TP.Dĩ An: Tăng cường bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

Trước tình hình trẻ em bị xâm hại diễn biến phức tạp, ngành chức năng TP.Dĩ An đã tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Vẫn còn xảy ra

Năm 2024, trên địa bàn TP.Dĩ An đã xảy ra 15 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em, chiếm 5,57% trong cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn. Qua công tác điều tra cho thấy, các đối tượng gây án đã lợi dụng sự quen biết để "giở trò" với nạn nhân. Trong khi đa số nạn nhân thiếu sự quan tâm của cha mẹ (chủ yếu là công nhân lao động xa quê); còn một số nạn nhân sinh sống với ông, bà nên không được giáo dục đầy đủ kiến thức về giới tính và kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, một số trẻ em dưới 16 tuổi có lối sống không lành mạnh, bỏ nhà đi sống chung với bạn trai mới quen, dẫn đến bị XHTD.

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, mặc dù tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố được giữ vững ổn định, tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm nhưng tình hình phạm pháp hình sự vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong đó, tội phạm XHTD trẻ em vẫn còn xảy ra ở mức cao, không chỉ gây tổn thương cho các nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến công tác xây dựng phường văn hóa, đạt chuẩn văn minh đô thị tại địa phương xảy ra án XHTD trẻ em.

Một buổi tuyên truyền, lồng ghép kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại cho học sinh trên địa bàn TP.Dĩ An

Để kéo giảm tội phạm này, ông Phạm Văn Bảy đã đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm XHTD trẻ em để người dân, nhất là công nhân lao động hiểu rõ, có biện pháp quản lý, giáo dục con em. Trong đó, chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và nhà trường về kỹ năng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD, qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật này; đồng thời, giúp các em có ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa và bảo vệ bản thân.

Đối với lực lượng Công an tiếp tục tuyên truyền toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn về an ninh trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy các mô hình tự quản về an ninh trật tự; thường xuyên hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường nâng cao trách nhiệm phòng ngừa tội phạm XHTD trẻ em.

Chung tay chăm sóc, bảo vệ

Ngoài vai trò của ngành Công an trong công tác đấu tranh với tội phạm XHTD trẻ em, các ngành chức năng TP.Dĩ An đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cộng đồng về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD. Cụ thể, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng chống bạo lực học đường nhằm góp phần bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại. Tính đến nay, 100% các trường học trên địa bàn TP.Dĩ An đã có bộ phận tư vấn cho học sinh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em; thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền bảo đảm thực hiện việc điều tra, xử lý, bảo vệ trẻ em theo quy định.

Hiện nay, các cấp Đoàn Thanh niên TP.Dĩ An đang duy trì, phát triển các mô hình: Ngày sinh hoạt chính trị trong trường học; Chiến sĩ an ninh nhỏ; Câu lạc bộ Pháp luật, Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin… Các mô hình trên đang hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên công nhân, học sinh tham gia, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Không những thế, các trường học đều xây dựng chương trình, nội dung giáo dục phù hợp với từng độ tuổi và bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của trẻ em; bảo đảm trẻ em được hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập và tạo điều kiện học ở trình độ cao hơn. Không những thế, ngành giáo dục và đào tạo thành phố còn triển khai công tác xã hội trong trường học, trong đó tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn.

Trong khi đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Dĩ An phối hợp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, lạm dụng. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã phát hành 1 video tuyên truyền về phòng, chống XHTD, bình đẳng giới để phát trên các kênh thông tin tuyên truyền của các cấp hội; đồng thời vận động hội viên tham gia phong trào "Toàn dân gắn kết xây dựng văn minh đô thị" và thực hiện mô hình "Gia đình 5 không, 5 có, 3 sạch". Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ các phường còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Nói chuyện chuyên đề, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý… góp phần từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại.

NGUYỄN HẬU

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tp-di-an-tang-cuong-bao-ve-tre-em-truoc-nguy-co-bi-xam-hai-a344797.html