Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Điểm nhấn du lịch Thủ đô tái hiện văn hóa khoa bảng

'Tinh hoa đạo học' lung linh mà trầm mặc sẽ dẫn du khách trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhờ nghệ thuật ánh sáng ấn tượng và giai điệu tinh tế.

.t1 { text-align: justify; }

Là biểu tượng của truyền thống hiếu học và nền giáo dục khoa bảng Việt Nam, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là di tích lịch sử đặc biệt của Thủ đô Hà Nội mà còn là nơi lưu giữ tinh thần đạo học ngàn năm lịch sử qua.

Trong những năm qua, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã từng bước thực hiện số hóa tài liệu và hiện vật, tạo dựng cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Tinh hoa đạo học” chính thức ra mắt công chúng từ tháng 11/2023 tới nay đã trở thành điểm nhấn du lịch văn hóa của Thủ đô thu hút khách tham quan.

Khám phá hành trình đạo học bằng ánh sáng công nghệ hiện đại

Chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học” là một hành trình khám phá liền mạch, nơi câu chuyện học tập của con người Việt Nam được tái hiện một cách sống động, từ thuở nằm nôi trong lời ru mẹ hiền, đến quá trình trưởng thành, đỗ đạt và vinh danh, đóng góp cho đất nước. Tất cả được thể hiện bằng sự kết hợp tinh tế giữa nội dung văn hóa, công nghệ hiện đại và tinh thần “tôn sư trọng đạo” xuyên suốt lịch sử dân tộc.

Khu Nhập Đạo là điểm khởi đầu của hành trình, bắt đầu bằng câu chuyện về một nhân vật lúc còn bé thơ được làm quen với con chữ qua lời ru của mẹ, lời giảng của thầy, quá trình vượt khó vươn lên trong học tập,...

 Lối vào khu Nhập Đạo. Ảnh: Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Lối vào khu Nhập Đạo. Ảnh: Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Không gian khu Nhập Đạo trở nên lung linh và đầy ý nghĩa với ánh sáng, âm thanh tái hiện vùng thôn quê xưa cùng với các câu chuyện được thể hiện bằng công nghệ trình chiếu Mapping trên gốc đa, mặt tường gạch vồ.

Đường chính của khu Nhập Đạo đặt hàng chữ “Tinh hoa đạo học” - chủ đề của chương trình, là điểm nhấn cho điểm bắt đầu hành trình và là một điểm chụp check-in cho du khách.

Không gian khu Nhập Đạo dần trở nên lắng đọng trong tiếng ru ngân vang. Hình ảnh người mẹ cùng làn ru con ngọt ngào, tha thiết được tái hiện qua gốc cây đa bằng công nghệ 3D Mapping và âm thanh phân vùng. Và trong làn ru của mẹ gửi gắm những mong ước con lớn lên ngoan ngoãn thành người.

 "Ngọt ngào lời ru" sử dụng công nghệ 3D Mapping và âm thanh phân vùng. Ảnh: Phương Thảo

"Ngọt ngào lời ru" sử dụng công nghệ 3D Mapping và âm thanh phân vùng. Ảnh: Phương Thảo

Hình ảnh huyền thoại Tứ linh huấn tử – bốn loài linh vật tượng trưng cho đức độ, trí tuệ và cốt cách bậc chính nhân, mở ra hành trình đạo học nơi khởi nguồn của nền giáo dục Việt Nam.

Bốn bức phù điêu Lão Long huấn tử, Kỳ Lân huấn tử, Lão Quy huấn tử và Phượng Hoàng huấn tử lồng vào khung đỡ hình mái nhà theo kiến trúc truyền thống gợi lên hình ảnh người cha đang dạy con dưới những mái nhà yên ấm.

