TP Hải Phòng: 'Nhập ngũ có quà, xuất ngũ có nhà' và việc làm

Những năm qua, TP Hải Phòng là địa phương thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu, đào tạo nghề, tìm việc làm cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN). Thông qua đây, nhiều thanh niên, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn sớm tìm được công việc phù hợp, thu nhập khá để ổn định cuộc sống.

Năm 2023, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 240, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân), anh Vũ Đức Thắng ở thôn Bắc Phong, xã Kiến Thiết (Tiên Lãng, Hải Phòng) được Bộ CHQS TP Hải Phòng giới thiệu vào làm việc tại Công ty TNHH Zenna thuộc Khu công nghiệp VSIP ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Sau hơn một năm làm việc tại Công ty, mức lương hiện nay của anh là 15 triệu đồng/tháng, giúp cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Các đơn vị phối hợp tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên TP Hải Phòng hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 2023.

Các đơn vị phối hợp tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên TP Hải Phòng hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 2023.

Gia đình cũng thuộc diện khó khăn, anh Nguyễn Anh Chiến ở phường Đông Hải, quận Lê Chân, TP Hải Phòng được Ban CHQS quận Lê Chân hỗ trợ kinh phí xây “Nhà đại đoàn kết” trong thời gian nhập ngũ tại Lữ đoàn 242, Quân khu 3. Được Ban CHQS quận và Bộ CHQS thành phố tư vấn, giải thích, anh Chiến không đi làm ngay sau khi xuất ngũ vào đầu năm 2024 mà nộp hồ sơ học nghề sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Bắc Bộ ở phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Anh Chiến cho biết thêm: “Mặc dù đang học nhưng tôi đã xin được việc làm ở gara sửa chữa ô tô gần nhà, qua đó có thêm thu nhập có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân”.

Mỗi năm, TP Hải Phòng có số lượng lớn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Để giúp BĐXN sớm được học nghề, có công việc ổn định, Bộ CHQS TP Hải Phòng tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp cùng các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tổ chức tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Việc này được triển khai sâu rộng ở các cấp, đến 100% thanh niên ngay khi xuất ngũ; trong đó tập trung ưu tiên việc làm cho những trường hợp hoàn cảnh khó khăn để sớm ổn định cuộc sống. Các doanh nghiệp cũng rất muốn tuyển chọn BĐXN vì có nhiều điểm mạnh về sức khỏe, tính kỷ luật và trách nhiệm cao với công việc. Thuận lợi nữa là thành phố có nhiều khu công nghiệp nên Bộ CHQS thành phố phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu lựa chọn những doanh nghiệp có thu nhập khá, ổn định và một số ngành nghề đang có nhu cầu cao như xuất khẩu lao động, lái xe, sửa chữa ô tô, cơ khí... để tư vấn, giới thiệu việc làm cho BĐXN. Những đồng chí có nhu cầu học nghề cũng được cơ quan quân sự các cấp tư vấn, hướng dẫn, phối hợp làm hồ sơ nhanh chóng, thuận tiện.

Cùng với quan tâm hướng nghiệp, tạo việc làm cho BĐXN, những năm gần đây, Bộ CHQS TP Hải Phòng còn triển khai mô hình “Nhập ngũ có quà, xuất ngũ có nhà”. Thực hiện mô hình, thành phố hỗ trợ thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự số tiền 10 triệu đồng/người. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang thành phố tích cực quyên góp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay đóng góp kinh phí hỗ trợ xây, sửa nhà cho gia đình quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền từ 30 triệu đồng đến 80 triệu đồng mỗi trường hợp. Năm 2023, LLVT thành phố hỗ trợ kinh phí xây mới 5 nhà và sửa chữa 11 nhà; năm 2024, dự kiến xây mới và sửa 20 căn nhà cho gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Đại tá Bùi Xuân Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS TP Hải Phòng thông tin thêm: “Để tăng tính chủ động cho doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề, giúp BĐXN lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, năm nay, chúng tôi có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc tạo điều kiện phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố được tiếp cận quân nhân là con em của địa phương trước khi xuất ngũ khoảng 3 tháng để trao đổi nguyện vọng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, thông tin việc làm, rà soát, thống kê nhu cầu việc làm và dự kiến tuyển sinh đào tạo nghề, bảo đảm thanh niên có thể đi học, đi làm ngay sau khi xuất ngũ. Từ những hoạt động này, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ở địa phương từng bước nâng cao chất lượng”.

Từ số báo ra ngày 5-9-2024, trên trang 6, thứ năm hằng tuần, Báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục “Nơi người chiến sĩ trở về” để phản ánh, tuyên truyền nhằm lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương, ban, ngành, tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, nhất là tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ; kiến nghị, đề xuất góp phần giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội.

Đồng thời, chuyên mục giới thiệu những điển hình là bộ đội xuất ngũ, cựu chiến binh đã phát huy phẩm chất cao đẹp, văn hóa, kỷ luật Quân đội, đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong học tập, lao động và đời sống; hoạt động của các tổ chức hội, câu lạc bộ trong công tác hỗ trợ, tạo môi trường cho bộ đội xuất ngũ, cựu chiến binh tiếp tục cống hiến... Để chuyên mục phong phú, hấp dẫn, tòa soạn rất mong nhận được sự góp ý và cộng tác của bạn đọc. Mọi góp ý và cộng tác của bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Phòng Bạn đọc và Cộng tác viên, Báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội; email: tuanat1@gmail.com hoặc số điện thoại: 0964.798.899.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG - VĂN MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/tp-hai-phong-nhap-ngu-co-qua-xuat-ngu-co-nha-va-viec-lam-792420