Tour du lịch dịp Tết: Khách 'chốt' sớm các tuyến xa
Dịp Tết năm nay, những du khách có nhu cầu đi du xuân đã sớm tìm đơn vị du lịch tham vấn, trong đó, các tuyến xa được khách lựa chọn đặt tour sớm, nhất là tour đi nước ngoài.
Chọn tour sớm để chủ động
Sau khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố chính thức lịch nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 29 tháng 12 Âm lịch. Nhiều người đã quyết định “chốt” chương trình đi du xuân. Ông Đào Quang Luận (Thanh Xuân, Hà Nội) sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng và tham vấn những người đi trước đã đến văn phòng Vietravel Hà Nội đặt tour đi Bắc Kinh (Trung Quốc) dịp Tết này.
“Mục đích cũng trải nghiệm không khí đón Tết ở nước láng giềng xem có khác gì so với Việt Nam. Điểm đến này, gia đình tôi cũng đã bàn thảo và quyết định lựa chọn sớm để chuẩn bị. Đợt này các đơn vị lữ hành nên gia đình cũng đặt sớm để có được giá hợp lý và hưởng chương trình khuyến mại”, ông Luận cho biết.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội cho biết: “Lượng khách dự kiến đi trong dịp Tết của Vietravel Hà Nội khoảng 5.000 – 6.000 khách. Điểm đáng chú ý là khách đi các tuyến xa đặt tour sớm, trong khi các khách đi tuyến nội địa có xu hướng lựa chọn dịch vụ combo (theo gói). Để kích cầu, trong khuôn khổ chương trình khuyến mại Xuân 2024 từ 15/11/2023 đến hết 29/2/2024 (áp dụng với các tour khởi hành từ 1/12/2023 đến hết 29/2/2024), du khách khi mua tour sẽ được hưởng ưu đãi lên tới 5 triệu đồng/khách”.
“Khách mua tour du xuân đi Yên Tử, Tam Chúc – Tràng An sẽ được giảm 35%, tương đương với việc hỗ trợ tiền xe cho khách để có chương trình du xuân nhiều ý nghĩa đầu năm. Với tour nước ngoài, với cự ly trung bình, du khách có thể lựa chọn hành trình ngắm tuyết rơi, chơi trượt tuyết ở các địa danh của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc tour "trốn lạnh” tại Chiangmai (Thái Lan), Campuchia, Ấn Độ, Dubai, Nam Phi… Du khách cũng chọn tuyến quốc gia Châu Âu, Mỹ, New Zealand… Đáng chú ý, các tour đi nước ngoài, khách chốt tour khá sớm với tỷ lệ lấp đây chỗ đạt 70%”, ông Phạm Văn Bảy chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing của TST tourist cho biết: “Đơn vị đã sớm đo lường “sức khỏe” thị trường, nhu cầu để đưa ra những sản phẩm phù hợp với phân khúc thị trường của mình. Trong đó, xu hướng tour giá rẻ sẽ không còn, thay vào đó, nhu cầu đặt tour sớm, ưu tiên chất lượng, giá hợp lý được khách quan tâm hơn hết. Xu hướng đặt tour sớm với thời gian từ trước 3 tháng đã tạo nên cách nhìn mới về chất lượng du khách Việt Nam, khách hàng thuộc phân khúc thu nhập trung bình khá trở lên không còn chờ “săn tour giá rẻ” mà chủ động tìm kiếm cơ hội giữ chỗ cho tour chất lượng dành cho nhóm từ 2 đến 10 khách, thời gian đặt tour sớm cũng thay đổi, trung bình thời gian đặt tour của du khách trước ngày khởi hành từ 1-2 tháng thì nay đã tăng lên từ 3 tháng trở lên, đó là một dấu hiệu hoàn toàn mới so với trước đây. Dịp Tết năm nay, lượng chỗ đơn vị dự kiến khoảng 1.500 và đến nay đã có hơn 50% đăng ký, nhất là các tuyến đi xa”.