 Nguồn gốc của hình ảnh này là bốn bức phù điêu đắp nổi trên đỉnh cột Tứ trụ phía trước cổng Văn Miếu. Ảnh: Phương Thảo

Nguồn gốc của hình ảnh này là bốn bức phù điêu đắp nổi trên đỉnh cột Tứ trụ phía trước cổng Văn Miếu. Ảnh: Phương Thảo

Khu Thành Đạt mang đến câu chuyện về quá trình khổ luyện, miệt mài học tập của các sĩ tử ngày xưa. Họ đã vượt qua bao khó khăn bằng sự đam mê, tinh thần hiếu học để ghi tên mình vào các cuộc thi tuyển chọn hiền tài như thi Hương, thi Hội và thi Đình. Không gian khu Thành Đạt được sắp đặt ánh sáng và bố trí các tiểu cảnh, kết hợp cùng đèn kiến trúc ngoài trời và âm thanh phân vùng.

 Khu Thành Đạt. Ảnh: Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Khu Thành Đạt. Ảnh: Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Tiếp nối là hành trình nho sinh được thể hiện qua tổ hợp hình ảnh tượng trưng cho 4 giai đoạn trong quá trình phấn đấu trưởng thành và đỗ đạt của các nho sinh.

Từ nét chữ đầu tiên khi những cậu bé còn để tóc trái đào phải nằm ra để tập viết cho đến khi đạt được trình độ có thể ngồi đọc sách thánh hiền, lên đường về kinh ứng thí và đỗ đạt, được ban ngựa vinh quy bái tổ.

Mỗi tư thế của nho sinh qua từng giai đoạn như gợi lại quá trình tiến hóa của loài người, nhưng trong trường hợp này là “sự tiến hóa” về trí tuệ và tri thức.

 Hành trình nho sinh. Ảnh: Phương Thảo

Hành trình nho sinh. Ảnh: Phương Thảo

 Hình ảnh cá chép vượt long môn tượng trưng cho quá trình phấn đấu, rèn luyện của các nho sinh thời xưa. Ảnh: Phương Thảo

Hình ảnh cá chép vượt long môn tượng trưng cho quá trình phấn đấu, rèn luyện của các nho sinh thời xưa. Ảnh: Phương Thảo

 Ô cửa sổ Sao Khuê được tái hiện với lối thiết kế khai thác hiệu ứng phản chiếu bóng nước trên mặt hồ. Ánh sáng của Sao Khuê chiếu rọi đến đâu là mang lại nguồn sáng tri thức và trí tuệ ở đó, đánh thức mọi khát vọng học tập và phấn đấu vươn lên trong hành trình đạo học. Ảnh: Phương Thảo

Ô cửa sổ Sao Khuê được tái hiện với lối thiết kế khai thác hiệu ứng phản chiếu bóng nước trên mặt hồ. Ánh sáng của Sao Khuê chiếu rọi đến đâu là mang lại nguồn sáng tri thức và trí tuệ ở đó, đánh thức mọi khát vọng học tập và phấn đấu vươn lên trong hành trình đạo học. Ảnh: Phương Thảo

Và lần đầu tiên, luồng ánh sáng tri thức của Sao Khuê được diễn tả thông qua sắp đặt chiếu sáng nghệ thuật. Luồng sáng này cũng sẽ mang đến cho khách tham quan sự liên tưởng thú vị khi Khuê Văn Các trở thành một ngọn hải đăng thực thụ - ngọn hải đăng của tri thức và trí tuệ.

 Khuê Văn Các sử dụng hiệu ứng ánh sáng gây ấn tượng về mặt thị giác. Ảnh: Phương Thảo

Khuê Văn Các sử dụng hiệu ứng ánh sáng gây ấn tượng về mặt thị giác. Ảnh: Phương Thảo

Bước qua Khuê Văn Các - biểu tượng rực rỡ của tinh thần hiếu học đất Thăng Long, du khách được ngắm nhìn hình ảnh những hàng bia đá trên lưng rùa nằm trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đề cao tinh thần trọng dụng hiền tài của dân tộc Việt Nam.

