TP. Gò Công: Phát huy tốt vai trò đô thị hạt nhân vùng kinh tế - đô thị phía Đông

Qua hơn 7 năm triển khai Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 10), TP. Gò Công đã tập trung khai thác lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND TP. Gò Công Giản Bá Huỳnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc về kết quả thực hiện Nghị quyết 10.

* PV: Trước hết, xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện Nghị quyết 10 trên địa bàn TP. Gò Công trong thời gian qua?

* Đồng chí Giản Bá Huỳnh: Nghị quyết 10 là chủ trương hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của đô thị Gò Công nói riêng cũng như của tỉnh Tiền Giang nói chung. Nghị quyết đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, mang tính đột phá và tư duy lãnh đạo khoa học, giúp cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân TP. Gò Công có được chủ trương trong phát triển kinh tế - đô thị của địa phương.

Trên cơ sở đó, UBND TP. Gò Công đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng; huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia thực hiện.

TP. Gò Công đã tập trung thực hiện Nghị quyết 12 ngày 27-4-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng TX. Gò Công trở thành TP. Gò Công. Kết quả công tác lãnh đạo xây dựng TP. Gò Công thực hiện hoàn thành sớm hơn Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.

Ngày 19-3-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1013 về việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Gò Công và thành lập TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang. UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành công Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP. Gò Công vào ngày 26-4-2024.

Qua thời gian tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 10, lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển tốt với sự phát triển của hệ thống tín dụng - ngân hàng, bưu chính - viễn thông và vận tải… TP. Gò Công đã phát huy tốt vai trò, thế mạnh là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hằng năm 8,87%. Thành phố thu hút khách du lịch khoảng 30.000 lượt khách/năm.

Hoạt động sản xuất công nghiệp, khoa học - công nghệ trên địa bàn được chú trọng phát triển. Thành phố đã triển khai thực hiện các chương trình khuyến công; tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư, phát triển mới các DN có quy mô nhỏ và vừa; tạo điều kiện thuận lợi cho DN mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ mới theo quy định. Thành phố còn tích cực triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bình Đông. Giá trị sản xuất của ngành tăng bình quân hằng năm 6,1%.

Trong sản xuất nông nghiệp, công tác phòng, chống hạn, mặn được chủ động thực hiện. Thành phố còn thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt kết quả tích cực. Đến nay, thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (3/3 xã). Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được quan tâm tạo điều kiện phát triển với 27 sản phẩm OCOP 3 sao. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hằng năm 2,59%.

Vị trí thuận lợi đã tạo điều kiện cho thành phố thu hút được các dự án phát triển kinh tế như: Khu công nghiệp Bình Đông; Đường và khu dân cư 2 bên đường Vành đai phí Đông - đoạn 1 và Khu đô thị Nguyễn Trọng Hợp…

* PV: Qua hơn 7 năm thực hiện, Nghị quyết 10 đã tác động như thế nào đối với kinh tế - xã hội của TP. Gò Công, đặc biệt là trong công tác phát triển đô thị?

* Đồng chí Giản Bá Huỳnh: Thực hiện Nghị quyết 10, TP. Gò Công tranh thủ mọi nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, ngân sách địa phương, vốn xã hội hóa để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển đô thị.

Qua đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III. Bộ mặt đô thị của thành phố ngày càng khang trang xứng tầm là đô thị trung tâm vùng phía Đông của tỉnh.

Qua hơn 7 năm thực hiện, Nghị quyết 10 đã tác động tích cực đối với kinh tế - xã hội của TP. Gò Công, đặc biệt là trong công tác chỉnh trang và phát triển đô thị. Nhiều dự án về chỉnh trang đô thị được UBND TP. Gò Công quan tâm, đầu tư và mời gọi đầu tư và đi vào hoạt động.

Cụ thể, thành phố tập trung đầu tư và nâng cấp các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, trụ sở các cơ quan, công trình giao thông như: Đường tỉnh 873 đoạn mới (từ đường huyện 99 đến đường vào bến phà Mỹ Lợi - Quốc lộ 50 cũ); nâng cấp đường Mạc Văn Thành, đường Trần Công Tường, đường Nguyễn Huệ, đường Võ Văn Kiết, đường Nguyễn Thìn; chỉnh trang đô thị xây dựng bờ kè cặp kinh Salicette...

Đồng thời, mời gọi đầu tư hoàn thành các Dự án Đường Nguyễn Trãi nối dài và khu dân cư 2 bên đường quy mô 8,15 ha Đường Nguyễn Trọng Dân nối dài và khu dân cư 2 bên đường quy mô 7,713 ha; qua đó, đã cung cấp cho thị trường tổng cộng 508 căn nhà, lô nền. Các căn nhà được xây dựng đúng theo thiết kế được duyệt, đảm bảo chất lượng đủ điều kiện để chuyển nhượng.

TP. Gò Công còn tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, ban hành các văn bản cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, tỉnh. Qua đó, công tác quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, công trình xây dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc. Tỷ lệ đô thị hóa thành phố đạt 53,99%.

Công tác phát triển đô thị là một trong những điểm sáng của TP. Gò Công.

Công tác phát triển đô thị là một trong những điểm sáng của TP. Gò Công.

* PV:Trong thời gian tới, thành phố có những giải pháp gì trong thực hiện Nghị quyết 10, đặc biệt là những định hướng phát triển?

* Đồng chí Giản Bá Huỳnh: Trong thời gian tới, TP. Gò Công sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 10. Cụ thể, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi, thu hút đầu tư phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, phát triển khu dân cư, khu đô thị mới…

Đồng thời, xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hướng khả thi về vấn đề đất đai, hạ tầng trên cơ sở phù hợp với nguồn lực, thế mạnh và mục tiêu phát triển của vùng để có kế hoạch quảng bá, giới thiệu, mời gọi nhà đầu tư.

Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu công nghiệp Bình Đông, khu tái định cư Bình Đông. Đồng thời, tiếp tục mời gọi đầu tư các Dự án theo kế hoạch như: Cụm công nghiệp Mỹ Lợi, Đường và khu dân cư 2 bên đường Vành đai phía Đông - đoạn 2, Đường và Khu dân cư 2 bên đường Kênh Bến Xe…

Một trong những định hướng quan trọng là triển khai thực hiện Kế hoạch 318 ngày 10-11-2021 của UBND tỉnh phát triển đô thị tỉnh Tiền Giang đến năm 2025. Thành phố sẽ tập trung rà soát các quy hoạch, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở đó, địa phương sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công hằng năm. Đồng thời, tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, đặc biệt là các dự án quan trọng gắn với liên kết vùng để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 10.

TP. Gò Công sẽ tập trung khai thác lợi thế để thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng...; khai thác, phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ đa dạng gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị.

Thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Co.opmart Gò Công và các chợ truyền thống; quy hoạch, mời gọi đầu tư dự án chợ, trung tâm thương mại… phù hợp với quá trình đô thị hóa của TP. Gò Công.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

MINH THÀNH (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phong-van-doi-thoai/202501/tp-go-cong-phat-huy-tot-vai-tro-do-thi-hat-nhan-vung-kinh-te-do-thi-phia-dong-1032560/