TP.HCM bứt phá công nghiệp từ vùng đầm lầy, hoang hóa

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngành công nghiệp của TP.HCM còn non yếu. Tuy nhiên, từ vùng đầm lầy, hoang hóa ở huyện Nhà Bè (nay là Quận 7), Thành phố đã xây dựng thí điểm thành công mô hình Khu chế xuất Tân Thuận với cơ chế chính sách 1 cửa để thu hút đầu tư.

Vận dụng sáng tạo

Mô hình này, sau đó được nhân rộng trên cả nước với hơn 400 khu công nghiệp, khu chế xuất…, tạo sự bứt phá cho phát triển ngành công nghiệp của TP.HCM.

Ông Phan Chánh Dưỡng - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Khu Chế Xuất Tân Thuận nhớ lại những gian khó lúc đầu, khi UBND TP giao ông phụ trách Dự án Khu chế xuất Tân Thuận. Đây chỉ là khu đất 300ha đầm lầy ở huyện Nhà Bè, hoang hóa và chưa có đường vào. Trong khi cơ chế chính đổi mới từ Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 4 năm 1986 chưa có quy định cụ thể về thu hút đầu tư. Thành phố kêu gọi các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng họ cho rằng, với cách làm hiện nay thì 40-50 năm sau mới thu hồi được vốn nên đã từ chối.

Để thu hút nhà đầu tư phải có tiền để bồi thường đất cho dân và san lấp mặt bằng khu đầm lầy, nhưng lúc đó Thành phố không có tiền. Trước khó khăn này, ông Dưỡng đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt quy hoạch của Thành phố là con đường Bắc Nhà Bè- Nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh). Con đường này có chiều dài hơn 18,7km, nếu xây dựng sẽ phát triển được các khu đô thị dọc theo tuyến đường này, trong đó có Khu đô thị Phú Mỹ Hưng để thu hút các nhà đầu tư, nhanh chóng thu hồi vốn.

Từ mô hình thí điểm Khu Chế xuất Tân Thuận, sau đó TP.HCM phát triển 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và Khu công nghệ cao

Từ mô hình thí điểm Khu Chế xuất Tân Thuận, sau đó TP.HCM phát triển 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và Khu công nghệ cao

Từ đó, đến ngày 25/11/1991, Khu chế xuất Tân Thuận được thành lập, là mô hình khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Tập đoàn CT &D của Đài Loan đã tham gia dự án và ứng tiền mua 6 triệu m3 cát để san lấp mặt bằng và trả tiền bồi thường cho người dân.

Do hạn chế về vốn nên Khu chế xuất Tân Thuận đã làm cơ sở hạ tầng theo hình thức cuốn chiếu, làm xong tới đâu cho thuê đất tới đó. Đến năm 1992, nơi đây đã có hàng chục nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư. Tiếp theo đó, Thành phố xây Khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghiệp Tân Tạo…

Ông Phan Chánh Dưỡng - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Khu Chế Xuất Tân Thuận chia sẻ: "Con đường bắt đầu từ cửa Khu chế xuất đi xuống tới Quốc lộ 1, như vậy họ làm khu chế xuất, xây con đường Nguyễn Văn Linh. Họ bắt đầu xây dựng 5 cụm đô thị xung quanh khu vực này thì mình mới bàn với UBND TP, họ đã làm con đường này rồi phía Việt Nam bắt đầu xây dựng Khu Công nghiệp Hiệp Phước, Cảng Hiệp Phước”.

Cơ chế 1 cửa, tạo đột phá

Ông Nguyễn Văn Bé, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức Công ty Liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết, thời điểm đó Khu chế xuất Tân Thuận thí điểm mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế 1 cửa. Đây là bước đột phá để thu hút đầu tư.

Theo đó, tất cả các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, xây dựng, môi trường và lao động… đều làm theo cơ chế 1 cửa tại Ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận nên rất nhanh. Trong khi trước đây, có khi doanh nghiệp phải mất 3-5 năm mới làm xong các thủ tục để xây dựng nhà máy.

Từ thành công của mô hình thí điểm cơ chế 1 cửa ở Khu chế xuất Tân Thuận, đến năm 1997, Chính phủ Ban hành Nghị định 36 về Quy chế Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Sau đó, mô hình này của TP.HCM được nhân rộng cho cả nước với hơn 400 khu công nghiệp, khu chế xuất...

Hiện nay, TP.HCM có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và 1 khu công nghệ cao, gồm 1.723 dự án, tổng số vốn đầu tư 13,640 tỷ USD, diện tích đất cho thuê được lấp gần đầy. Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) là điểm sáng trong thu hút đầu tư có 161 dự án, với tổng vốn đầu tư 12,564 tỷ USD.

