'Trồng nhà' giữa những nương ngô: Mái ấm cho người nghèo ở Cao Bằng
Đến nay, huyện Hà Quảng- Cao Bằng đã xóa được 1.526 nhà tạm, nhà dột nát và giải ngân số tiền gần 68 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2024, địa phương hỗ trợ cho hơn 1.000 căn nhà nữa và có thể tiếp tục giải ngân trên 45 tỷ đồng.
Căn nhà kiên cố giữa nương ngô
Men theo con đường mòn nhỏ mấp mô, xung quanh là đồi núi của xóm Sỹ Điêng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng), nhìn từ xa đã thấy nổi bật giữa nương ngô trĩu bắp là căn nhà kiên cố, mái tôn xanh vững chãi, rộng hơn 100m2 của gia đình anh Lý Văn Nó, người dân tộc Mông, 34 tuổi.
Nhà anh Nó có 10 nhân khẩu, gồm bố mẹ, hai vợ chồng anh và 6 đứa con. Anh Nó cho biết, trước đây, gia đình anh phải sống trong ngôi nhà cũ xiêu vẹo chưa tới 40m2, dựng lên bằng mấy tấm ván và cọc tre, lợp mái fibro xi măng: “Cứ mưa bão là cả nhà lo lắm, vì nhà dột nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào”.
Sau này, gia đình anh được chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ 40 triệu đồng để làm căn nhà mới, mua cho trâu, bò giống, hướng dẫn sản xuất tạo sinh kế bền vững.
Vừa thái cỏ cho đàn trâu, bò ăn, anh Nó vui mừng chia sẻ, nhà lại sắp có thêm một chú bê con. Nhà anh cũng đã sắm được xe máy, mua được quạt điện, cuộc sống ấm no hơn trước nhiều.
“Ở nhà cũ gió to là bay mái pro xi măng, cả nhà sợ lắm. Bây giờ ở nhà mới, mưa gió thấy bình thường, yên tâm và không sợ. Làm xong nhà mới tôi thấy rất vui và rất cảm ơn các cán bộ xã”, anh Nó nói.
Chị Dương Thị Đâu - vợ anh Lý Văn Nó cũng không giấu được niềm vui: “Nhà tôi chỉ làm rẫy, lấy củi, lấy cỏ cho bò. Có Nhà nước hỗ trợ thì mới dựng được nhà vững chắc, không thì không có tiền làm”.
Cách nhà anh Lý Văn Nó không xa, gia đình anh Sùng Văn Đình, 27 tuổi, người dân tộc Mông, có 6 nhân khẩu cũng đã xây được ngôi nhà mới kiên cố vững chắc được gần 2 năm khi được hỗ trợ 50 triệu đồng. Giờ đây, với căn nhà mới khang trang “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, vợ chồng anh Đình yên tâm làm rẫy trồng ngô, chăn nuôi trâu, bò, tăng gia sản xuất.
“Nhà tôi là nhà dột nát nên được Nhà nước hỗ trợ làm nhà mới. Trước đây là nhà gỗ, mái ngói không xây nên hỏng hết rồi. Bây giờ đã có nhà mới gia đình yên tâm làm ăn”, anh Đình chia sẻ.
Triển khai từ năm 2021, đến nay, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) đã hỗ trợ xóa được hơn 1.500 nhà tạm, nhà dột nát; giúp người dân có được những căn nhà khang trang, an toàn, ấm cúng hơn trong mùa mưa lũ, mùa đông. Từ điểm sáng này, chương trình đã được nhân rộng trên toàn tỉnh.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”, bên cạnh hỗ trợ sửa chữa, xây nhà mới, Hà Quảng còn đặc biệt quan tâm đến việc tạo sinh kế, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững; phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ đưa huyện cơ bản thoát nghèo.
Cả hai gia đình anh Lý Văn Nó và anh Sùng Văn Đình đều thuộc diện hộ dân được nhận hỗ trợ theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng từ năm 2022. Các con của anh Nó, anh Đình đi học cũng nhận được hỗ trợ gạo và tiền hàng tháng.
Cuối năm 2025 xóa hết nhà tạm, nhà dột nát
Theo ông Phạm Xuân Tùng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, đây là một huyện biên giới còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Địa bàn huyện Hà Quảng gồm 21 xã, thị trấn và 195 xóm, với tuyệt đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh và Hà Quảng là huyện đi đầu trong phong trào này.
Đến nay, huyện đã xóa được 1.526 nhà tạm, nhà dột nát và giải ngân số tiền gần 68 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2024, chương trình hỗ trợ cho hơn 1.000 căn nhà nữa và có thể tiếp tục giải ngân trên 45 tỷ đồng.
“Xuất phát điểm của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là từ năm 2020, khi đó Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lên thăm Cao Bằng đã đề xuất, thấy bà con có cuộc sống còn rất khó khăn và đã kêu gọi, huy động được khoản kinh phí 35 tỷ từ UBND thành phố Hà Nội để hỗ trợ cho huyện Hà Quảng. Từ nguồn vốn này, chúng tôi đã hỗ trợ được cho 826 hộ có được nhà khang trang, an toàn, ấm cúng hơn trong mùa mưa lũ, mùa đông. Chính từ điểm sáng này đã nhân rộng Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh”, ông Tùng thông tin.
Thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển kinh tế xã hội, huyện Hà Quảng đã kế thừa những thành tựu của các giai đoạn trước và đã có những kết quả rất tiến bộ, tích cực trong phát triển kinh tế xã hội cho các khu vực, các cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể, 100% các xã hiện nay đã có đường ô tô đến trung tâm xóm; trong 195 xóm chỉ còn trên 5 cụm xóm đang xây dựng hệ thống đường giao thông; 97% cụm xóm đã có điện lưới quốc gia; gần 100% các trung tâm xóm đã được tiếp cận các sóng truyền thông. Đối với vùng cao Hà Quảng, vấn đề rất khó khăn là nước sinh hoạt. Trong những năm qua, được sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, hệ thống hồ chứa nước, các hồ chứa nước mưa và hệ thống kênh dẫn đã giúp cho đồng bào vùng cao có đủ nước sinh hoạt và hỗ trợ một phần nước cho hỗ trợ sản xuất. Chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm tạo sinh kế, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Ông Phạm Xuân Tùng cho biết, Hà Quảng chú trọng các hoạt động như hỗ trợ người dân về vốn sản xuất, về các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các mô hình hỗ trợ sản xuất gắn với cộng đồng. Những hoạt động này đã tạo ra sinh kế và thu nhập cho người dân, qua đó, tỷ lệ giảm nghèo huyện Hà Quảng từ năm 2020 đến nay đã có chuyển biến rõ rệt. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, cũng như Quyết định 880 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Hà Quảng phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ cơ bản trở thành huyện thoát nghèo.
Với quyết tâm và sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, đến hết năm 2025, cơ bản những hộ gia đình quá khó khăn còn nhà tạm, nhà dột nát cũng sẽ được hỗ trợ, từng bước được xóa bỏ hoàn toàn.