Khách tham quan còn được trải nghiệm công nghệ leap motion thông qua tương tác với nhiều cuốn sách về các chủ đề khác nhau kể chuyện về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Người xem có thể sử dụng bằng cách tương tác bằng tay, đưa tay lên trên cảm biến không chạm, di chuyển từ trái qua phải hoặc ngược lại để khám phá nội dung của những câu chuyện này.

Với công nghệ trình chiếu này, bia Tiến sĩ Thăng Long trở thành những người kể chuyện hết sức sinh động về các khoa thi, các vị tiến sĩ đã thành danh trong suốt hơn ba thế kỷ.

 Bia đá kể chuyện. Ảnh: PT

Bia đá kể chuyện. Ảnh: PT

Sau khi lắng nghe những câu chuyện trầm mặc khắc trên bia đá, du khách bước vào một trải nghiệm đặc biệt mang hơi thở của thời đại số là hoạt động “hỏi đáp với Cụ Rùa AI”.

Bằng công nghệ trình chiếu Mapping, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, bia tiến sĩ trong vai “Cụ Rùa” sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 Hoạt động trải nghiệm hỏi - đáp cùng Cụ Rùa AI. Ảnh: Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hoạt động trải nghiệm hỏi - đáp cùng Cụ Rùa AI. Ảnh: Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Khi cuộc đối thoại với Cụ Rùa khép lại, du khách sẽ đến với không gian trải nghiệm tương tác tại khu Đại Thành.

Khi tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế ảo VR360, khách tham quan được tự tay sáng tạo nên tác phẩm thư pháp của riêng mình hay tự do phóng tác những nét vẽ, những hình ảnh đầy ngẫu hứng trên nền bầu trời sao lấp lánh.

 Hoạt động trải nghiệm thực tế ảo VR360. Ảnh: Phương Thảo

Hoạt động trải nghiệm thực tế ảo VR360. Ảnh: Phương Thảo

Đến với không gian triển lãm Quốc Tử Giám, nơi lưu giữ những giá trị bất biến về nền giáo dục khoa bảng Việt Nam, du khách được khám phá toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước trong suốt gần 800 năm dưới thời phong kiến, thể hiện qua phong cách thiết kế mang hơi thở đương đại, song vẫn in đậm dấu ấn của các giá trị truyền thống đã rèn đúc nên hàng ngàn danh nhân cho đất Việt.

 Không gian triển lãm Quốc Tử Giám. Ảnh: Phương Thảo

Không gian triển lãm Quốc Tử Giám. Ảnh: Phương Thảo

Tại không gian trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khách tham quan không chỉ bắt gặp hình ảnh thầy đồ đang chuẩn bị nghiên mực để “họa” lên các tác phẩm thư pháp, mà còn được trực tiếp thực hành những nét chữ Hán cổ, bằng bút lông, nghiên mực, giấy dó đúng theo lối viết xưa. Mỗi người sẽ tự tay tạo nên một tác phẩm thư pháp mang thông điệp ý nghĩa như "An", "Bình",... trong không gian mô phỏng lớp học nho sinh thời xưa.

Là người đồng hành với chương trình "Tinh hoa đạo học" từ những ngày đầu tiên, ông Trần Thưởng - thầy đồ trong lớp học thư pháp chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc đầu tiên khi biết Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức tour đêm, đó là sự tò mò và háo hức, không biết không gian linh thiêng này sẽ hiện lên thế nào dưới ánh sáng và công nghệ hiện đại.

Niềm vui còn lớn hơn khi tôi vinh dự được trở thành một trong những người trực tiếp đồng hành và phục vụ du khách trong trải nghiệm đặc biệt cùng lớp học thầy đồ. Đây không chỉ là cơ hội để trau dồi chuyên môn mà còn là dịp để lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống thông qua từng nét bút, từng buổi trò chuyện với du khách thập phương.

