TP.HCM: 126 cây xăng đã hết hàng, 2 cây xăng xin giải thể
126 điểm bán lẻ xăng dầu hết hàng, tăng 72 cửa hàng so với ngày trước đó khiến cuộc sống người dân TP.HCM xảy ra nhiều xáo trộn.
Chiều 10/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM (QLTT) cho biết, đến chiều tối cùng ngày đã có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, 121 cửa hàng tạm hết hàng. Hầu hết các điểm bán lẻ trong số này rơi vào tình trạng “chờ đơn vị cung cấp giao hàng”.
Đến thời điểm “chốt” danh sách nói trên, TP.HCM có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 Thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 29 đại lý bán lẻ, 550 Cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Cục QLTT nhận định tình hình thiếu nguồn cung ứng xăng dẫn đến phát sinh nhiều cửa hàng không còn xăng để bán. Qua kiểm tra thực tế tại các điểm bán lẻ, không có tình trạng găm hàng hoặc bán không đúng giá niêm yết.
Đáng lưu ý, trong số 5 cửa hàng thông báo tạm ngưng hoạt động, có 2 cửa hàng đang làm các thủ tục giải thể, bao gồm: DNTN Thanh Nguyệt (số 290 đường Lê Văn Khương phường Thới An, Quận 12) và công ty TNHH TM Tân Hiệp - Trạm xăng dầu số K23 (địa chỉ 287 Kinh Dương Vương, An Lạc, Bình Tân).
Trước diễn biến khó khăn khi giá bán sỉ cao hơn giá bán lẻ, tình trạng các điểm bán lẻ xăng dầu hết hàng đang lan rộng ra nhiều quận huyện. Số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết hàng tại các quận vùng ven cũng cao hơn các quận khu vực trung tâm.
Tính đến chiều cùng ngày, TP. Thủ Đức xảy ra tình trạng hết xăng nghiêm trọng nhất khi có đến 21 cây xăng ngừng phục vụ hoặc hết xăng chỉ bán dầu. Xếp kế tiếp danh sách hết xăng là địa bàn quận 12 với 17 cửa hàng, quận Bình Tân 15 cửa hàng, huyện Củ Chi 14 cửa hàng…
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình trạng hết hàng xảy ra có dấu hiệu lan rộng và tăng cao so với ngày trước đó. Trong số các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Petrolimex có sự chuyển biến tích cực nhưng nhiều thời điểm trong ngày cũng phải ngừng bán vì đợi xe bồn cấp thêm xăng.
Đến khoảng 15h cùng ngày, 5 cửa hàng trong danh sách hết hàng trước đó đã nhập thêm được xăng để tiếp tục kinh doanh như: Công ty TNHH kinh doanh xăng dầu Bình Phú (địa chỉ số 58 Chợ Lớn, phường 11, quận 6), cửa hàng xăng dầu Công ty TNHH Quang Phú (địa chỉ A6/2, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.
Nhà phân phối: Công ty TNHH TM DV Hiệp Quế), Chi nhánh số 11 - Công ty cổ phần vật tư xăng dầu (địa chỉ số 292 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26 quận Bình Thạnh), Chi nhánh số 17 - Công Ty Cổ phần Vật Tư Xăng Dầu (địa chỉ số 70 Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh), Chi nhánh số 3 - Công Ty Cổ Phần Vật Tư - Xăng Dầu (địa chỉ số 178/9M Điện Biên Phủ, Phường 21, Quận Bình Thạnh).
Sau đó khoảng 30 phút, thêm 4 cửa hàng khác cũng đã được đầu mối cấp thêm xăng, bao gồm: cửa Hàng Liên Doanh Xăng Dầu Hoàng Nguyên 276 (địa chỉ số 220 Bis Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh), Cửa hàng xăng dầu, Chi nhánh Công ty Cổ phần kho vận Miền Nam – Xí nghiệp vật tư Xăng dầu (địa chỉ Km9 Xa lộ Hà Nội, Phường Trường Thọ, Thành phố Thủ Đức), Cửa hàng xăng dầu, Chi nhánh số 20 - Công ty Cổ phần vật tư – xăng dầu COMECO (địa chỉ số 667A Quốc lộ 1A, phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức), Trạm xăng dầu số 1 thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (địa chỉ 744 Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức).
Cục QLTT TP.HCM yêu cầu các đội nghiệp vụ tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì phải làm rõ xử lý theo đúng quy định.
Trước đó, vào sáng cùng ngày UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Đồng thời, kiến nghị rà soát lại chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường.