TP Hà Tĩnh đóng góp nhiều ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai
Đại biểu TP Hà Tĩnh cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định chặt chẽ hơn đối với các đối tượng được cấp quyền sử dụng đất không qua hình thức đấu giá, cấp đất sai thẩm quyền; luật hóa việc hủy kết quả đấu giá, kết quả trúng thầu, kết quả xét giao đất do không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thời hạn...
Sáng 8/3, UBND thành phố Hà Tĩnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến, góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, nội dung, chính sách. Mục tiêu của việc sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với quy định quản lý và sử dụng đất đai.
9 nội dung trọng tâm được lấy ý kiến gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai và cho rằng, bộ luật này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai.
Tham gia góp ý, các đại biểu tập trung phân tích về các điều khoản như: vấn đề đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
Một số ý kiến góp ý về các vấn đề: nên luật hóa việc hủy kết quả đấu giá, kết quả trúng thầu, kết quả xét giao đất do không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thời hạn; quy định chi tiết việc để lại 10% nguồn thu từ đất để đầu tư cho công tác đo đạc bản đồ, xây dựng, chỉnh lý cơ sở dữ liệu, các nhiệm vụ khác của quản lý đất đai ở các cấp; mở rộng đối tượng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở phường, thị trấn được cấp quyền sử dụng đất không qua hình thức đấu giá.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung làm rõ hơn về các trường hợp sử dụng đất hỗn hợp, đa mục đích thì sẽ thực hiện các nghĩa vụ, tài chính như thế nào tại chương XI, điều 151. Luật cần quy định chặt chẽ hơn đối với các đối tượng được cấp quyền sử dụng đất không qua hình thức đấu giá, đối với trường hợp cấp đất sai thẩm quyền; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân, từ đó, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). UBND thành phố sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ các ý kiến để trình cấp trên xem xét.