Có những người đã đến Văn Miếu vào ban ngày nhiều lần, nhưng khi tham gia tour đêm, cảm xúc lại hoàn toàn khác biệt, sâu lắng và đáng nhớ. Và để làm được điều đó, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, mỗi chữ viết ra là một món quà tinh thần mang đậm dấu ấn cá nhân, là kỷ niệm đẹp mà du khách mang về sau một đêm đắm mình trong không gian đạo học”.

 Thầy đồ Trần Thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng du khách. Ảnh: Phương Thảo

Thầy đồ Trần Thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng du khách. Ảnh: Phương Thảo

Điểm nhấn của tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám là màn trình diễn 3D Mapping Show mang tên “Tinh hoa đạo học” tại sân Thái Học. Không cần lời bình, không cần lời thoại, tất cả chỉ tập trung vào những ngôn ngữ rất đặc thù của 3D Mapping. Đó là ngôn ngữ hình ảnh, ngôn ngữ màu sắc, âm thanh, ánh sáng và là tất cả những gì thuộc về hiệu ứng đặc biệt.

Trên nền tảng công nghệ 3D Mapping, xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn như tái hiện lại câu chuyện về lịch sử của ngôi trường đại học đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài ra, với sự kết hợp cùng những yếu tố văn hóa truyền thống và có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, 3D Mapping Show mang lại một trải nghiệm không thể quên dành cho du khách khi đến Hà Nội.

 Không gian biểu diễn nhạc cụ truyền thống và trình chiếu 3D Mapping "Tinh hoa đạo học", "Sử đá lưu danh". Ảnh: Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Không gian biểu diễn nhạc cụ truyền thống và trình chiếu 3D Mapping "Tinh hoa đạo học", "Sử đá lưu danh". Ảnh: Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Em Dương Thiên Hạo (13 tuổi), một du khách nhỏ tuổi đến từ Thành phố Hồ Chí Minh hào hứng chia sẻ sau khi tham gia chương trình trải nghiệm đêm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám: “Em cảm thấy rất vui và thú vị, đặc biệt là phần trình chiếu công nghệ 3D Mapping, ánh sáng và âm thanh rất đẹp.

Trước đây, khi nghe đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, em cứ nghĩ chỉ là một ngôi miếu thờ, nhưng sau chuyến tham quan lần này em mới biết đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, từng đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Em còn rất ấn tượng khi biết có bia đá cụ Rùa đã hơn 500 năm tuổi.

Ngoài ra, phần em thấy vui nhất là được hỏi đáp với cụ Rùa AI, em hỏi cụ là em học dở môn Văn thì phải làm sao, cụ trả lời là… mắm ruốc! Em không hiểu lắm nhưng thấy rất hài hước và đáng nhớ”.

 Em Dương Thiên Hạo (13 tuổi) đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Thảo

Em Dương Thiên Hạo (13 tuổi) đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Thảo

Còn theo bạn Ngô Thành Vương, sinh viên Khoa Du lịch - Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: "Tham gia tour đêm “Tinh hoa đạo học”, em không chỉ đến thăm một di tích, mà như được bước vào hành trình sống động của những nho sinh ngày xưa. Thay vì chỉ nghe kể qua sách vở, em được trực tiếp trải nghiệm các vị nho sinh học tập, thi cử và hiểu hơn vì sao việc học ngày xưa lại thiêng liêng đến vậy.

Đồng thời, khi hóa thân thành một nho sinh trong lớp học thầy đồ, được cầm bút lông viết thư pháp, nghe giảng đạo nghĩa, em càng cảm nhận rõ hơn không khí nghiêm cẩn nhưng đầy truyền cảm. Công nghệ 3D Mapping cũng là điểm nhấn khiến em ấn tượng, vì khiến câu chuyện lịch sử trở nên sống động và dễ hiểu, còn trải nghiệm thực tế ảo như đưa em ngược dòng thời gian, trở về những kỳ thi Hương, thi Hội xa xưa".