Trong đó, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn với công nghệ cao như: Intel, Datalogic, Samsung, Nidec Sankyo, Bosch… Tại đây, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR). Hiện nay, mỗi năm SHTP xuất khẩu hơn 20 tỷ USD, chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của Thành phố.

“Sau 35 năm xây dựng đã phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, chúng ta đã phát triển được công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao… của các nước. Chúng ta giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, kỹ sư, chuyên gia trong và ngoài nước làm việc” - ông Nguyễn Văn Bé cho biết.

Khi đầu tư vào TP.HCM các doanh nghiệp FDI rất quan tâm nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh Lê Hoàng)

Khi đầu tư vào TP.HCM các doanh nghiệp FDI rất quan tâm nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh Lê Hoàng)

Đào tạo nhân lực chất lượng cao

Công ty Datalogic Việt Nam là doanh nghiệp Châu Âu sản xuất máy đọc mã vạch ở khu Công nghệ cao TP.HCM. Sau 16 năm hoạt động, tại đây, sản phẩm của Datalogic Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu khoảng 45%; châu Mỹ từ 30-35%.

Ông Đặng Văn Chung - Tổng Giám đốc Giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam cho biết, tập đoàn đã chuyển giao nhiều dây chuyền sản xuất công nghệ cao từ Ý, Mỹ về Datalogic Việt Nam. Đồng thời đầu tư các dây chuyền lắp ráp bo mạch điện tử cung cấp trực tiếp cho việc sản xuất máy đọc mã vạch thế hệ mới. Datalogic đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất ở TP.HCM.

Về môi trường đầu tư ở TP.HCM, ông Đặng Văn Chung nhận xét: "TP.HCM và SHTP đang tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp đầu tư tại đây. Chúng tôi tiếp tục được sự tin tưởng của tập đoàn khi đầu tư ở đây nên năm nay sẽ mở rộng nhà máy, xưởng sản xuất ở đây và đưa dây chuyền sản xuất sản phẩm mới về Việt Nam. Chúng tôi đang xúc tiến mở rộng đầu tư và nhận được sự hỗ trợ tốt của SHTP”.

Cùng nhận xét với ông Chung, ông Hon Kay Lee - Phó Chủ tịch Công ty Milwaukee Viet Nam (Asia) Operations, doanh nghiệp sản xuất công cụ điện cầm tay của Mỹ cho biết, môi trường đầu tư ở TP.HCM rất tốt, nhất là ở Khu Công nghệ cao. Trong quá trình đầu tư, hoạt động lãnh đạo và công chức của khu hỗ trợ nhiệt tình và trách nhiệm. Doanh nghiệp này đang có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động ở đây trong thời gian tới.

Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp này và nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư tại Thành phố cần là nguồn nhân lực chất lượng cao, vì không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.

Để TP.HCM ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực công nghệ cao, ông Hon Kay Lee cho rằng: "Theo tôi, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nên tập trung phát triển về logistics, cảng biển và giao thông để giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng hơn. Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, bao gồm công nhân và đội ngũ kỹ sư, nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, việc này không thể nhanh 1 sớm 1 chiều mà cần phải có thời gian vài năm. Hiện nay, Chính phủ đã rất quan tâm tới việc phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ cao, đây là tín hiệu rất tốt".

Nhiều doanh nghiệp FDI đang mở rộng đầu tư ở TP.HCM (Ảnh minh họa-TL)

Nhiều doanh nghiệp FDI đang mở rộng đầu tư ở TP.HCM (Ảnh minh họa-TL)

Hiện nay, định hướng thu hút đầu tư của TP.HCM là công nghệ cao, không thâm dụng lao động, phát triển bền vững và tạo ra giá trị gia tăng cao. Thành phố muốn “đại bàng” về đóng tổ, nhưng quỹ đất và nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Trước khó khăn này, ông Trần Việt Hà- Phó trưởng Ban quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Thành phố thêm 4 khu công nghiệp với diện tích 1.386 ha.

“Việc chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật chất lượng cao thì Hepza phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng… để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực. Hepza cũng hoàn thiện cơ chế quản lý 1 cửa tại chỗ, làm sao đẩy nhanh nhất quá trình giải quyết thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh, tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư” - ông Việt Hà cho biết.

TP.HCM là nơi triển khai thí điểm thành công đầu tiên trong cả nước mô hình Khu chế xuất Tân Thuận. Từ nền tảng vững chắc này, Thành phố đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là những “đại bàng” trong các lĩnh vực công nghệ cao. Thành phố tiếp tục tạo bứt phá trong phát triển công nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tphcm-but-pha-cong-nghiep-tu-vung-dam-lay-hoang-hoa-post1194052.vov