“Với các tour trong nước khởi hành từ TP Hồ Chí Minh có một số sản phẩm đáng chú ý như tour du xuân Tây Bắc với Mộc Châu - Điện Biên – Sapa hoặc những trải nghiệm hấp dẫn mùa hoa mận Mộc Châu, check-in Lều Mây Retreat, chinh phục Fansipan. Bên cạnh đó là 2 tuyến bao gồm: Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình - Hạ Long và Hà Nội - Sapa - Hạ Long - Ninh Bình. Tuyến du xuân Miền Trung có các hành trình như: Đà Nẵng - Hội An - Huế; Nha Trang - Phú Yên - Quy Nhơn; Nha Trang - Đà Lạt”, ông Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ.
Các doanh nghiệp du lịch đều chung đánh giá, theo xu hướng thị trường Tết Nguyên đán năm nay, du khách chọn tour trọn gói theo các tuyến xa nhiều hơn, kể cả trong và ngoài nước. Những điểm đến cự ly ngắn, đặc biệt là các tuyến có đường cao tốc thuận tiện trong phạm vi 300km trở lại sẽ thu hút dòng khách du lịch tự túc và đặt dịch vụ nhiều hơn so với tour trọn gói. Giá vé của tất cả phương tiện đều có xu hướng tăng, vì vậy giá tour năm nay dự báo cũng không có mức giá rẻ, mức giá tour bán ra mặc dù đã cân đối vẫn có khả năng tăng tối thiểu từ 15% so với cùng kỳ.
Liên kết làm mới sản phẩm
Dịp Tết là mùa cao điểm du lịch nội địa đi du xuân nên dự báo các điểm du lịch văn hóa tâm linh, danh thắng nổi tiếng sẽ hút khách. Với lượng khách tự đi nhiều, nên có khả năng xảy ra quá tải tại các điểm du lịch nổi tiếng nếu chính quyền địa phương không có sự điều phối tốt.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho rằng: Xu thế lựa chọn của khách du lịch đang có sự thay đổi lớn sau dịch COVID-19. Với ứng dụng công nghệ chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, với những điểm đến phổ thông, dịch vụ có thể được trực tuyến dễ đàng thì khách sẽ chủ động đặt dịch vụ. Lúc đó, khách chỉ thông qua công ty du lịch một số dịch vụ theo dạng combo hoặc chuyển hướng lựa chọn sản phẩm du lịch đặc trưng hoặc các tuyến đi quốc tế xa chưa chủ động kết nối dịch vụ. Điều này cũng đặt ra cho các doanh nghiệp du lịch phải tự đổi mới, trong đó làm mới sản phẩm du lịch, dịch vụ.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch trong thời gian qua đã hồi phục nhanh, nhất là du lịch nội địa. Tuy nhiên, khi du lịch tăng trưởng "ào ào", tất cả tình trạng cũ của du lịch lại tái phát, như chặt chém, tăng giá tùy tiện, chỗ đông chỗ ít, lộn xộn trong hoạt động du lịch. Về vĩ mô, việc liên kết, kết nối giữa các vùng miền, các ngành, các doanh nghiệp đều không được tốt. Do đó, xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lại tăng giá, hạ giá và lộn xộn.
“Theo phản ánh từ các hiệp hội du lịch địa phương, tuyến du lịch nội địa xe, giá vé hàng không tăng cao đẩy giá tour tăng cao, không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh khiến khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước”, ông Vũ Thế Bình nhận xét.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để phát triển du lịch bền vững, nhất là du lịch dịp Tết, cần đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác; thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực; nhân rộng mô hình hợp tác công - tư trong quản lý điểm đến cấp vùng, cấp địa phương. Các địa phương đẩy mạnh quản lý điểm đến, kiểm soát sức chứa tại khu, điểm du lịch, tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.