'Toy Story 4' gây tiếng vang trên 'sân khách'
Không nằm ngoài dự đoán, bộ phim hoạt hình 'Toy Story 4' (tựa đề Việt ngữ: 'Câu chuyện đồ chơi 4') đã lĩnh chiếm ngôi vương phòng vé Bắc Mỹ trong tuần qua, nhưng thành tích của tác phẩm này không được như kỳ vọng tại 'sân nhà'.
Bộ phim hoạt hình mới nhất của Pixar và Walt Disney được công chiếu tại 4.575 cụm rạp ở Bắc Mỹ từ ngày 21/6 vừa qua và chỉ thu về xấp xỉ 118 triệu USD sau 3 ngày khai màn. Đây là kết quả tương đối thấp so với mức doanh thu ước tính 150 - 200 triệu USD mà giới phê bình đánh giá và dưới cả mức mục tiêu 140 triệu USD của hãng phim Disney.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận thành công của "Toy Story 4". Nếu không tính yếu tố lạm phát, bộ phim đứng thứ tư trong danh sách tác phẩm hoạt hình có mở màn thành công nhất lịch sử phòng vé Bắc Mỹ, sau "Shrek the Third" (doanh thu mở màn 122 triệu USD, năm 2007), "Finding Dory" (135 triệu USD, năm 2016) và "Incredibles 2" (183 triệu USD, năm 2018). Còn nếu tính lạm phát, "Toy Story 4" sẽ nằm ở vị trí thứ 7, sau thêm các phim "Minions" (115 triệu USD, năm 2015), "Shrek 2" (108 triệu USD, năm 2004), và "Toy Story 3" (110 triệu USD, năm 2010).
Ngoài ra, tác phẩm của đạo diễn Josh Cooley đã thắng lớn tại các thị trường quốc tế với ước tính 120 triệu USD từ 49 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có Việt Nam) sau 3 ngày công chiếu. Những điều đặc biệt gây ấn tượng đó là "Toy Story 4" đã trở thành bộ phim có thành tích mở màn cao nhất lịch sử tại Argentina (6,9 triệu USD); là bộ phim hoạt hình có doanh thu công chiếu cao nhất tại Anh (15 triệu USD) - mức mở màn cao nhất đối với một phim hoạt hình tại xứ sở sương mù; và là bộ phim có doanh thu công chiếu cao thứ 3 trong lịch sử phòng vé tại Mexico (23,4 triệu USD).
Vẫn giống với mô-típ của những phần phim trước, phần phim thứ 4 của "Toy Story" cũng có một câu chuyện hết sức đơn giản và tươi vui. Ngoài việc giới thiệu đến công chúng cách suy nghĩ mới mẻ của những đồ chơi thất lạc, bộ phim tiếp tục làm tốt trong việc truyền tải những ý nghĩa nhân văn về sứ mệnh của những món đồ chơi, tình yêu chân thành và thuần khiết của trẻ em với những người bạn đồ chơi của chúng, về khát khao được yêu thương, được cần đến…
"Toy Story 4" nhận sự ủng hộ gần như tuyệt đối từ giới phê bình với 98% các bài đánh giá là tích cực theo tổng hợp của Rotten Tomatoes. Khán giả đại chúng chấm phim điểm A, theo điều tra sau suất chiếu của Cinema Score.
Đứng thứ hai trong danh sách các bộ phim ăn khách nhất Bắc Mỹ tuần qua là tác phẩm kinh dị "Child's Play", với doanh thu 14 triệu USD từ 3.007 cụm rạp. Đây là thành tích mở màn tương đối tốt đối với một bộ phim bị gắn nhãn R (không dành cho khán giả dưới 17 tuổi) và mức kinh phí sản xuất 10 triệu USD.
Bộ phim về búp bê sát nhân Chucky nhận nhiều ủng hộ từ báo giới, với điểm 60% tích cực trên Rotten Tomatoes. Mặc dù vậy, khán giả lại chỉ chấm cho tác phẩm này điểm C+ trong điều tra sau suất chiếu của Cinema Score.
"Aladdin" vẫn duy trì sức hút tại các phòng vé, khi vẫn tiếp tục mang về 12,2 triệu USD từ 3.435 cụm rạp Bắc Mỹ trong tuần qua, tức chỉ giảm 29,5% doanh thu so với tuần trước. Sau gần 5 tuần ra rạp, bộ phim này gặt hái hơn 287,5 triệu USD từ thị trường nội địa và 522,6 triệu USD từ các thị trường quốc tế.
Trong khi đó, "Men in Black: International" tuột dốc không phanh với chỉ 10,8 triệu USD từ 4.224 rạp, tức giảm 64,2% so với tuần công chiếu. Sau hai tuần phát hành, bộ phim viễn tưởng này mới chỉ thu về 52 triệu USD từ Bắc Mỹ và khoảng 129,4 triệu USD từ các thị trường quốc tế.
Danh sách 10 phim ăn khách tại Bắc Mỹ trong tuần qua:
1. Toy Story 4 - 118 triệu USD
2. Child’s Play - 14 triệu USD
3. Aladdin - 12,2 triệu USD
4. Men in Black: International - 10,8 triệu USD
5. The Secret Life of Pets 2 - 10,29 triệu USD
6. Rocketman - 5,65 triệu USD
7. John Wick: Chapter 3 – Parabellum - 4,1 triệu USD
8. Godzilla: King of the Monsters - 3,7 triệu USD
9. X-men: Dark Phoenix - 3,6 triệu USD
10. Shaft - 3,6 triệu USD.