TP.HCM: Báo động tỷ lệ học sinh bị thừa cân, béo phì, tật khúc xạ

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho biết, số lượng học sinh thuộc thể trạng thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ hơn 32%, bệnh khúc xạ về mắt chiếm tỷ lệ gần 29%.

Theo báo cáo của Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP.HCM), có gần 99% học sinh toàn Thành phố được khám sức khỏe trong năm học 2022 - 2023. Kết quả, số lượng học sinh thuộc thể trạng thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ hơn 32%; bệnh khúc xạ về mắt chiếm tỷ lệ gần 29%, sâu răng chiếm tỷ lệ hơn 23% và tỷ lệ suy dinh dưỡng là hơn 4,5%.

Hiện nay, một số trường đã xã hội hóa việc tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý, đẩy mạnh đầu tư về nhân sự, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, những giáo viên tư vấn hiện nay phần lớn là kiêm nhiệm, chỉ mới được trường tạo điều kiện tham gia các lớp chuyên đề về tư vấn tâm lý do Sở phối hợp với các trường đại học tổ chức.

Bệnh khúc xạ về mắt chiếm tỷ lệ cao trong học sinh TP.HCM. Ảnh minh họa

Bệnh khúc xạ về mắt chiếm tỷ lệ cao trong học sinh TP.HCM. Ảnh minh họa

Ngoài ra, qua khảo sát cho thấy hiện chỉ mới có gần 60% số trường có nhân viên y tế đúng quy định; hơn 20,2% trường có nhân viên y tế có chuyên môn nhưng lại chưa đạt chuẩn, 19,71% các trường có nhân viên y tế nhưng không có chuyên môn về y tế.

Hiện tại, các trường chưa tuyển được nhân viên y tế chuyên trách, có trình độ chuyên môn nên phải phân công nhân viên kiêm nhiệm làm đầu mối theo dõi công tác y tế trường học, ký hợp đồng với các cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để theo dõi, triển khai công tác y tế học đường.

Theo bà Cao Thị Thiên Phúc, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, trong năm học 2023- 2024, TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc phát triển mô hình “Trường học hạnh phúc”, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, để mỗi học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên đều được cảm thấy yêu thương, tôn trọng, an toàn và thấu hiểu.

Cũng trong năm học này, các trường học sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn an ninh trường học.

Liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe học đường, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, yêu cầu mỗi trường học trên địa bàn thành phố phải có một nhân viên y tế, để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Hiện nay, Bộ GD&ĐT quy định các vị trí việc làm (văn thư, y tế, kế toán và thủ quỹ) chỉ được bố trí từ 2 đến 3 biên chế, tùy theo quy mô của trường học.

Ông Hiếu cho rằng các trường có thể tính đến phương án thay thế, như làm hợp đồng chuyên trách, có cơ chế đãi ngộ, thu hút cho nhân sự phụ trách công tác y tế học đường. Ông cũng khẳng định việc đảm bảo an toàn trường học luôn là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi chỉ cần xuất hiện một nguy cơ thiếu an toàn là trường học có thể phải trả giá rất đắt.

Trong năm học mới, ông Hiếu đề nghị các trường rà soát lại điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự, chủ động phòng ngừa các yếu tố mất an toàn cho học sinh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em. Một số hoạt động giáo dục về nhận thức, chính trị tư tưởng cho học sinh, tổ chức cho học sinh tham gia vào các câu lạc bộ, rèn luyện thể dục thể thao ở nhiều đơn vị trường học còn nặng về tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả thực chất cho học sinh.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng đề nghị các trường học cần đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể dục thể thao cho học sinh, tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh. Đồng thời, tiếp tục triển khai, xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh cho từng lứa tuổi học sinh.

Nhiều hệ lụy của trẻ bị thừa cân, béo phì

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, có nhiều nguyên nhân gây thừa cân, béo phì ở trẻ như: Chế độ ăn giàu chất béo, năng lượng cao vượt quá nhu cầu của cơ thể dẫn đến năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các tổ chức mô cơ thể; thói quen ăn nhanh, không nhai kỹ, hay ăn vặt, sử dụng thức ăn nhanh (fast food), thích ăn ngọt, không ăn sáng, hay ăn nhiều vào buổi tối, đặc biệt là trước khi đi ngủ; ít tập luyện thể dục thể thao, dành nhiều thời gian xem tivi, chơi trò chơi điện tử; bệnh lý bẩm sinh, di truyền bất thường gen…

Đáng lưu ý, trẻ béo phì có thể không có biểu hiện bệnh ở thời điểm hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây. Bên cạnh đó, việc này còn ảnh hưởng tâm lý khi trẻ đi học, do bạn bè trêu ghẹo dẫn đến tự ti. Dần dần các em thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn, lâu dài sẽ dẫn đến trầm cảm.

Để phòng ngừa thừa cân, béo phì ở trẻ, phụ huynh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn đúng bữa, đa dạng thực phẩm, không ăn nhiều thức ăn ngọt, béo. Đồng thời, tăng cường vận động thông qua các hoạt động đơn giản như đi bộ đến trường, tham gia các môn thể thao, làm các công việc nhà.

Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ ngồi lâu xem tivi, chơi trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại. Ngoài ra, trẻ cần được ngủ đủ trung bình từ 8 - 10 tiếng mỗi ngày và thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời, dự phòng thừa cân, béo phì.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-bao-dong-ty-le-hoc-sinh-bi-thua-can-beo-phi-tat-khuc-xa-161061.html