TP.HCM: Án đã có hiệu lực pháp luật nhưng UBND huyện Bình Chánh 'né' thi hành
Bản án số 85/2023/HC-PT ngày 22/2/2023 của TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên buộc UBND huyện Bình Chánh lập thủ tục cấp chủ quyền nhà đất cho hộ ông Nguyễn Hồng Nam. Tuy nhiên, UBND huyện Bình Chánh lại đưa ra lý do đang nộp đơn xin giám đốc thẩm để 'né' thi hành bản án.
Từ chuyện không thực thi Quyết định của Chủ tịch UBND huyện…
Theo đơn trình bày của ông Nguyễn Hồng Nam, tài liệu bản đồ địa chính thửa đất thuộc một phần thửa số 17, tờ bản đồ số 43, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM (Theo tài liệu 299/TTg, thửa đất này thuộc một phần thửa số 133, tờ bản đồ 03 do Nông trường An Hạ đăng ký, loại đất Hg/đb) có diện tích 3.919,5m2 có nguồn gốc do Nông trường An Hạ cấp cho ông Nguyễn Đức Lâm (cha ông Nguyễn Hồng Nam) năm 1986.
Năm 2003, ông Lâm chết để lại đất cho những người thừa kế gồm vợ là bà Tạ Thị Thành (chết năm 2009), các con là ông Nguyễn Hồng Nam, ông Nguyễn Đức Hà và ông Nguyễn Đức Thắng quản lý sử dụng.
Ngày 15/6/2012, ông Nguyễn Hồng Nam đại diện hộ gia đình nộp đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, hồ sơ không được giải quyết nên ông Nam đã khiếu nại.
Ngày 29/01/2019, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND về giải quyết khiếu nại. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh công nhận khiếu nại của ông Nam và giao các cơ quan có thẩm quyền thuộc UBND huyện Bình Chánh thực hiện việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ ông Nam.
Thế nhưng, UBND huyện Bình Chánh lại không nghiêm chỉnh chấp hành và ban hành hàng loạt văn bản trả lời, viện dẫn nhiều lý do không cấp giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ ông Nam.
Ông Nam khởi kiện UBND huyện Bình Chánh ra TAND TP.HCM. Ngày 8/9/2022, TAND TP.HCM có Bản án số 1515/2022/HC-ST tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Nam, buộc UBND huyện Bình Chánh lập thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ ông Nam.
Sau đó, UBND huyện Bình Chánh đã kháng cáo. Ngày 22/2/2023, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên Bản án số 85/2023/HC-PT, bác kháng cáo của UBND huyện Bình Chánh, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nam.
Theo nhận định của HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM, phần đất ông Nguyễn Hồng Nam yêu cầu được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nêu trên có nguồn gốc rõ ràng, gia đình ông Nam có quá trình sử dụng đất ổn định, liên tục từ năm 1986, không có tranh chấp, có nộp thuế cho nhà nước theo quy định của pháp luật nên đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật Đất đai năm 2013; Điều 18, khoản 5 Điều 20, khoản 4 Điều 21 và Điều 36 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Mặt khác, tại Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 29/01/2019 của Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đã chấp nhận khiếu nại của ông Nam, giao các cơ quan trực thuộc UBND huyện Bình Chánh lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ ông Nguyễn Hồng Nam theo quy định nhưng người bị kiện chưa triển khai thực hiện.
…Đến không thi hành bản án vì còn khiếu nại giám đốc thẩm
Ngày 14/6/2023, Chánh án TAND TP.HCM có Quyết định số 14/2023/QĐ-THA buộc UBND huyện Bình Chánh thi hành ngay Bản án số 85/2023/HC-PT của TAND cấp cao tại TP.HCM. Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của UBND huyện Bình Chánh theo quy định của pháp luật.
Ngày 07/4/2023, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM có Thông báo số 5376/TBTN-THA đến UBND huyện Bình Chánh về trách nhiệm tự nguyện thi hành án Bản án số 85/2023/HC-PT của TAND cấp cao tại TP.HCM.
Ngày 12/5/2023, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Võ Đức Thanh ký Văn bản số 1790/UBND phúc đáp Cục Thi hành án dân sự TP.HCM. Theo đó, Chủ tịch Võ Đức Thanh cho rằng, ngày 10/5/2023, UBND huyện Bình Chánh có đơn đề nghị Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy Bản án số 85/2023/HC-PT của TAND cấp cao tại TP.HCM để xét xử phúc thẩm lại theo quy định.
Tuy nhiên, theo văn bản phúc đáp này, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đã có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm sai thẩm quyền, sai yêu cầu xin kháng nghị. Cụ thể, theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC mới có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao.
Mặc khác, Bản án số 85/2023/HC-PT của TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm nhưng Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh lại có đơn yêu cầu Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM hủy bản án của chính tòa mình, để xét xử phúc thẩm lại.
Hơn nữa, lý do Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nêu ra để không thi hành bản án trên đã được TAND cấp cao tại TP.HCM xem xét trong Bản án phúc thẩm số 85/2023/HC-PT.
Trước đó, ngày 01/3/2023, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản gửi các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 07/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/11/2019 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trên địa bàn.
Theo đó, Văn phòng UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, báo cáo thi hành án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành để trình Chủ tịch UBND TP.HCM có chỉ đạo, xem xét trách nhiệm công vụ của người đứng đầu và CBCC trong công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.
Những bản án chưa thi hành phải nêu lý do, khó khăn, vướng mắc, không nêu chung chung như đang kiến nghị thủ tục giám đốc thẩm, đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM; có đề xuất, phương án giải quyết; trách nhiệm người đứng đầu, CBCC trong việc để kéo dài, chưa thi hành xong bản án.
Mặc khác, pháp luật quy định, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, không chỉ đối với người phải thi hành án bị xem xét xử lý mà cả người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án và người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án đều bị xử lý trách nhiệm.
Thiết nghĩ, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh thực hiện nghiêm Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 07/7/2016 của Chính phủ và Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/11/2019. Đồng thời, xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.