TP Đà Nẵng: Phát huy tốt vai trò, chức năng của HĐND trong điều kiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị

Tham luận của PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TP ĐÀ NẴNG NGUYỄN THỊ ANH THI tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng hiện có 51 đại biểu. Trong nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội; theo đó, 8 quận và 45 phường trên địa bàn thành phố không còn tổ chức hội đồng nhân. Với khối lượng công việc tăng lên khá nhiều (giảm 21 đại biểu chuyên trách cấp quận, phường trong khi đó chỉ tăng 03 chuyên trách của HĐND thành phố), ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Thường trực HĐND thành phố tập trung, thường xuyên chú trọng việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố Đà Nẵng đáp ứng trong điều kiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi trình bày tham luận. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi trình bày tham luận. Ảnh: Lâm Hiển

Một số kết quả nổi bật

Việc tổ chức các kỳ họp của HĐND được tập trung đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng theo hướng dành nhiều thời gian cho thảo luận, chất vấn đi vào trọng tâm, chiều sâu, có cam kết thời gian thực hiện cụ thể của các ngành. Qua gần 02 năm, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức 10 kỳ họp của HĐND thành phố Khóa X đảm bảo theo quy định, thông qua 167 Nghị quyết và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác, là những cơ chế, chính sách có ý nghĩa quan trọng, tác động sâu rộng và trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân thành phố, tạo cơ sở quan trọng cho việc quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; đồng thời, qua Kỳ họp đã tổng hợp, xem xét giải quyết các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân. Các nội dung trình kỳ họp được chủ động nghiên cứu, tổ chức giám sát, tham gia ý kiến với cơ quan chức năng, các quận, huyện, phường, xã để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự thảo Nghị quyết. Nhờ đó, các nghị quyết của HĐND thành phố được ban hành đảm bảo đúng quy trình, bám sát thực tiễn, đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Cùng với việc tổ chức các kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức các phiên họp thường kỳ hàng tháng với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các phiên họp hằng tuần của Thường trực HĐND; việc duy trì các phiên họp đã kịp thời giám sát, đôn đốc UBND thành phố và các ngành chức năng liên quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh trong người dân.

Công tác thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp ngày càng sôi nổi, quyết liệt, đi vào nội dung mà cử tri quan tâm, đã gợi mở, thông qua nhiều cơ chế, chính sách cho người dân. Đặc biệt, Thường trực HĐND đổi mới, nâng cao chất hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với việc chủ động xây dựng và đưa vào chương trình kỳ họp thường lệ để thảo luận, thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở quan trọng để theo dõiviệc thực hiện các nội dung cam kết chất vấn tại Kỳ họp, các vấn đề cử tri, nhân dân thành phố quan tâm, phản ánh, qua đó có những chính sách thiết thực, hiệu quả, gắn chặt với đời sống người dân thành phố.

Xác định hoạt động giám sát là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng, nhất là trong điều kiện chưa có hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám sát mô hình chính quyền đô thị, HĐND thành phố đã chủ động nghiên cứu, triển khai hoạt động giám sát, phát huy vai trò, trách nhiệm và với tinh thần chủ động, linh hoạt, đồng thời ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 về quy định một số hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐHD thành phố khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đó, hoạt động giám được tăng cường và có nhiều đổi mới, phát huy tốt hiệu quả hoạt động giám sát tại các kỳ họp HĐND thành phố, nhất là thông qua báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND, qua hoạt động thảo luận, chất vấn tại kỳ họp. Tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề, khảo sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành phố tương đối toàn diện, có chiều sâu trên các lĩnh vực; các chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, các vấn đề bức xúc, kiến nghị, phản ảnh của cử tri thành phố, chú trọng việc giám sát ở cơ sở, đã thực hiện giám sát tất cả các phường, xã; tổ chức hơn 70 cuộc cuộc kiểm tra thực tế, buổi làm việc với các địa phương, đơn vị về giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, kịp thời phát hiện và tiến hành giám sát, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính quyền đô thị.

Công tác tiếp xúc cử tri trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng được đổi mới và nâng cao chất lượng theo hướng tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề. Một cách làm nổi bật trong việc đổi mới phương thức hoạt động tiếp xúc cử phù hợp với tổ chức mô hình chính quyền đô thị đó là Thường trực HĐND thành phố tổ chức có hiệu quả 3 Chương trình “HĐND với cử tri”. Đây là những hình thức mới trong giám sát giữa 2 kỳ họp, chương trình nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cử tri và Nhân dân thành phố; qua đó, nhiều vấn đề bất cập, các vụ việc nổi cộm trên địa bàn thành phố được kịp thời xử lý, khắc phục sớm, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân. Bên cạnh đó, trong năm 2022 đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Có thể nói rằng, thời gian qua hoạt động HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố Đà Nẵng không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đảm bảo giữ vững và phát huy tốt vai trò, chức năng giám sát, quyết định của HĐND thành phố, từng bước đáp ứng trong điều kiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhưng việc triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị dần đi vào nền nếp, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính được tinh gọn, tiết kiệm chi phí ngân sách, giảm và rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục hành chính, tính năng động trong hoạt động của chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các quận, phường được nâng lên, phù hợp với tính chất của mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đặt ra một số vấn đề mới liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu; HĐND thành phố ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan, còn thực hiện thêm các nhiệm vụ, quyền hạn theo Nghị quyết số 119/2020/QH14; phạm vi, đối tượng giám sát được mở rộng thêm đối với cấp quận, phường (nơi không tổ chức HĐND), cụ thể như:

Một là, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì quyền đại diện của người dân trực tiếp thông qua đại biểu HĐND phường và HĐND quận không còn, thay vào đó được thực hiện thông qua các kênh khác như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp… Tuy nhiên, số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chiếm đa số; chức năng, nhiệm vụ của HĐND thành phố tăng thêm do không tổ chức HĐND quận, phường, do vậy cũng ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của người dân ở đô thị.

