TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng mạnh, sốt xuất huyết có 9 người chết

Không chỉ có bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao mà bệnh sốt xuất huyết sau nhiều tháng liên tục tăng vẫn chưa dừng lại; đặc biệt đã xuất hiện thêm những trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: PV

Tay chân miệng tăng theo cấp số nhân

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong tháng 9 vừa qua, bệnh tay chân miệng được ghi nhận ở mức kỷ lục từ đầu năm 2019 đến nay với 6.573 ca, tăng cao gấp hơn 2 lần so với tháng 8. Như vậy, trong 2 tháng liên tục bệnh tay chân miệng tăng gần gấp 5 lần. Nếu như ở tháng 7 chỉ ghi nhận 1.438 ca thì đến tháng 8 ghi nhận 3.088 ca, đến tháng 9 vừa qua số ca ghi nhận lên đến 6.573 ca, nâng tổng số ca mắc tay chân miệng trong 9 tháng đầu năm 2019 lên đến 14.990 ca.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang tăng lên theo cấp số nhân, ngành y tế TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng. Sở Y tế TP cũng đã phối hợp với Sở giáo dục - Đào tạo ký kết kế hoạch liên tịch phối hợp phòng chống tay chân miệng, sốt xuất huyết và sởi trong trường học; tổ chức các lớp tập huấn về kiểm soát bệnh trong trường học.

ThS.BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, trong tháng 10.2019 này trung tâm sẽ tổ chức các đoàn giám sát, hỗ trợ các trung tâm y tế quận - huyện tổ chức các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng trong cộng đồng và trong trường học.

Bệnh tay chân miệng là bệnh lây truyền qua tiếp xúc với người bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ vật, bề mặt nhiễm chất tiết của người bệnh và cũng chưa có vắc xin phòng ngừa. Vì vậy việc phòng, ngừa bệnh tay chân miệng hoàn toàn phụ thuộc vào công tác dự phòng không dùng thuốc. Để bảo vệ bệnh tay chân miệng, các bậc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ, bảo mẫu phải rửa sạch bàn tay của trẻ và chính mình bằng nước và xà phòng. Bên cạnh đó, những đồ chơi, đồ dùng của trẻ phải được rửa sạch bằng nước và xà phòng để phòng bệnh.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết dù chưa có các ca bệnh ca mắc tay chân miệng tử vong, nhưng bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa, nguy cơ sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới khi bệnh này đang bước vào mùa.

“Các bậc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ không nên chủ quan mà cần cách ly trẻ ở nhà không nên đưa trẻ đến lớp nhằm hạn chế lây lan cho trẻ khác; đồng thời quan tâm để sớm phát hiện các dấu hiệu trở nặng của bệnh nếu có để đưa trẻ đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Đã có 9 người tử vong do sốt xuất huyết

Trong lúc bệnh tay chân miệng đang tăng lên theo cấp số nhân hàng tháng thì bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa chịu hạ nhiệt còn tiếp tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước. Sau khi bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến vào tháng 7, tăng gấp 123 lần so với tháng trước lên 6.456 ca, liên tục ở các tháng sau đó cứ tăng dần đều lên 7.833 ca vào tháng 8, và lên 8.128 vào tháng 9 vừa qua. Như vậy, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy trong 9 tháng của năm 2019 lên đến 47.942 ca.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho rằng, hiện bệnh sốt xuất huyết đang bước vào mùa cao điểm, nhất là trong tháng 9 vừa qua mưa liên tục nên dù ngành y tế TP đã triển khai đồng loạt ra quân thực hiện 3 chiến dịch: xử lý điểm nguy cơ theo phương pháp phân loại mới 2019; phun hóa chất diện rộng kết hợp diệt lăng quăng triệt tại các ổ dịch; “thanh niên xung kích” tại các đơn vị có cơ sở đoàn, tại các hộ gia đình của đoàn viên thanh niên và trên địa bàn dân cư khu phố, ấp nhưng số ca mắc sốt xuất huyết vẫn không giảm.

Điều đáng lo ngại, hiện nay bệnh sốt xuất huyết đang trong thời kỳ cao điểm của năm, ngoài số ca mắc liên tục tăng trong các tháng vừa qua, TP cũng ghi nhận thêm nhiều trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Trong tháng 9, TP ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Đây là 2 trường hợp tử vong ở người lớn tuổi, nâng tổng số ca tử vong do mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên 9 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp trẻ em, 7 trường hợp người lớn. Hầu hết các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tử vong đều đến bệnh viện trễ sau một thời gian tự mua thuốc điều trị tại nhà.

ThS.BS Nguyễn Trí Dũng cho biết để kiểm soát được tình hình bệnh sốt xuất huyết bền vững cần có sự tham gia cùng hành động của tất cả mọi gia đình, mọi ban ngành, đoàn thể. “Hiệu quả của việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đến từ sự tự giác loại bỏ các ổ lăng quăng trong nhà ở, nơi làm việc; hạn chế nguy cơ phát sinh dịch sốt xuất huyết trong thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, đô thị. Hãy hành động hàng tuần để ngăn ngừa và đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết: “Cuối tuần diệt lăng quăng, cả tuần không có muỗi”, bác sĩ Dũng nói.

Hồ Quang

Thông điệp phòng bệnh tay chân miệng (Theo hướng dẫn giám sát phòng, chống bệnh tay chân miệng ban hành kèm theo Quyết định 581/QĐ-BYT):

- Thường xuyên rửa sạch bàn tay của cả người lớn và trẻ em bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.

- Không cho trẻ bốc đồ ăn, mút tay, ngậm đồ chơi.

- Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống khi chưa được khử trùng.

- Hàng ngày lau các bề mặt tiếp xúc và rửa sạch đồ chơi, đồ dùng của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh.

- Nếu trẻ bị sốt, loét miệng hoặc nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối cần đến khám tại các cơ sở điều trị.

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/tphcm-benh-tay-chan-mieng-tiep-tuc-tang-manh-sot-xuat-huyet-co-9-nguoi-chet-122918.html