TP.HCM: Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro tại cơ sở khám bệnh
Sở Y tế TP.HCM xây dựng bộ tiêu chí thử nghiệm đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
“Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM” là phiên bản thử nghiệm đã được Sở Y tế TP xây dựng.
Mục đích giúp các cơ sở khám chữa bệnh có thêm công cụ phục vụ công tác quản lý rủi ro lây nhiễm chéo trong môi trường chăm sóc người bệnh. Từ đó, sẵn sàng cùng các đơn vị, ban ngành khác của TP tiến tới chung sống an toàn với dịch COVID-19.
Căn cứ vào bộ tiêu chí này, Sở Y tế TP.HCM sẽ tiến hành đánh giá thử nghiệm tại một số cơ sở khám chữa bệnh trước khi ban hành phiên bản chính thức dự kiến ngày 24-4.
Để có thể đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19, Sở Y tế TP.HCM xây dựng 34 tiêu chí thuộc 10 nhóm nguy cơ rủi ro khác nhau có thể xảy ra. Mỗi tiêu chí được tính theo thang điểm từ 1 (rất ít nguy cơ rủi ro) cho đến 10 (rất nhiều nguy cơ rủi ro).
Sở Y tế xác định tất cả loại hình của cơ sở khám chữa bệnh đều phải đánh giá chỉ số rủi ro này vì tính chất rất dễ lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, số tiêu chí sẽ thay đổi tùy vào loại hình cơ sở khám chữa bệnh.
Cụ thể: 34 tiêu chí áp dụng cho các BV được phân công tiếp nhận, điều trị COVID-19 (Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng TP, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhân dân 115); 33 tiêu chí đối với các BV có khu cách ly điều trị; 26 tiêu chí đối với các BV chuyên khoa lẻ, BV tư nhân chưa đăng ký tham gia tiếp nhận người bệnh nghi nhiễm COVID-19; 24 tiêu chí đối với phòng khám đa khoa và trạm y tế; 19 tiêu chí đối với phòng khám chuyên khoa.
10 nhóm nguy cơ rủi ro khác nhau tại các cơ sở khám chữa bệnh bao gồm:
(1) Mật độ người đến cơ sở khám chữa bệnh và công tác tổ chức kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện người có yếu tố nguy cơ để được khám sàng lọc ngay.
(2) Sử dụng phương tiện phòng hộ.
(3) Tổ chức buồng khám sàng lọc đối với người có yếu tố nguy cơ.
(4) Tổ chức buồng cấp cứu sàng lọc tại khoa cấp cứu đối với tất cả người vào khoa này.
(5) Giữ khoảng cách tối thiểu trong môi trường của cơ sở khám chữa bệnh.
(6) Tổ chức khu vực cách ly để thu dung điều trị người nghi nhiễm COVID-19 tại các BV.
(7) Triển khai công tác vệ sinh, khử khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh.
(8) Chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nhân viên, tổ chức làm việc phù hợp với yêu cầu của công tác chống dịch COVID-19.
(9) Quản lý thông tin của người nghi nhiễm/người nhiễm COVID-19.
(10) Kết nối tuyến trên để được tư vấn chuyên môn và hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh về phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 của cơ sở khám chữa bệnh được chia làm năm mức độ:
(1) dưới 10%, rất ít rủi ro lây nhiễm.
(2) từ 10% đến dưới 30%, rủi ro lây nhiễm thấp.
(3) từ 30% đến dưới 50%, rủi ro lây nhiễm trung bình.
(4) từ 50% đến dưới 80%, rủi ro lây nhiễm cao.
(5) từ 80% trở lên, rủi ro lây nhiễm rất cao.
Sau giai đoạn thử nghiệm, căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 phiên bản chính thức, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả BV và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP tự đánh giá để biết mức độ rủi ro hiện có tại đơn vị mình.
Trên cơ sở đó, xác định những hoạt động ưu tiên nhằm giảm thiểu rủi ro bị lây nhiễm COVID-19 và nâng mức an toàn cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế.
Căn cứ trên kết quả tự đánh giá của các đơn vị, Sở Y tế TP.HCM tổ chức kiểm tra, đánh giá lại nhằm góp ý các giải pháp cần triển khai để khắc phục những nguy cơ rủi ro lây nhiễm.