TP HCM: 1.150 tỷ đồng trợ giá xe buýt không đủ, phải bổ sung thêm

Mức trợ giá xe buýt trong năm 2020 là 1.150 tỷ đồng và chắc chắn không đủ nên đang được tính lại và UBND Thành phố HCM đã chấp thuận.

Mức trợ giá xe buýt năm 2020 của TP HCM là 1.150 tỷ đồng, nhưng không đủ nên sẽ được bổ sung. Ảnh minh họa

Ngày 9/7, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp vận tải khẳng định, mặc dù gặp một số khó khăn về chi phí hoạt động nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực, ổn định hoạt động xe buýt để phục vụ người dân, không có việc ngưng hoạt động từ ngày 15/8 như một số thông tin phản ánh gần đây.

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp cũng đã làm việc về tình hình trợ giá xe buýt và kế hoạch tổ chức đầu thầu cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn. Hiện việc điều chỉnh, phân bổ nguồn ngân sách trợ giá xe buýt cho các doanh nghiệp vận tải trong năm 2020 đã được UBND TP Hồ Chí Minh cho phép Sở GTVT phối hợp các đơn vị liên quan để tính toán đầy đủ, rà soát, lập dự toán bổ sung chi ngân sách.

Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, năm 2019, tình hình kinh doanh vận tải hành khách công cộng ở các hợp tác xã, công ty gặp nhiều khó khăn do việc tính toán trợ giá không đủ. Nguyên nhân là do tính toán sản lượng chưa chính xác dẫn đến kinh phí nhà nước cấp về thấp, doanh thu không đủ để bù chi phí, càng chạy càng lỗ… Điều này dẫn đến thu nhập của tài xế, tiếp viên thấp, nhiều hợp tác xã nợ tiền ngân hàng, tiền lương, xăng dầu…

Trước thực trạng trên, Sở GTVT đã có các văn bản đề xuất UBND Thành phố và các sở ngành tìm cách tháo gỡ và khoản tiền bù thêm do tính toán không chính xác cơ bản đã được thông qua.

Ông Võ Khánh Hưng cho rằng, đây là bài học và Sở GTVT sẽ cố gắng để tránh lặp lại trong năm 2020. Mức trợ giá trong năm nay là 1.150 tỷ đồng và chắc chắn không đủ nên đang được tính lại và UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương này. Tuy nhiên, con số cụ thể vẫn phải chờ bởi còn phải cân đối lại ngân sách.

Ngay sau khi biết những thông tin về việc thành phố sẽ hỗ trợ thêm phần kinh phí trợ giá, doanh nghiệp sẵn sàng chờ để ký kết hợp đồng mới và yên tâm kinh doanh.

Ông Nguyễn Duy Khánh, Trưởng phòng điều hành Công ty cổ phần xe khách Sài Gòn (Saigon bus) cho biết, về nguyên tắc ký hợp đồng năm 2020, Sở và Trung tâm cũng đã rất cố gắng với các chính sách để duy trì. Vấn đề hiện nay, khi đã ký hợp đồng nguyên tắc, công ty mong muốn tính đúng, tính đủ, sòng phẳng. Công ty sẵn sàng chờ Sở GTVT và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng khi có kinh phí thì sẽ ký hợp đồng chính thức.

Trên địa bàn Thành phố HCM có 128 tuyến xe buýt hoạt động; trong đó 91 tuyến xe buýt có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Năm 2020, Sở GTVT tiếp tục rà soát công bố tạm ngưng hoạt động 4 tuyến xe buýt có trợ giá (tuyến 54, 2, 11, 144), ngưng hoạt động một tuyến xe buýt không trợ giá (tuyến 63) và công bố chuyển hai tuyến 13, 94 từ tuyến xe buýt có trợ giá thành tuyến xe buýt không trợ giá.

Sở GTVT cho biết, thời gian tới, với mục tiêu mở rộng khả năng phục vụ và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khu vực huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận Bình Thạnh, Quận 9, Thủ Đức và các tỉnh lân cận nhằm phù hợp mạng lưới xe buýt, Sở đã rà soát và nghiên cứu dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-1150-ty-dong-tro-gia-xe-buyt-khong-du-phai-bo-sung-them-post85741.html