Hai là, việc chuyển cán bộ, công chức phường thành công chức thuộc biên chế quận, nhiều nơi phát sinh tư tưởng, tâm tư của cán bộ phường, có sự so sánh về chế độ, chính sách, chế độ công vụ so với công chức làm việc tại phường theo quy định tại Nghị định số 34/2021/NĐ-CP; chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách phường, xã chưa đảm bảo như cán bộ, công chức trong khi chế độ làm việc và áp lực công việc như cán bộ, công chức phường, xã.

Ba là, khi thực hiện chuyển ngân sách quận, phường từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán nên giai đoạn đầu lúng túng trong quá trình thực hiện, thiếu tính chủ động trong dự toán, quyết định ngân sách; việc xác định các tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách còn bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời để đảm bảo việc vận hành của chính quyền địa phương được thông suốt, hiệu quả; mặc khác một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến tài chính, ngân sách chưa có quy định cụ thể để áp dụng mô hình UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách.

Bốn là, vẫn còn lúng túng trong phân cấp, ủy quyền và xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình rà soát các nội dung, nhiệm vụ đã, đang và sẽ phân cấp, ủy quyền để phù hợp với mô hình chính quyền đô thị.

Tăng thêm số lượng Ủy viên chuyên trách của các Ban HĐND thành phố

Từ thực tiễn và những vấn đề mới đặt ra đối với hoạt động khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất,về nhân lực của HĐND thành phố và cơ quan tham mưu, giúp việc để thực hiện nhiệm vụ: Khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, số lượng người hoạt động chuyên trách công tác HĐND quận, phường giảm 63 người (18 ở quận và 45 ở phường), theo đó chức năng, nhiệm vụ của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố và các Ban HĐND tăng thêm rất lớn (tăng 63 đối tượng giám sát trực tiếp và 8/13 nhiệm vụ của HĐND quận, phường). Tuy nhiên, số lượng đại biểu HĐND thành phố hoạt động kiêm nhiệm chiếm đa số, chuyên trách ít (02 Phó Chủ tịch và 12 lãnh đạo Ban chuyên trách), số lượng biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố được phân bổ thấp (29 biên chế). Kính đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét kiến nghị tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố Đà Nẵng theo hướng tăng thêm số lượng Ủy viên chuyên trách của các Ban HĐND thành phố; đồng thời quan tâm phân bổ thêm cho thành phố biên chế công chức để HĐND thành phố tăng nguồn lực cho cơ quan giúp việc nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 119 của Quốc hội.

Thứ hai, về biên chế công chức của UBND cấp phường. Hiện nay, quy định tại Nghị định số 34 của Chính phủ thì biên chế công chức bình quân làm việc tại Ủy ban nhân dân phường là 15 người. Thực tế cho thấy quy định bình quân này là chưa phù hợp vì những phường có số dân đông và ít cũng có số biên chế công chức như nhau. Vì vậy đề nghị căn cứ dân số của từng phường để xác định biên chế công chức phường và theo hướng: Phường có từ 25.000 dân trở xuống được 15 biên chế công chức; cứ phường có thêm 20.000 dân thì tăng thêm 01 biên chế công chức; phường trên 110.000 dân thì có 20 biên chế công chức.

Thứ ba, hiện nay người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã có mức phụ cấp 1.14 mức lương cơ sở (tương đương 1.698.600 đồng/tháng). Mặt khác, theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm xã hội của người hoạt động không chuyên trách xã, phường bằng 1.0 mức lương cơ sở. Thực tế cho thấy đời sống của người hoạt động không chuyên trách ở các phường, xã hiện nay rất khó khăn, cần có chính sách hỗ trợ thêm. Trong khi đó, họ là lực lượng đảm nhận nhiều nhiệm vụ ở địa phương, xử lý, giải quyết các công việc cụ thể của nhân dân ở cơ sở.Trước tình hình đó, kính đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo Chính phủ, Bộ Nội vụ có quy định giao HĐND thành phố xem xét quyết định chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã; đồng thời quy định mức đóng bảo hiểm xã hội của người hoạt động không chuyên trách xã, phường bằng mức phụ cấp hằng tháng được hưởng theo quyết định của HĐND thành phố (không đóng 1 mức lương cơ sở như hiện nay).

Thứ tư, về tài chính, ngân sách của cấp quận, phường:Khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách nên không còn nguồn tăng thu, nguồn kết dư ngân sách, nguồn dự phòng ngân sách. Thực tế quá trình quản lý nhà nước trên địa bàn quận, phường phát sinh nhiều nội dung chi, nhất là sửa chữa cơ sở hạ tầng đô thị, an sinh xã hội, giải quyết bức xúc của nhân dân… nên khi không còn là cấp ngân sách, quận, phường không chủ động trong điều hành ngân sách, nguồn chi để kịp thời xử lý những vấn đề cấp thiết này. Kính đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét kiến nghị để việc sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính, ngân sách cho quận, phường được linh hoạt hơn, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường để tạo điều kiện cho quận, phường kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Xây dựng chính quyền đô thị là một yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế. Hiện nay thành phố Đà Nẵng cùng với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND trong điều kiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị là rất cần thiết nhằm ngày càng hoàn thiện thiết chế dân chủ, góp phần thực hiện tốt vai trò, chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/tp-da-nang-phat-huy-tot-vai-tro-chuc-nang-cua-hdnd-trong-dieu-kien-to-chuc-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-i316761/