Toyota, nông dân Australia khốn đốn vì khủng hoảng điện Trung Quốc

Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế toàn cầu, từ những nông dân chăn cừu ở Australia đến các nhà sản xuất ôtô quốc tế.

Trung Quốc đang vật lộn với tình trạng thiếu điện trên diện rộng. Cuộc khủng hoảng năng lượng giáng đòn vào nền kinh tế thứ 2 thế giới, có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng áp lực lạm phát.

Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm hệ thống vận chuyển toàn cầu đang tắc nghẽn. Hàng hóa không kịp giao cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng bắt đầu mùa thu hoạch.

"Nếu tình trạng thiếu điện và cắt giảm sản lượng tiếp tục diễn ra, nguồn cung toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi chúng tác động tới hoạt động sản xuất các hàng hóa xuất khẩu", Bloomberg dẫn lời ông Louis Kuijs, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Oxford Economics, bình luận.

 Tình trạng thiếu điện là một trong những mối đe dọa lớn của nền kinh tế thứ hai thế giới. Ảnh: Reuters.

Tình trạng thiếu điện là một trong những mối đe dọa lớn của nền kinh tế thứ hai thế giới. Ảnh: Reuters.

Tăng trưởng lao dốc

Giới quan sát cảnh báo về tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Còn đối với người tiêu dùng toàn cầu, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà sản xuất và bán lẻ sẽ chịu phần chi phí tăng cao, hay đẩy sang phía họ.

"Nó giống một cú sốc đình lạm (nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao) khác đối với ngành sản xuất, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới", ông Craig Botham, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics, bình luận.

"Giá sẽ tăng trên phạm vi rộng. Đó là hệ quả của việc Trung Quốc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông nói thêm.

Bắc Kinh đã yêu cầu các mỏ than tăng sản lượng và tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng trên toàn cầu. Tác động đối với nền kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc vào kết quả của những nỗ lực đó.

"Chính quyền Trung Quốc đã phản ứng với phần tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng, chứ không phải toàn bộ cuộc khủng hoảng", các nhà kinh tế tại Societe Generale SA bình luận.

Giá sẽ tăng trên phạm vi rộng. Đó là hệ quả của việc Trung Quốc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Ông Craig Botham, nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics

Việc hạn chế sử dụng điện đối với các ngành sử dụng nhiều năng lượng như thép, nhôm và xi măng vẫn sẽ kéo dài trong nhiều tháng. Trung Quốc cũng tiếp tục siết chặt kiểm soát việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên, làm tăng thêm áp lực giá toàn cầu.

Nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu đang chịu áp lực. Theo Bloomberg, "vết thương" kinh tế cũng có thể lây lan sang những ngành khác.

Việc sản xuất hộp carton và đồ đóng gói vốn đã căng thẳng do nhu cầu tăng cao trong thời kỳ đại dịch. Theo Rabobank, ở thời điểm hiện tại, sự đình trệ tại Trung Quốc càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng. Nguồn cung có thể giảm 10-15% trong tháng 9 và tháng 10.

Điều này sẽ giáng thêm đòn lên các doanh nghiệp vốn đang chật vật vì tình trạng thiếu hụt giấy trên toàn cầu.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng thực phẩm cũng lao đao vì khủng hoảng năng lượng. Trung Quốc - nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới - sẽ đối mặt với một mùa thu hoạch khó khăn.

Giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng một thập kỷ. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thu hoạch các loại cây trồng từ ngô, đậu nành đến bông.

Giá tăng cao

Trong những tuần qua, nhiều nhà máy đã buộc phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng. Một số nhà máy đậu nành của Louis Dreyfus Co., Bunge Ltd. và đơn vị Yihai Kerry của Wilmar International Ltd. nằm trong số những nhà máy bị ảnh hưởng. Đậu nành được chế biến thành dầu ăn và thức ăn gia súc.

Giá phân bón cũng tăng chóng mặt, ảnh hưởng đến những người nông dân vốn đã lao đao vì sức ép của chi phí gia tăng.

Ngành công nghiệp chế biến cũng chịu ảnh hưởng. Tình trạng thiếu điện sẽ làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy vắt sữa. Trong khi đó, nguồn cung kho lạnh của những nhà cung cấp thịt lợn bị thắt chặt hơn.

Bên ngoài Trung Quốc, những người nông dân chăn cừu ở Australia cũng chứng kiến nhu cầu sụt giảm. Bởi các nhà máy Trung Quốc giảm sản lượng tới 40% vì thiếu điện, theo Australian Broadcasting Corp.

Ngành công nghiệp công nghệ cũng bị giáng đòn mạnh. Bởi Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới của các mặt hàng như iPhone, máy chơi game, và là trung tâm đóng gói chất bán dẫn, được dùng trong ôtô và thiết bị gia dụng.

 Chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn lao đao vì tình trạng tắc nghẽn và chi phí vận chuyển leo thang, một lần nữa bị giáng đòn bởi cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn lao đao vì tình trạng tắc nghẽn và chi phí vận chuyển leo thang, một lần nữa bị giáng đòn bởi cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Một số công ty phải ngừng hoạt động tại các nhà máy ở Trung Quốc để tuân thủ những hạn chế của địa phương. Pegatron Corp. - đối tác quan trọng của Apple - bắt đầu áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng. ASE Technology Holding Co. - nhà đóng gói chip lớn nhất thế giới - đã tạm dừng sản xuất trong vài ngày.

Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn có thể ảnh hưởng đến sản lượng, trong khi mùa mua sắm cao điểm cuối năm đang đến gần.

Những gã khổng lồ trong ngành như Dell Technologies Inc. và Sony Group Corp. không thể chịu thêm một cú sốc về nguồn cung nữa, khi tình trạng khan hiếm chip nghiêm trọng trên toàn cầu do đại dịch vẫn chưa kết thúc.

Sự thiếu hụt chip cũng tác động nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ôtô. Giờ đây, họ có thể bị giáng thêm đòn. Toyota - công ty sản xuất hơn 1 triệu xe mỗi năm tại Trung Quốc - cho biết một số hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toyota-nong-dan-australia-khon-don-vi-khung-hoang-dien-trung-quoc-post1269379.html