không tìm được hướng đi, Totto ấp ủ giấc mơ trở thành "người mẹ đọc sách tranh cho con" - vô tình dẫn dắt cô rẽ hướng trở thành diễn viên, phát thanh viên truyền hình. Đường đời chẳng thể lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng Totto luôn giữ được cá tính hồn nhiên của mình. Cũng chính nhờ điều đó, Totto trở thành người bạn của nhiều thế hệ thiếu nhi, không chỉ ở nước Nhật mà trên khắp thế giới, cho dù Tetsuko chưa từng kết hôn hay có con.

Kuroyanagi Tetsuko, tác giả sách Totto-chan bên cửa sổ. Ảnh: N.N.
Năm 1976, khi đã có tiếng tăm và vị thế trong giới truyền hình, bà bắt đầu chương trình Căn phòng của Tetsuko. Năm 1981, Totto-chan bên cửa sổ xuất bản và trở thành sách bán chạy tại Nhật. Năm 1984, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh và đưa tên tuổi Tetsuko lên tầm quốc tế. Trong cùng năm, Tetsuko trở thành người châu Á đầu tiên giữ cương vị Đại sứ Thiện chí của UNICEF. Năm 1997, bà xuất bản cuốn sách Totto-chan và những em bé Totto-chan khác, dựa trên trải nghiệm làm Đại sứ Thiện chí của UNICEF trong các năm 1984-1996.
Từng đến nhiều nước còn chịu cảnh nội chiến, đói nghèo, bệnh tật, hơn ai hết, Tetsuko hiểu rõ trẻ em là đối tượng mong manh nhất trước những thảm kịch của nhân loại (nhất là những thảm kịch do chính nhân loại gây ra). Totto-chan bên cửa sổ - những chuyện tiếp theo đã phơi bày cái dễ tổn thương ấy qua ánh nhìn hồn nhiên, trong sáng nhưng không khỏi khiến người ta phải ngẫm ngợi.
Tiếp nối trường học lý tưởng của cuốn sách đầu tiên, phần hai này là hành trình trên trường đời, nơi bài học không chỉ gói gọn trong trang sách, trong giờ đến lớp, mà hiện diện trong từng bước ngoặt cuộc sống và lựa chọn của Totto.
Kuroyanagi Tetsuko sinh ngày 9/8/1933 tại Tokyo, được biết đến ở vai trò diễn viên, người dẫn chương trình talk show, tác giả viết sách thiếu nhi, cố vấn tự nhiên của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund), người sáng lập Totto Foundation (tổ chức đào tạo diễn viên điếc chuyên nghiệp, hiện thực hóa ý tưởng mang hát kịch đến với những người điếc) và đại sứ thiện chí của UNICEF. Hiện nay, sắp bước sang tuổi 92, bà vẫn miệt mài làm việc và đều đặn lên sóng truyền hình.
Bà đã xuất bản các cuốn sách: Totto-chan bên cửa sổ; Kênh của Totto; Thương mến, từ Chakku; Totto-chan bên cửa sổ - những chuyện tiếp theo; Totto-chan và những em bé Totto-chan khác. Cuối năm 2023, phim hoạt hình Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ dựa trên cuốn tự truyện của Tetsuko ra rạp.