 Lớp học thầy đồ. Ảnh: Phương Thảo

Lớp học thầy đồ. Ảnh: Phương Thảo

Bà Vũ Quy (57 tuổi, sống tại Hà Nội) bày tỏ cảm xúc sau lần đầu trải nghiệm tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào buổi tối: "Cảm nhận đầu tiên của tôi là sự chu đáo, nhiệt tình của đội ngũ nhân viên và hướng dẫn viên, ai cũng tận tâm, dễ mến.

Và điều khiến tôi vui nhất là thấy di tích ngày càng được chăm chút, đổi mới với diện mạo hiện đại hơn, thu hút đông đảo các bạn trẻ. Nhờ đó, giá trị văn hóa và tinh thần hiếu học của cha ông được lan tỏa, nhắc nhở chúng ta biết trân trọng và noi theo".

Số hóa di sản là cầu nối gắn kết giá trị truyền thống và nhịp sống hiện đại

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Liên Hương - Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, trong những năm qua, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã từng bước thực hiện số hóa tài liệu và hiện vật, tạo dựng cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đó là nguồn tư liệu quý báu giúp triển khai các sản phẩm ứng dụng công nghệ, điển hình là chương trình trải nghiệm đêm “Tinh hoa đạo học”.

Dựa trên kho dữ liệu đã số hóa, trung tâm đã phối hợp với một số đơn vị công nghệ để tích hợp nhiều giải pháp hiện đại như AI (hỏi – đáp với Cụ Rùa), thực tế ảo VR360 và đặc biệt là trình chiếu công nghệ 3D Mapping kết hợp cùng nghệ thuật biểu diễn. Những hoạt động này góp phần tái hiện sinh động không gian lịch sử, văn hóa và đời sống học đường xưa của Quốc Tử Giám, tạo trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là hạn chế về hạ tầng công nghệ và thiếu nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng vào di sản.

Việc đầu tư trang thiết bị đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi nguồn lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đội ngũ nhân sự am hiểu cả hai lĩnh vực công nghệ và văn hóa cũng là một thách thức lớn.

 Công nghệ 3D Mapping "kể chuyện" tinh hoa đạo học tại tour đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Phương Thảo

Công nghệ 3D Mapping "kể chuyện" tinh hoa đạo học tại tour đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Phương Thảo

Bà Hương chia sẻ thêm, mục tiêu mà trung tâm hướng tới khi triển khai chương trình trải nghiệm đêm không chỉ là phát huy sâu sắc giá trị văn hóa – giáo dục của di tích, mà còn tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong giai đoạn tự chủ hiện nay, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và chủ động hơn trong việc vận hành, phát triển bền vững.

Đồng thời, chương trình cũng góp phần tạo nguồn thu tái đầu tư cho công tác bảo tồn, tu bổ di tích. Những kết quả đạt được ban đầu đã cho thấy hướng đi đúng đắn của trung tâm, tuy nhiên để khai thác hiệu quả tiềm năng và duy trì lâu dài, cần tiếp tục triển khai các giải pháp mang tính đồng bộ, dài hạn và có chiến lược rõ ràng.

Ngoài ra, bà Hương cũng khẳng định rằng: “Số hóa di sản không làm “phai nhòa” giá trị văn hóa mà chính là phương tiện hữu hiệu để bảo tồn, lan tỏa và nâng tầm di sản trong dòng chảy hiện đại.

Đây không chỉ là bước đi chiến lược của riêng Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mà còn là xu hướng tất yếu trong bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch thông minh tại Hà Nội và trên cả nước”.

Một số hình ảnh về chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám:

Phương Thảo

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tour-dem-van-mieu-quoc-tu-giam-diem-nhan-du-lich-thu-do-tai-hien-van-hoa-khoa-bang-post252856.gd