'Tough Out' - bộ phim khốc liệt về trẻ em bị bỏ rơi ở Trung Quốc

'Tough Out' là bộ phim tài liệu nói về thực trạng hàng triệu trẻ em đang bị cha mẹ bỏ rơi ở Trung Quốc. Bộ phim gây xúc động với những câu chuyện chân thực đến khốc liệt.

Trẻ em “left-behind” (tạm dịch: bị bỏ rơi, bị bỏ lại) và những câu chuyện khốc liệt về mưu sinh trong xã hội Trung Quốc là thông điệp của phim tài liệu Tough Out.

Tác phẩm do nhà làm phim trẻ Xu Huijing đảm nhận vai trò đạo diễn. Sau khi công chiếu, Tough Out nhận nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Bộ phim được vinh danh là phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế lần thứ nhất của Trung Quốc.

Mượn câu chuyện từ nhóm trẻ em nghèo, bộ phim đã nói lên hoàn cảnh của bảy triệu trẻ em ở Trung Quốc bị cha mẹ bỏ lại ở nông thôn để tìm kiếm cơ hội làm ăn, mưu sinh ở những thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh...

 Bộ phim xoay quanh số phận những em bé bị cha mẹ bỏ lại ở nông thôn vì công cuộc mưu sinh, kiếm tiền tại thành phố.

Bộ phim xoay quanh số phận những em bé bị cha mẹ bỏ lại ở nông thôn vì công cuộc mưu sinh, kiếm tiền tại thành phố.

Câu chuyện chạm đến tâm can khán giả

Tough Out kể về nỗ lực của nhóm trẻ em từ 7 đến 12 tuổi đang tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua bộ môn bóng chày. Nhóm trẻ được dẫn dắt bởi cựu ngôi sao bóng chày Sun Ling Feng. Trong phim, Sun - cựu đội trưởng đội bóng chày - tìm cách huy động trẻ em từ khắp Trung Quốc, sau đó tập trung lại ở Bắc Kinh để giúp họ thoát cảnh nghèo đói.

Sun nói với tờ Post: “Điều khiến tôi ám ảnh nhất là Ma Hu (nhân vật chính trong phim) ăn nhiều đến mức nôn mửa. Khi được hỏi, Ma Hu nói không biết liệu còn có bữa no tiếp theo không nếu phải rời đội bóng”.

Theo lời Sun Ling Feng, câu nói của cậu bé thôi thúc anh làm nhiều việc có ích hơn nữa vì cộng đồng. “Chúng ta phải tìm cách đưa các bé thoát khỏi môi trường sống tồi tệ ở nông thôn, giúp chúng được ăn học và trưởng thành trong điều kiện tốt nhất có thể”, anh nói thêm.

Từ năm 2016, cụm từ “trẻ em bị bỏ rơi” được định nghĩa là những đứa trẻ dưới 16 tuổi không có được sự chăm sóc của cha mẹ. Họ có nhiều hoàn cảnh khác nhau như bị cha mẹ vứt bỏ hoặc được gửi nuôi ở quê để đi xứ khác làm ăn.

Những đứa trẻ “left-behind” có nhiều nguy cơ trở thành trẻ mồ côi. Phần lớn cha mẹ họ không bao giờ trở lại, phần vì không có tiền, phần vì gặp tai nạn lao động, mất tích hoặc chết trong tù.

Hình ảnh cậu bé "ăn đến mức nôn mửa" vì không biết có thêm bữa no nào không, lay động trái tim khán giả.

Hình ảnh cậu bé "ăn đến mức nôn mửa" vì không biết có thêm bữa no nào không, lay động trái tim khán giả.

Phim được đánh 8,7 điểm trên Douban. Đây cũng là một trong những điểm số ấn tượng nhất của điện ảnh Trung Quốc năm 2020.

Một người dùng viết trên Douban: “Ban đầu tôi chỉ nghĩ đây chỉ đơn thuần là bộ phim về bóng chày. Cuối cùng, phim là góc khuất của xã hội Trung Quốc, nơi nhiều trẻ em sống trong điều kiện nghèo đói”.

“Việc nhóm trẻ em bị gia đình bỏ rơi với mong muốn cống hiến hết mình thật bi thảm. Họ phải tiếp tục chiến đấu ngay cả khi mọi thứ không có gì thay đổi trong tương lai”, người dùng khác viết.

Trong bài phát biểu hồi tháng 11, đạo diễn Xu cho biết anh muốn bộ phim của mình lan tỏa sức mạnh đến những thanh niên trẻ và giúp họ có đủ sức mạnh đối mặt với bất cứ tình huống khó khăn nào trong cuộc sống.

“Tôi thực sự hy vọng bộ phim này ảnh hưởng tích cực đến họ, tạo động lực để các thanh niên trẻ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai. Họ có thể học tại trường cao đẳng thể thao hoặc trở thành một huấn luyện viên giỏi, có khả năng thay đổi số phận cho những người giống họ”, Xu nói với Yixi.

Hiện tại, những thanh niên trẻ tuổi xuất hiện trong Tough Out vẫn chơi bóng chày trong khuôn khổ dự án từ thiện ở Bắc Kinh mang tên Qiangbang Angels Baseball Base.

Trẻ em bị bỏ rơi dễ vướng vòng lao lý

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, số lượng trẻ em nông thôn bị bỏ rơi ngày càng tăng. Quá trình đô thị hóa khiến nhiều người nghèo ở các vùng quê đổ xô lên thành thị tìm kiếm cơ hội đổi đời. Điều đó đồng nghĩa với tình trạng trẻ em bị bỏ lại, đói khổ, không được học hành ngày càng tăng.

“Trên thực tế, cha mẹ của đứa trẻ 'left - behind' không được chọn hoàn cảnh sống. Với những người lao động nghèo từ các vùng quê lên những siêu đô thị như Bắc Kinh và Thượng Hải mưu sinh, việc tìm cho con chỗ học khó như mò kim đáy biển. Vì vậy, họ không còn cách nào khác phải rời xa con cái và để những đứa trẻ ở lại vùng quê”, giáo sư Zheng Fengtian, chuyên gia nghiên cứu xã hội học học tại Đại học Renmin, Bắc Kinh, Trung Quốc nói với SCMP.

 Trẻ em bị bỏ rơi có nhiều nguy cơ vướng vòng lao lý.

Trẻ em bị bỏ rơi có nhiều nguy cơ vướng vòng lao lý.

Theo thống kê của Bộ Dân sự Trung Quốc, số lượng trẻ em bị bỏ rơi hồi năm 2018 đã tăng đến bảy triệu. Những trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi thiếu tình yêu thương dạy dỗ của cha mẹ, cuộc sống thiếu thốn nghèo khổ, dễ bị lạm dụng, dễ sa đà hư hỏng.

Theo số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao năm 2017, có hơn 7% nạn nhân của tội ác xâm hại trẻ em là những người bị cha mẹ bỏ rơi. Đồng thời, đây cũng là nhóm đối tượng dễ rơi vào tình trạng phạm pháp, tù tội.

Nhiều cơ quan chức năng địa phương phát hiện tình trạng tù tội ở đối tượng này ngày càng nhiều. Theo số liệu từ cơ quan chức năng tỉnh Hồ Bắc, có hơn 80% trẻ vị thành niên phạm tội xuất thân từ gia đình thiếu sự giáo dục. Con số này đã tăng hơn 5% so với hai năm trước.

Trạch Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tough-out-bo-phim-khoc-liet-ve-tre-em-bi-bo-roi-o-trung-quoc-post1165810.html